Chuyển hướng trong mùa lũ - Bài 2: Linh động sinh kế

12:01' - 31/08/2019
BNEWS Với mùa lũ năm 2019, khi lũ thấp, nước cạn, sản xuất và sinh kế thích ứng với mùa lũ không thể thực hiện được, thì những người dân nơi đây lại rất linh động chuyển đổi sinh kế.
Do năm nay chưa có lũ, ông Võ Văn Chiến, ngụ tại ấp Bình Thành B, xã Bình Thạnh, Thị xã Hồng Ngự, Đồng Tháp xếp gọn cừ tràm và lưới để chờ mùa lũ năm sau. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN
Người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long bao đời nay vốn rất linh động để thích ứng với những biến đổi của thiên nhiên. Với mùa lũ năm 2019, khi lũ thấp, nước cạn, sản xuất và sinh kế thích ứng với mùa lũ không thể thực hiện được, thì những người dân nơi đây lại rất linh động chuyển đổi sinh kế.

Chủ động mưu sinh

Theo ông Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về Đồng bằng sông Cửu Long, tổng lượng nước lưu vực sông Mê Kông khoảng 475 tỷ m3, riêng lượng mưa lưu vực Sông Cửu Long chiếm 11% tổng lượng nước, số nước còn lại phụ thuộc vào lượng nước từ thượng nguồn Mê Kông chảy về. Tuy nhiên, năm nay lượng mưa tại chỗ rất thấp, lượng mưa của toàn khu vực còn thấp hơn.

Do đó, mùa lũ năm 2019 sẽ gây ra hiệu ứng kép. Đó là thiếu nước trong mùa lũ, người dân sẽ đổi sinh kế, kéo theo thiếu nước trong mùa khô 2019 – 2020, cả chính quyền địa phương lẫn người dân phải linh động xuống giống sớm né hạn và xâm nhập mặn.

Đồng Tháp và An Giang là 2 tỉnh đầu nguồn ông Cửu Long, là nơi đón lũ sớm nhất của khu vực. Theo tìm hiểu, lực lượng lao động chính tại những địa phương nằm trong vùng lũ của 2 tỉnh này chủ yếu là người lớn tuổi và trẻ em, hoặc có những hộ dân đủ sức sống chung với lũ trong nhiều năm qua.

Ông Phạm Thành Tâm, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Phú tâm tư, khoảng 10 năm trước, lực lượng lao động trong huyện còn nhiều, đủ các lứa tuổi. Thế nhưng, sau những lần nơi đây chuẩn bị đón lũ nhưng lũ không về, nhiều người đã rời quê đi tìm việc làm ở những thành phố lớn, mà chủ yếu đến các tỉnh thành miền Đông Nam bộ. 

Khi đến ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang, nhiều người dân nơi đây từng “sống chung với lũ” trong nhiều năm qua đang phải tính toán chuyển sang việc làm khác như  buôn bán thức ăn, đẩy xe đi bán trái cây,… thay vì dựa vào con nước lũ.

Anh Âu Văn Khải, người chuyên làm lưới cung cấp cho những người giăng lưới bắt cá linh trong mùa lũ chia sẻ, từ 2 tháng trước khi lũ về, anh Khải đã thuê nhân công đan 2.000 m lưới, với kinh phí đầu tư 60 triệu đồng, để cung cấp cho những khách hàng quen biết như mọi năm. Ước tính, với nghề phụ trợ mùa lũ, anh Khải thu lợi nhuận từ 60 triệu đồng đến 70 triệu đồng từ việc bán lưới.

Tuy nhiên năm nay không có lũ, toàn bộ số lưới còn nằm trong kho, ẩm mốc và có thể bị chuột cắn phá, thiệt hại nặng. Lưới không bán được, anh Khải và gia đình chuyển kế mưu sinh, hàng ngày đẩy xe bán bún khắp trong ấp Tắc Trúc, kiếm lời 200.000 đồng/ngày sinh sống qua mùa lũ, chờ thời điểm xuống giống, sản xuất lúa trở lại.

Anh Âu Văn Khải, ngụ tại ấp Tắc Trúc, xã Nhơn Hội, huyện An Phú, tỉnh An Giang xếp gọn 2.000 mét lưới đánh cá để chờ bán vào mùa lũ năm sau. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Cùng cảnh ngộ với anh Khải, anh Nguyễn Quốc Việt, trú tại ấp Tắc Trúc chia sẻ, nếu như trước đây, chỉ trong hơn 1 tháng rưỡi mùa lũ, anh Việt kiếm lời khoảng 14 triệu đồng, thì khi không có lũ, anh Việt chỉ kiếm được 100.000 đồng/ngày từ việc đan lợp cua bán cho người dân Campuchia. Do đó, anh Việt cũng bắt đầu chuyển việc sang phụ gia đình bán trái cây, kiếm lời khoảng 200.000 đồng/ngày để chi tiêu cho cả gia đình 5 người.

Hỗ trợ lao động nhàn rỗi

Song song với việc người dân sinh sống trong vùng lũ tự mưu sinh, kiếm sống trong khoảng thời gian vắng lũ, chính quyền địa phương các huyện của tỉnh An Giang và Đồng Tháp cũng đã có những động thái hỗ trợ những người dân nơi đây giải quyết việc làm nhàn rỗi này, để tránh tình trạng người dân bỏ làng, bỏ quê đi nơi khác kiếm sống.

Anh Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bình Thạnh, thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết, xã Bình Thạnh có 300 hộ tận dụng nguồn nước để nuôi thủy sản trong mùa lũ, trên diện tích 800 ha. Thông thường, họ sản xuất 2 vụ lúa, 1 vụ nuôi thủy sản trong mùa lũ để xoay vòng kinh tế theo tự nhiên. Nhưng mùa lũ năm nay không có nước, làm cho nhiều hộ nhàn rỗi trong vụ lúa thứ 3 không xuống giống thủy sản được, giảm hiệu quả kinh tế, các hoạt động khai thác thủy sản mùa lũ cũng gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ không có việc làm.

Do đó, địa phương cùng với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ người dân làm đê bao lửng, lấy nước vào ruộng nuôi thủy sản. Đối với lực lượng lao động nhàn rỗi, khai thác thủy sản trong mùa lũ, chính quyền địa phương sẽ liên kết với các chủ ao nuôi để giới thiệu lao động, giải quyết việc làm cho các lao động nhàn rỗi trong mùa lũ.

Bên cạnh đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đầu nguồn vùng lũ cũng triển khai các dự án hỗ trợ người dân vùng lũ. Điển hình như dự án WB9 tại tỉnh Đồng Tháp (Dự án nâng cao khả năng thoát lũ và phát triển sinh kế bền vững, thích ứng với khí hậu cho vùng đồng Tháp Mười do Ngân hàng thế giới tài trợ).

Cụ thể, dự án này triển khai 8 mô hình sinh kế cho 340 hộ dân, trên diện tích 80 ha, tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Tam Nông, thị xã Hồng Ngự, trên các ngành nghề chăn nuôi, canh tác 2 vụ lúa xen nuôi cá tự nhiên, 2 vụ lúa xen nuôi tôm càng xanh trong mùa lũ. Theo đó, người dân được lựa chọn tham gia dự án sẽ được hỗ trợ 50% kinh phí sản xuất, nuôi thủy sản trong mùa lũ về.

Người dân tại xã Bình Thạnh, Thị xã Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp kiểm tra sức khỏe tôm giống chuẩn bị thả nuôi trong vùng lũ. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp chia sẻ, mỗi địa phương có có một mô hình sản xuất khác nhau, nên việc hỗ trợ người dân 4 huyện, thị xã vùng lũ cũng được thực hiện linh động. Mỗi địa phương có một kế hoạch hỗ trợ sinh kế khác nhau. Tuy nhiên, một điểm chung là các hộ dân nơi vùng lũ sẽ được hỗ trợ làm đê bao lửng, kết hợp các hợp tác xã giải quyết lao động nhàn rỗi trong mùa lũ mà không có lũ để phát triển sinh kế. Mặc dù thu nhập không bằng so với việc dựa vào lũ để khai thác, sản xuất, nhưng cũng giúp các hộ dân khu vực này có thêm thu nhập.

Dù mùa lũ năm nay thiếu nước, nhưng chính người dân địa phương cũng đã linh động, có những giải pháp sinh kế kịp thời, để có thể mưu sinh chờ thời điểm quay lại sản xuất đông xuân. Tuy nhiên, về lâu dài, vấn đề đặt ra cho các địa phương vùng lũ khu vực Đồng bằng sông Cửu Long là làm sao để ứng phó với những bất thường như mùa lũ năm nay, để ổn định sinh kế toàn vùng./.

Bài cuối: Thuận thiên để thích ứng lâu dài

>> Trải nghiệm thú vị du lịch mùa nước nổi ở Đồng Tháp

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục