Chuyển mình, ghi dấu trong lòng bạn đọc

06:15' - 16/10/2022
BNEWS Giữa vòng xoáy công nghệ, cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, việc duy trì ấn phẩm báo in là một thách thức không nhỏ.
"Đột kích" vào phòng mi trang của tờ bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam & Thế giới trong những ngày nước rút trước kỳ phát hành thứ 1.000, ai nấy đều tập trung cao độ để mang tới cho độc giả một sản phẩm ấn tượng.

Nhưng ít ai biết rằng để duy trì và phát triển ấn phẩm thông tin kinh tế chuyên sâu đầy hấp dẫn như ngày nay, tờ báo đã trải qua nhiều lần đổi thay, tự làm mới mình để bắt kịp nhu cầu thông tin của độc giả giữa bối cảnh công nghệ phát triển như vũ bão.

 
Từ bản mi thủ công

Ra mắt từ tháng 4/1999, Kinh tế Việt Nam & Thế giới được xuất bản với 2 ấn phẩm là báo ngày và báo tuần, in ấn theo đơn đặt hàng của các tỉnh, bộ, ngành, doanh nghiệp, nhà nghiên cứu.... 

Với hàng loạt thông tin kinh tế nóng hổi, các bài phân tích - dự báo chuyên sâu đến từ các cây viết cự phách, Kinh tế Việt Nam & Thế giới thời kỳ đó đặc biệt hút khách và được coi là nguồn thông tin tham khảo cho các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách, các nhà kinh tế, giới chuyên gia...

Nếu như ngày nay, các khâu từ thiết kế trang báo đến in ấn đều có máy móc và các ứng dụng hỗ trợ, file thành phẩm chỉ cần gửi email tới nhà in là đã ra báo, thì cách đây hơn 20 năm, mọi công đoạn trên đều phải "chạy bằng cơm", anh Đỗ Quốc Khánh, Kỹ thuật viên mi trang vui vẻ nhớ lại.

Chia sẻ về những ngày đầu, anh Khánh kể: "Ngày đó, tôi còn là kỹ thuật viên tách màu tại nhà in. Mỗi lần mi trang xong, các kỹ thuật viên của Ban biên tập Tin kinh tế phải in sản phẩm ra giấy can rồi mang xuống nhà in làm bình phơi trên kẽm. Còn với ảnh bìa hay quảng cáo thì phải bóc tách ảnh, dán vào giấy rồi gửi nhà in scan và tách màu, gõ chữ. Tất cả các công đoạn đều làm thủ công. Trao đổi tư liệu hay chỉnh sửa thiết kế đều phải đưa tận tay, gặp tận mặt chứ không có internet hỗ trợ như bây giờ".

Khi ấy, người thiết kế chưa nắm rõ được kỹ thuật in ấn, chất lượng hình ảnh lựa chọn đôi khi không đảm bảo để in. Trong khi kỹ thuật viên nhà in lại không nắm được hết tinh thần, quan điểm mà tờ báo muốn truyền tải. Do đó, mỗi khi cần chỉnh sửa lại tốn rất nhiều thời gian trao qua đổi lại mới có thể ra được một sản phẩm hoàn thiện.

Vấn đề này được khắc phục khi anh Khánh được chuyển về công tác trực tiếp tại bộ phận mi trang của Ban biên tập Tin kinh tế. Từng là kỹ thuật viên tách màu và rất "thiện chiến" với hình ảnh, anh Khánh đã chủ động trong các thiết kế, lựa chọn hình ảnh chất lượng cao ngay từ đầu vào, giúp tiết kiệm thời gian, giảm bớt các công đoạn chỉnh sửa. Chất lượng ấn phẩm phát hành từ đó cũng được nâng lên đáng kể, được lãnh đạo ban và đối tác ghi nhận.

Tuy nhiên, chỉ chừng đó thôi là chưa đủ giữa một thế giới công nghệ đang thay đổi chóng mặt từng ngày, từng giờ, kéo theo những xu hướng, thói quen mới của độc giả.

Chuyển mình hiện đại

Năm 2015 đánh dấu bước ngoặt lớn của tờ Kinh tế Việt Nam & Thế giới khi chuyển đổi thành bán nguyệt san, phát hành vào ngày mùng 1 và 15 hàng tháng. Cùng với đó, hình thức thể hiện cũng theo xu hướng mới.

Tờ bán nguyệt san như được "lột xác", đi theo hướng sử dụng hình ảnh để thể hiện nội dung bài viết. Thay vì một tờ báo dày chi chít chữ như trước, nhiều ảnh cỡ lớn được đưa vào trong thiết kế, làm nổi bật nội dung chuyên đề, gây ấn tượng mạnh với người đọc ngay từ khi cầm tờ báo lên. Đồng thời số lượng chữ cũng được giảm bớt để tạo độ thoáng cho mắt người đọc. 

"Khoác một chiếc áo mới, tờ báo đã đẹp hẳn lên với loạt hình ảnh được xử lý công phu. Lúc đầu bài chủ bán nguyệt san ngoài việc được in màu thì thiết kế tương tự trang trong. Nhưng sau khi thay đổi, bài chủ đã trở nên rất ấn tượng với ảnh cỡ lớn, nổi bật hẳn so với các bài trang ruột", anh Khánh chia sẻ. 

Chưa dừng ở đó, bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam & Thế giới còn được phát hành trên mạng điện tử tại địa chỉ https://bnews.xembao.vn/. Với sự xuất hiện này, thông tin kinh tế chuyên sâu của TTXVN đã có thêm một kênh để tiếp cận gần hơn với bạn đọc.

Để ấn phẩm luôn hấp dẫn cũng chính là làm mới cảm xúc sáng tạo của mình, anh Khánh thường xuyên tìm tòi, cập nhật các kỹ thuật, xu hướng mới.

Theo anh Khánh, làm lâu ở một vị trí, một công việc nếu không biết cách làm mới mình, làm mới cảm xúc thì sẽ không tránh khỏi những lúc cạn ý tưởng. Ngày càng khó tính và đòi hỏi bản thân cao hơn, anh thường tìm đến những thiết kế mới, cách thức thể hiện, cắt ghép mới và thực hành để tạo nên những sản phẩm ấn tượng. 

"Để thiết kế một trang bìa, tôi thường mất khoảng 2 ngày để nghiền ngẫm nội dung từng bài viết, từ đó có được cái nhìn tổng thể, xuyên suốt của chuyên đề và lên ý tưởng phù hợp. Có những trang bìa mất đến 4 ngày để nghiên cứu, phác thảo. Hơn nữa, để đáp ứng được nhu cầu của bạn đọc hiện đại, việc xử lý hình ảnh cũng yêu cầu ngày càng chất lượng hơn, tăng cường tranh, ảnh, biểu đồ, đồ họa...", anh Khánh nói. 

Hiện nay, bán nguyệt san Kinh tế Việt Nam & Thế giới là ấn phẩm duy nhất của TTXVN chuyên biệt về thông tin kinh tế chuyên sâu trong và ngoài nước. Giữa vòng xoáy công nghệ, cạnh tranh thông tin với mạng xã hội, việc duy trì ấn phẩm báo in là một thách thức không nhỏ.

Nhưng với lợi thế thông tin nhanh nhạy, chính xác, trung thực, được kiểm chứng cùng những phân tích, bình luận đa chiều về các vấn đề kinh tế chuyên sâu, Kinh tế Việt Nam & Thế giới được kỳ vọng sẽ vẫn giữ vị trí nhất định trong lòng bạn đọc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục