Chuyện quản lý: Xin nhiều, tiêu chẳng bao nhiêu

15:18' - 06/01/2016
BNEWS Dù được cả nước ưu ái đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội cho “bằng anh - bằng em”, song Điện Biên vẫn không thể sử dụng hết nguồn ngân sách
Một số hình ảnh thi công tại các công trường thuộc dự án di dân tái định cư thủy điện Sơn La. Ảnh:TTXVN

Từ nhiều năm nay, Điện Biên luôn đứng vị trí đầu bảng của địa phương nghèo nhất nước với tỷ lệ đói nghèo trung bình toàn tỉnh trên 28% và 93% ngân sách hoạt động do Trung ương cấp. Nhưng tiếc thay, dù được cả nước ưu ái đầu tư để phát triển kinh tế-xã hội cho “bằng anh - bằng em”, song địa phương này vẫn không thể sử dụng hết nguồn ngân sách. Để rồi, “xin nhiều mà tiêu chẳng bao nhiêu”, cuối năm bị Trung ương thu hồi để chuyển nguồn cho địa phương khác.
Trong Báo cáo số 393 tháng 12/2015 của UBND tỉnh Điện Biên về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2015, có thể điểm tên một số chương trình hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương và trái phiếu Chính phủ với tiến độ triển khai chậm.
Cụ thể, Chương trình Phát triển và bảo vệ rừng bền vững có 40 tỷ đồng chưa thực hiện giải ngân, kế hoạch vốn kéo dài năm 2014 chuyển sang năm 2015 cũng chỉ giải ngân được 5,3/37 tỷ đồng.
Dự án sắp xếp ổn định dân di dịch cư tự do Mường Nhé theo Đề án 79 của Chính phủ với giá trị giải ngân tỉnh ước thực hiện chỉ đạt 46% kế hoạch vốn giao. Hay các Chương trình phát triển kinh tế xã hội tuyến biên giới Việt - Trung; Chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới; Trái phiếu thủy lợi; Tín dụng ưu đãi...
Tỷ lệ giải ngân đầu tư phát triển 10 tháng mới đạt 54,4%; kế hoạch vốn năm 2014 kéo dài giải ngân sang năm 2015 và kế hoạch vốn năm 2015 đến nay chưa có đủ điều kiện để phân bổ là 56 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ đọng khối lượng hoàn thành đến thời điểm 31/12/2014, hiện chưa có nguồn để xử lý dứt điểm trong năm 2015 là 327 tỷ đồng...
Bởi vậy, một số chương trình không thực hiện được hết kế hoạch vốn kéo dài như Chương trình bảo vệ và phát triển rừng bền vững không giải ngân hết, bị thu hồi về ngân sách Trung ương tới gần 31,7 tỷ đồng. Hoặc, nguồn trái phiếu Chính phủ năm 2013 bố trí cho dự án Hồ chứa nước Ẳng Cang 17,5 tỷ đồng, đến nay chưa thực hiện giải ngân. Trong khi đó, dự án này đang treo tạm ứng tại Kho bạc là 45 tỷ đồng.
Các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về giáo dục - đào tạo, dự án trái phiếu giao thông, thủy lợi, y tế có tổng mức đầu tư vượt hạn mức vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ trong giai đoạn đến năm 2015, trong khi giai đoạn 2016 - 2020 chưa chắc chắn được ngân sách Trung ương tiếp tục đầu tư, gây nên gánh nặng cho cân đối ngân sách địa phương trong bố trí trả nợ và đầu tư hoàn thành.

Dự án thường bị chậm triển khai trên địa bàn. Ảnh:TTXVN

Nguyên nhân chủ quan của tình trạng trên được chính quyền tỉnh Điện Biên đánh giá là do tính chủ động và sự phối hợp trong lãnh đạo, chỉ đạo của một số cấp, ngành trong tỉnh chưa quyết liệt. Một bộ phận cán bộ thiếu năng lực, năng động; điều hành của một số chủ đầu tư còn hạn chế...
Một nguyên nhân quan trọng khác lại chưa được chính quyền địa phương này nhắc tới chính là tình trạng “hành là chính” của nhiều cán bộ được giao nhiệm vụ thẩm định, phê duyệt hồ sơ các chương trình, dự án ở tại các cơ quan quản lý nhà nước.
Ông Trần Đăng Ninh, Chủ tịch - Tổng Giám đốc Công ty Hoàng Anh Điện Biên cho rằng, tại địa phương đang xuất hiện các “ông trời - bà trời con” ở các cơ quan công quyền khi được giao phê duyệt các thủ tục đầu tư. Hồ sơ dự án nộp lên từ đầu năm, nhưng để dây dưa chờ “ý kiến” của các chủ đầu tư, các doanh nghiệp. Đến khi phê duyệt xong lại tới mùa mưa nên không thể thi công, hoặc đã hết năm nên không kịp tiến độ, đành trả lại kinh phí cho Trung ương.
Ngân sách Nhà nước cấp đã vậy, nhưng kinh phí do các nhà đầu tư từ bên ngoài đem đến đầu tư tại địa phương nghèo này cũng chẳng mấy khá hơn. Dù đem tiền đến với mục tiêu cả nhà đầu tư và địa phương đều có lợi, nhưng họ vẫn bị “hành là chính”. Dự án đầu tư bị “ngâm” trên địa bàn này vài năm mà chưa được thực hiện. Trong khi đó, nếu đem số tiền đó đầu tư vào địa phương khác thì được đáp ứng ngay.
Chán nản với cung cách điều hành của bộ máy công quyền địa phương, các nhà đầu tư chuyển hướng và “một đi không trở về”. Chả vậy mà từ nhiều năm nay, Điện Biên luôn đứng ở vị trí “đội sổ” trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Đã là 1 tỉnh nghèo nhất cả nước, ngân sách hầu như do Trung ương cấp; lại ở vị trí “đường cụt”, không mấy hấp dẫn các nhà đầu tư. Vậy nhưng khi có cơ hội để phát triển, địa phương này với những lý do như trình độ năng lực điều hành hạn chế; chưa nắm được quy trình thủ tục đầu tư theo luật mới; chậm trễ trong điều hành giải phóng mặt bằng; và quan trọng nhất là “Một số bộ phận cán bộ, công chức thiếu năng động..." khiến Điện Biên biết bao lần để vuột mất cơ hội. Tiền “xin” Trung ương, hay kêu gọi từ các nhà đầu tư đã khó, vậy nhưng đã có rồi mà không biết cách tiêu, thật đáng tiếc cho địa phương nơi miền cực Tây của Tổ quốc này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục