Cơ hội gia tăng xuất khẩu sang thị trường Latvia

08:09' - 01/06/2022
BNEWS Trong hai ngày 31/5 và 1/6 Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Latvia.

Nhằm tranh thủ sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, thúc đẩy xuất khẩu hàng Việt Nam vào Latvia qua việc cập nhật thông tin về thị trường mỗi nước, trong hai ngày 31/5 và 1/6 Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã tổ chức Hội nghị giao thương trực tuyến kết nối doanh nghiệp Việt Nam - Latvia.

 

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng  Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh: Đây là cơ hội để rà soát, phân tích những khó khăn cũng như thảo luận về phương hướng và các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục và phát triển thị trường trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn tiếp diễn.

Đặc biệt, các phiên giao thương sau hội nghị sẽ tạo điều kiện để các doanh nghiệp kết nối, trao đổi khả năng hợp tác kinh doanh, góp phần đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa giữa Việt Nam và Latvia.

Thống kê cho thấy, năm 2021, kim ngạch hai chiều giữa Việt Nam và Latvia đạt khoảng 240,7 triệu USD, tăng 2% so với năm 2020; trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Latvia đạt khoảng 219,24 triệu USD, tăng 4,4%, nhập khẩu đạt 21,46 triệu USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2020. Tính đến hết quý I/2022, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đã đạt 66,7 triệu USD.

Ông Edmunds Valantis - Quốc Vụ khanh Bộ Kinh tế Latvia cũng ghi nhận những bước phát triển mạnh mẽ trong quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước trong những năm qua, nhất là trong các lĩnh vực nông thủy hải sản, đồ gỗ, dệt may, da giày.... Hơn nữa, việc Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại tự do đã tác động tích cực đến trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Latvia trong những năm gần đây.

Theo ông Phan Đăng Dương- Đại sứ Việt Nam tại Thụy Điển (kiêm nhiệm Latvia), đây là đối tác kinh tế lớn nhất của Việt Nam trong 3 nước vùng Baltic, Việt Nam cũng là đối tác lớn nhất của Latvia trong số các nước ASEAN.

Trên cơ sở quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước, Việt Nam mong muốn tăng cường hơn nữa quan hệ hợp tác với Latvia trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục và đào tạo, hợp tác lao động, du lịch.

“Chúng tôi tin tưởng chắc chắn rằng với nỗ lực chung của hai bên sự kiện sẽ thành công tốt đẹp và mở ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp hai nước tăng cường và mở rộng hợp tác trên tất cả các lĩnh vực hai nước có thế mạnh sau 2 năm gián đoạn do hậu quả của dịch COVID-19”, ông Phan Đăng Dương nhấn mạnh.

Nhìn nhận về thị trường Latvia, ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại kỳ vọng chương trình giao thương sau hội nghị sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam và Latvia được gặp gỡ trực tiếp để hiểu rõ nhau hơn, trao đổi kỹ lưỡng hơn về thế mạnh và sản phẩm của từng doanh nghiệp, qua đó tiến đến hợp tác, ký kết hợp đồng nếu có thể.

Cũng theo ông Vũ Bá Phú, tiếp nối thành công của các sự kiện xúc tiến thương mại trực tiếp ra thị trường nước ngoài từ đầu năm, trong tháng 8 và 9, Cục Xúc tiến thương mại sẽ tổ chức một số đoàn doanh nghiệp đi khảo sát thị trường Thuỵ Điển, Na Uy, Đức, Italy, Cộng hoà Séc, Đông Âu.

Hơn nữa, Bộ Công Thương hy vọng đón đoàn doanh nghiệp từ Latvia sang Việt Nam để tìm hiểu thị trường và tìm kiếm cơ hội hợp tác nhất là trong lĩnh vực chuyển đổi số, trí tuệ thông minh, IT, đồ gỗ và đồ gỗ nội thất.

Ông Vũ Bá Phú cho biết, Latvia là một trong ba nước thuộc vùng Baltic và có vị trí địa lý chiến lược cho các hoạt động kinh doanh giữa khu vực EU và các thị trường mới nổi nằm ở phía đông của nước này. Latvia có vị trí địa lý như một cửa ngõ giữa Hoa Kỳ, EU và châu Á, đặc biệt là Nga.

Tuy là một nước nhỏ, nhưng nhờ cải cách, kinh tế Latvia liên tục tăng trưởng trong 10 năm gần đây, trừ 2020 do hậu quả của dịch COVID-19 và có tiềm năng kinh tế lớn.

Trong 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Latvia đã có quan hệ hữu nghị hợp tác rất tốt. Tuy nhiên, về thương mại, kim ngạch giữa hai nước còn rất nhỏ.

Các mặt hàng chính Việt Nam xuất khẩu sang Latvia gồm hải sản, hạt điều, cà phê, hạt tiêu, sản phẩm chất dẻo, sản phẩm mây tre đan, gỗ và sản phẩm gỗ, hàng dệt may, giày dép các loại. Còn Việt Nam nhập khẩu từ Latvia các mặt hàng như cao su, gỗ và sản phẩm gỗ, bông, vải các loại, nguyên phụ liệu dệt, may, da, máy móc, thiết bị, dược phẩm.

Đáng lưu ý, Latvia là thị trường tiềm năng về thủy sản, nhập khẩu cá và các sản phẩm cá đóng hộp từ 40 quốc gia trên thế giới để cung cấp nguyên liệu cần thiết cho ngành chế biến thủy sản của nước này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục