Cơ hội nào cho doanh nghiệp bán lẻ lấn sân sang ngành dược phẩm?

11:26' - 24/03/2022
BNEWS Nhận thấy tiềm năng lớn của ngành dược, nhiều công ty bán lẻ hàng đầu đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này, nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.
Giới phân tích nhận định, xu hướng già hóa dân số sẽ thúc đẩy nhanh sự phát triển của ngành chăm sóc sức khỏe. Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đẩy nhanh sự tăng trưởng ngành dược, nhất là các mô hình hiện đại như chuỗi nhà thuốc. Nhận thấy tiềm năng lớn của ngành dược, nhiều công ty bán lẻ hàng đầu đã và đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực này, nhằm tìm kiếm cơ hội tăng trưởng.

*Cuộc đua thị phần

Các doanh nghiệp đầu ngành bán lẻ đang bước vào cuộc đua mới trong lĩnh vực dược phẩm. Vào tháng 11/2021,  Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động (mã chứng khoán: MWG) đã mua 1,294 triệu cổ phiếu của Công ty cổ phần Bán lẻ An Khang (Nhà thuốc An Khang), với giá trị là 52,2 tỷ đồng, nâng sở hữu từ 49% lên 100% chuỗi Nhà thuốc An Khang. Theo đó, Công ty cổ phần Bán lẻ An Khang đã trở thành công ty con của Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động.

Hiện, doanh số mỗi nhà thuốc trên tháng đạt khoảng hơn 500 triệu đồng, bắt đầu chạm ngưỡng hòa vốn. Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động xây dựng một số mô hình An Khang mới nhằm tăng doanh thu và tối ưu hóa chi phí mỗi cửa hàng, đồng thời doanh nghiệp sẽ tăng nhanh số cửa hàng trong 2022.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động Nguyễn Đức Tài chia sẻ, doanh nghiệp nâng tỷ lệ sở hữu tại An Khang lên 100% để chuẩn bị tăng tốc trong tương lai khi ngành thuốc đang có các cơ hội phát triển tích cực sau đại dịch.

Theo ông Tài, ngành thuốc đang chuyển dịch từ thuốc chữa bệnh sang các sản phẩm phòng bệnh, bảo vệ sức khỏe như vitamin, thuốc bổ. Đây là giai đoạn phù hợp để mô hình nhà thuốc tăng trưởng.

Một doanh nghiệp bán lẻ đang đầu tư mạnh mẽ cho chuối nhà thuốc cần nhắc tới đó Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) - thành viên của Tập đoàn FPT. Hiện nay, FPT Retail đang dẫn trước Công ty cổ phần Đầu tư Thế giới Di động trong cuộc đua chuỗi nhà thuốc.

Từ một doanh nghiệp bán lẻ các sản phẩm kỹ thuật số di động, năm 2017, FPT Retail đã đầu tư vào chuỗi nhà thuốc Long Châu với tham vọng dẫn đầu ngành bán lẻ dược phẩm.

Hiện, doanh số trên mỗi nhà thuốc của FPT Retail đạt xấp xỉ 10 tỷ đồng. FPT Retail sẽ đẩy nhanh tốc độ mở mới thêm 200-300 cửa hàng trong 2022. Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS) dự kiến từ năm 2023, mức lãi của Long Châu sẽ đáng kể và ổn định hơn.

Công Ty cổ Phần Dược Phẩm Pha No (Phano Pharmacy) sau nhiều năm “im hơi lặng tiếng” đã không thể bỏ lỡ cơ hội khi quyết định hợp tác với Công ty Cổ phần Tập đoàn MaSan (mã chứng khoán: MSN) và  trở thành một phần của chuỗi siêu thị và cửa hàng tiện lợi WinMart và Winmart+.

Theo Phano Pharmacy, việc tích hợp chuỗi nhà thuốc VM – Phano Vmart vào hệ sinh thái Winmart nhằm mục đích tiếp cận thế hệ khách hàng trẻ trung với nhịp sống năng động.

Là một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực phân phối các sản phẩm công nghệ tại Việt Nam, Công ty cổ phần Thế giới số (mã chứng khoán: DGW) cũng quyết định đầu tư ngành dược phẩm.

Năm 2021, doanh nghiệp này đã rót 8,9 tỷ đồng để mua 36,01% cổ phần tại Công ty cổ phần Dược phẩm Đại Tín (Đại Tín Pharma). Hiện công ty phân phối các sản phẩm dược chuyên cho các bệnh về xương khớp, tim.

Kênh bán hàng chủ lực của doanh nghiệp là bệnh viện, nhưng trong tương lai, doanh nghiệp sẽ tập trung mở rộng phân phối sản phẩm cho các chuỗi nhà thuốc và các cửa hàng thuốc nhỏ lẻ, với mục tiêu nằm trong Top 3 nhà phân phối dược phẩm lớn nhất Việt Nam vào năm 2025.

Hiện nay, doanh nghiệp bán lẻ không chỉ cạnh tranh với nhau mà đây còn là “cuộc chiến” thị phần quyết liệt với đại gia ngành dược đã có thương hiệu.

Được thành lập từ cuối năm 2011, Công ty cổ phần Dược phẩm Pharmacity (Pharmacity) đang dẫn đầu số lượng nhà thuốc, chiếm thị phần 8%. Các chuỗi nhà thuốc đang chạy đua mở rộng mạng lưới và nhận diện thương hiệu, hướng đến các sản phẩm người tiêu dùng mong muốn gồm: thuốc trị COVID-19, thực phẩm chức năng, sản phẩm làm đẹp… và ưu tiên chuyển đổi số hóa để giành thị phần.

Pharmacity tham vọng mở 5.000 cửa hàng vào năm 2025 và sẽ xây dựng Pharmacity App để kết nối 7 triệu khách hàng thân thiết với các bác sỹ, phòng khám, bệnh viện, các công ty bảo hiểm.

* Gà đẻ trứng vàng

Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Phú Hưng (PHS), số lượng các nhà thuốc truyền thống hiện vào khoảng 57.000, chiếm vào khoảng 85% thị trường, 15% còn lại là chuỗi nhà thuốc hiện đại.

Doanh số bán lẻ dược phẩm của Việt Nam chỉ đạt 30% trong tổng doanh thu ngành dược, trong khi tỷ lệ này ở Brazil là 64% và Philippines là 80%. Chuỗi nhà thuốc có lợi thế nguồn vốn, quy trình quản lý và cách tối ưu chi phí tốt đang được xem là “gà đẻ trứng vàng”.

Công ty chứng khoán này cũng chỉ ra những yếu tố là động lực tăng trưởng của ngành dược. Cụ thể PHS cho biết, Việt Nam bắt đầu bước vào giai đoạn già hóa từ năm 2017.

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), quá trình già hóa dân số tại Việt Nam sẽ diễn ra trong một khoảng thời gian rất ngắn, dự kiến hoàn tất trước năm 2040.

Dân số Việt Nam đang già đi với tốc độ nhanh chưa từng có. So với các quốc gia khác, Việt Nam chỉ mất 18 năm để dân số trên 65 tuổi tăng từ 7% lên 14% dân số, ngắn hơn so với Thái Lan, Nhật Bản, Australia và Pháp.  Giai đoạn 2026-2039, Việt Nam bước vào thời kỳ già hóa dân số. Dân số từ 65 tuổi trở lên sẽ vượt 15% tổng dân số vào năm 2039.

Theo Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), dân số trên 60 tuổi sẽ là 21 triệu người, tương đương 20% tổng dân số vào năm 2038 và 27 triệu người, tương đương 25% tổng dân số vào năm 2050.

Trung bình một người từ 65 tuổi trở lên ở Việt Nam mắc ít nhất 3 bệnh, còn những người trên 80 tuổi thì trung bình mỗi người mắc 6,9 bệnh. Hiện nay, chi phí khám chữa bệnh của người cao tuổi cao gấp từ 7-10 lần người trẻ.

Bên cạnh đó, dịch COVID-19 đẩy nhanh sự tăng trưởng  toàn ngành dược, nhất là các mô hình hiện đại như chuỗi nhà thuốc. Trong báo cáo thị trường mới nhất của công ty nghiên cứu thị trường Kantar, nhóm hàng chăm sóc cá nhân; trong đó có chăm sóc sức khoẻ và dược phẩm có tốc độ tăng trưởng hai chữ số trong thời kỳ dịch bệnh. Mức chi tiêu thuốc bình quân đầu người đạt tốc độ tăng trưởng 14%/năm trong giai đoạn 2021-2027.

Bên cạnh đó, theo nghiên cứu mới công bố của tổ chức phi chính phủ World Data Lab, Việt Nam sẽ có thêm 23,2 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2030, đứng thứ 3 Đông Nam Á, dẫn đến đến nhu cầu chi tiêu chăm sóc sức khỏe nhiều hơn, phân khúc dược phẩm cao cấp cũng dần có chỗ đứng mới./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục