Chuyện làm giàu không vốn ở Nam Định

10:42' - 13/01/2019
BNEWS Nhiều hộ dân ở thôn Bắc Giang, thị trấn Cát Thành, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định đã đưa giống hồng cổ Sa Pa về trồng cho hiệu quả kinh tế cao, gấp nhiều lần các cây trồng khác.

Không ít gia đình có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm và câu chuyện làm giàu không vốn của bà con vùng quê này ngày càng được nhiều người biết đến, làm theo...
Bắc Giang có 250 hộ, là thôn trồng nhiều hồng cổ Sa Pa nhất tại Cát Thành với gần 50% số hộ nên hỏi về “làng hoa” Bắc Giang ai ai cũng biết. Những ngày gần Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, con đường nhỏ, quanh co dẫn về thôn tấp nập người, xe.

Những vườn hồng thi nhau khoe sắc qua từng luống hoa rực rỡ. Trên cành, lá, những trồi non còn đọng lại những hạt sương đêm lóng lánh tạo nên bức tranh làng quê thơ mộng, trữ tình. Hương hoa thơm ngát hòa trong làn gió khiến cho cái rét của những ngày đông thêm ngọt.
Con sông Ninh Cơ bao năm bồi đắp phù sa đã giúp những mùa lúa, bãi rau của người dân Bắc Giang thêm phần tươi tốt. Vậy nhưng, theo các hộ dân nơi đây, trồng rau màu không mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập chỉ đủ trang trải cuộc sống hàng ngày. Thế nên khoảng 5 năm gần đây, nhiều hộ dân trong thôn đã chuyển sang trồng hồng cổ Sa Pa. Loài cây thuộc dạng thân bụi, nở hoa quanh năm, sinh trưởng mạnh, giá bán cao.
Nói về việc đưa cây hồng cổ Sa Pa về đồng đất này, người dân ở thôn Bắc Giang cho hay, trong quá trình tìm cây trồng mới nhằm nâng cao giá trị, hiệu quả canh tác, năm 2014 ông Nguyễn Văn Sinh đã đi thăm quan, học hỏi, tìm hiểu các tài liệu trên mạng về kỹ thuật trồng, chiết cành, tỉa tán và quyết định đưa hồng cổ Sa Pa về trồng thử nghiệm tại vườn nhà. Cây phát triển tốt, thân cao, sai nụ, hoa to, màu đẹp, hương thơm đượm nên bán được giá, các thương lái tìm về tận nhà đặt mua.
Nhận thấy trồng hồng cổ Sa Pa thu nhập cao, ông Sinh đã hướng dẫn các hộ trong thôn Bắc Giang cùng trồng loài hoa này. Từ chỗ mỗi gia đình chỉ trồng vài chục m2 hồng đến nay các hộ dân ở đây đã chuyển từ cây rau màu hiệu quả kinh tế thấp sang trồng hồng cổ Sa Pa cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.
Là một trong những hộ trồng nhiều hồng cổ Sa Pa ở thôn Bắc Giang, với trên 300m2, ông Nguyễn Văn Hiển, Trưởng thôn cho biết, giống hồng này rất khỏe nên việc chăm sóc không khó. Chỉ cần bón lượng phân vừa phải, tận dụng phân chuồng ủ mục, bón thêm phân lân NPK là có thể đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Hồng cổ Sa Pa dễ mắc các loại sâu bệnh gây hại như: cuốn lá, muội, bọ trĩ… do đó phải thường xuyên theo dõi, kiểm tra quá trình phát triển của cây trồng để có biện pháp trừ bệnh hại kịp thời.
Để nhân giống loài hoa này, người dân nơi đây phải thực hiện chiết, ghép cành. Vào khoảng tháng 8 - 12 hoặc tháng 2 - 4, người dân chọn cành bánh tẻ để chiết, dùng rễ bèo tây để tạo bầu giúp khả năng ra rễ nhanh, khỏe hơn. Rễ bèo tây nhẹ giúp giảm trọng lượng cho cành cây gốc cũng như khả năng giữ ẩm tốt sẽ kích rễ mọc nhanh hơn. Sau 20 ngày, cành chiết ra rễ và có thể tiến hành trồng ra luống.
Để bán được giá, người dân phải tạo tán cho cây. Thời gian đầu, để cung cấp dinh dưỡng nuôi thân cây, người dân sẽ cắt hết nụ không cho cây ra hoa. Sau khoảng 1 năm cây cho ra tán cần tạo, lúc này mới để cây phát triển tự nhiên. Hồng cổ Sa Pa ra hoa quanh năm nên đáp ứng yêu cầu hoa chơi Tết, trang trí nhà cửa của nhân dân, đặc biệt là mang lại nguồn thu lớn cho người trồng.
Với những cây không tạo tán, thời gian chăm sóc ngắn, người dân bán từ 200.000 - 400.000 đồng/cây. Còn những gốc trồng từ 1 năm trở lên, tán rộng, có giá từ 1,5 - 2 triệu đồng. Cây trồng càng lâu năm giá trị càng cao. Ngoài ra, những cành chiết cũng được thương lái ưa chuộng mua với giá khoảng 50.000 đồng/cành.
Ông Hoàng Văn Cần, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn Cát Thành cho biết, toàn thị trấn có 26 thôn, gần như thôn nào cũng có người trồng hồng cổ Sa Pa. Với giá trị cao, bình quân 360m2, cây hồng cho thu nhập khoảng 200 triệu đồng/năm, gấp 3 - 4 lần so với trồng rau màu các loại. Việc trồng hồng cổ Sa Pa cũng gần như không tốn chi phí đầu tư ban đầu song hiệu quả kinh tế rất cao.
Nhờ trồng giống hồng cổ này, nhiều hộ dân tại Cát Thành đã vươn lên xóa đói, ổn định cuộc sống và làm giàu ngay trên chính quê hương mình. Những ngôi nhà cao tầng khang trang mọc lên ngày càng nhiều khiến diện mạo nông thôn Bắc Giang đã ngày thêm sáng, thêm xanh và luôn sạch đẹp.
Ông Đỗ Xuân Thủy, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Thành khẳng định: Việc đưa cây hồng cổ Sa Pa về trồng tại địa phương có ý nghĩa lớn trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nhất là nâng cao giá trị sản xuất trên một diện tích canh tác. Ở nhiều thôn tại Cát Thành, người dân trồng hồng cổ Sa Pa ngày càng nhiều bởi giống hồng này được xem như cây trồng chủ lực ở những diện tích đất vườn, đất màu tại địa phương.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cát Thành khuyến cáo, thị trường hoa hồng thường kén người mua. Việc tiêu thụ sản phẩm hiện nay phụ thuộc nhiều vào thương lái. Do đó, người dân cần phát triển sản xuất có kiểm soát, không mở rộng trên diện tích quá lớn, tràn lan để tránh trường hợp thương lái ngừng thu mua, ảnh hưởng đến sản xuất../.

>>> Những tỷ phú "chân đất" với vốn rẻ

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục