Cơ hội mới cho giao thương, phát triển các khu kinh tế biển

15:18' - 27/10/2024
BNEWS Sự ra đời của cầu Ba Lai 8 và tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre mở ra cơ hội mới cho giao thương và góp phần vào sự phát triển của các khu kinh tế biển ở phía Đông đồng bằng sông Cửu Long.

Sự ra đời của cầu Ba Lai 8 và tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre, được kỳ vọng như là một "Con đường tơ lụa", mở ra cơ hội mới cho giao thương và thu hút vốn đầu tư xây dựng, góp phần vào sự phát triển của các khu kinh tế biển năng động ở phía Đông đồng bằng sông Cửu Long.

Tỉnh Bến Tre đã khởi công dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre và khởi động dự án tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh vào ngày 2/10/2024.

Dự án xây dựng cầu Ba Lai 8 sẽ hoàn thành sau 2 năm thi công, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế biển tại tỉnh Bến Tre và các địa phương ven biển lân cận. Đây là dự án giao thông lớn mang tính huyết mạch, tạo bước đột phá để đáp ứng mục tiêu đẩy mạnh phát triển về hướng Đông của các tỉnh có con đường đi qua.

Ông Cao Minh Đức, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Bến Tre cho biết: Dự án cầu Ba Lai 8 có tổng mức đầu tư lên tới 2.255 tỷ đồng, được chia thành ba gói thầu. Cây cầu có chiều dài 527,6m với thiết kế hiện đại, đạt tiêu chuẩn tải trọng HL.93, khổ cầu rộng 22,5 m, và phần đường vào cầu dài 12,37 km, mặt đường gồm 4 làn xe ôtô và 2 làn xe hỗn hợp sẽ là một trong những công trình giao thông trọng điểm góp phần vào công cuộc hiện đại hóa hạ tầng của tỉnh Bến Tre.

Theo nhận định của Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam, dự án xây dựng cầu Ba Lai 8, nằm trong hành lang đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre, không chỉ đơn thuần là một công trình giao thông mà còn là biểu tượng cho những kỳ vọng lớn lao trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đặc biệt, là sự phát triển mở rộng không gian về hướng Đông của tỉnh Bến Tre nói riêng mà còn cho cả khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nói chung.

"Dự án khi hoàn thành sẽ giúp tỉnh hiện thực hóa 52 km tuyến đường ven biển, mở ra hành lang kinh tế mới cho tỉnh là kinh tế biển, nhất là phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên hướng Đông của tỉnh theo như Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bến Tre định hướng phát triển về hướng Đông. Bến Tre coi đây là một cơ hội thực hiện khát vọng lấn ra biển để làm giàu". Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam khẳng định.

Xác định giao thông là mạch máu của nền kinh tế, cho nên việc khởi công cầu Ba Lai 8 và khởi động dự án xây dựng Tuyến đường bộ ven biển kết nối tỉnh Bến Tre với tỉnh Tiền Giang và Trà Vinh nhằm hiện thực hóa tư duy phát triển hướng Đông mà tỉnh Bến Tre đang rất kỳ vọng.

Theo Tiến sĩ Trần Hữu Hiệp, Chuyên gia Kinh tế Đồng bằng sông Cửu Long, việc khởi công xây dựng cầu Ba Lai 8 và khởi động dự án xây dựng Tuyến đường bộ ven biển phía Đông đồng bằng sông Cửu Long là cần thiết.

Bởi, cầu Ba Lai 8 là một dự án hạ tầng giao thông quan trọng tại tỉnh Bến Tre, nằm trong chiến lược phát triển giao thông vận tải của địa phương, là một mắc xích quan trọng kết nối hành lang ven biển. Từ đó, tạo ra không gian phát triển mới, tăng cường liên kết giữa Bến Tre với các tỉnh ven biển theo trục Tp.Hồ Chí Minh – Tiền Giang – Bến Tre – Trà Vinh – Sóc Trăng – Bạc Liêu và Cà Mau.

Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết: cầu Ba Lai 8 và tuyến đường bộ ven biển tỉnh Bến Tre khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông của tỉnh, kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông khu vực và quốc gia.

Con đường cũng sẽ mở ra không gian phát triển cho khu vực phía Đông tỉnh Bến Tre; là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao.

Ông Đào Ngọc Thanh, Bí thư Đảng uỷ - Chủ tịch Hội đồng quản trị Chiến lược Tổng Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) cho hay, dự án đầu tư xây dựng cầu Ba Lai 8 là một trong các dự án giao thông trọng điểm nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 - 2025.

Đây là dự án nằm trong hành lang đường bộ ven biển, có vai trò quan trọng trong việc kết nối đồng bộ giữa tỉnh Bến Tre với Tiền Giang và Trà Vinh. Sau khi hoàn thành, dự án cầu Ba Lai 8 sẽ góp phần hoàn thiện hạ tầng giao thông khu vực, tăng cường giao thương hàng hoá, thu hút vốn đầu tư và tạo động lực lớn cho sự phát triển các khu kinh tế biển, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội cho Bến Tre và các tỉnh lân cận.

Tại lễ khởi công dự án cầu Ba Lai 8 ngày 2/10/2024, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình hoan nghênh Bến Tre là tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long đi đầu trong việc triển khai, xây dựng tuyến đường bộ ven biển đầu tiên ở Miền Tây Nam Bộ.

Theo Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, đây là con đường kết nối Bến Tre với các tỉnh ven biển Đồng bằng sông cửu Long, phá thế cô lập, giúp hạ tầng kết nối đồng bộ với các tuyến cao tốc; rút ngắn quãng đường di chuyển đến Tp. Hồ Chí Minh vài chục km, giảm tải cho Quốc lộ 1, qua đó, giảm đáng kể chi phí logictis.

Với con đường này, Bến Tre có thể thực hiện lấn biển với diện tích lên đến 50.000 ha. Đối với các tỉnh lân cận như Tiền Giang, Trà Vinh, dự án cũng mang lại cơ hội tương tự. Từ đó, mở ra cơ hội phát triển mạnh mẽ kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Như một động lực cần thiết, khởi công cầu Ba Lai 8 và khởi động tuyến đường bộ ven biển đầu tiên ở Miền Tây Nam Bộ không chỉ là câu chuyện về xây dựng giao thông liên vùng trở thành "con đường tơ lụa ", mà còn là minh chứng cho sự quyết tâm của chính quyền địa phương, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tại tỉnh Bến Tre./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục