Cơ hội hợp tác thương mại giữa Việt Nam và Uruguay

13:58' - 14/08/2019
BNEWS Ngày 14/8 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) với Cơ quan Xúc tiến đầu tư Uruguay đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về xúc tiến thương mại đầu tư.

Cục Xúc tiến thương mại với Cơ quan Xúc tiến đầu tư Uruguay đã ký kết Bản ghi nhớ (MOU) hợp tác về xúc tiến thương mại đầu tư. Ảnh: Hằng Trần/Bnews/TTXVN

Sáng 14/8 tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) với Cơ quan Xúc tiến đầu tư Uruguay đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác về xúc tiến thương mại đầu tư. 

Tại lễ ký kết ông Vũ Bá Phú, Cục Trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết, việc ký kết biên bản ghi nhớ sẽ là nền tảng để hai bên tiếp tục thúc đẩy hợp tác xúc tiến thương mại; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp hai nước đến gần nhau hơn. Qua đó, nâng cao kim ngạch thương mại hai chiều trong tương lai.

"Chúng tôi hy vọng trong thời gian tới hai bên sẽ có nhiều điều kiện tiếp xúc trao đổi các đoàn doanh nghiệp nhiều hơn nữa qua đó nâng cao hiểu biết và thắt chặt mối quan hệ cộng đồng doanh nghiệp hai bên"- ông Vũ Bá Phú nói.

Theo số liệu thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam sang Uruguay năm 2018 đạt 140 triệu USD, tăng 19% so với năm 2017; trong đó, xuất khẩu Việt Nam sang Uruguay đạt 82 triệu USD, tăng 17,3% so với năm 2017, nhập khẩu của Việt Nam từ Uruguay đạt 58 triệu USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm 2017.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Uruguay gồm: giày dép các loại, sản phẩm dệt may, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, hàng thủy sản, điện thoại và linh kiện, sản phẩm mây tre, cói, thảm, sản phẩm từ thép, sản phẩm từ chất dẻo, sản phẩm gốm, sứ, xơ, sợi dệt các loại.

Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu của Việt Nam từ Uruguay gồm: gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nguyên phụ liệu dệt may da, giày, dược phẩm, sữa và các sản phẩm từ sữa, hàng thủy sản, thức ăn gia súc và nguyên liệu, hóa chất…

Đối với doanh nghiệp Việt Nam, thị trường Uruguay luôn được ưu tiên là thị trường xuất khẩu  hứa hẹn nhiều tiềm năng, nhưng do khoảng cách địa lý nên doanh nghiệp hai bên chưa có nhiều điều kiện tiếp xúc liên hệ thường xuyên./.

>>> Xuất khẩu dệt may sang Nhật: Tạo thương hiệu bằng chất lượng

>>> Nga - thị trường hứa hẹn cho xuất khẩu dệt may của Việt Nam

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục