Cơ hội nào cho doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường EU?

15:00' - 05/11/2021
BNEWS Kinh tế châu Âu đang trên đà phục hồi rõ nét, nhu cầu tiêu dùng gia tăng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu.

Kinh tế châu Âu đang trên đà phục hồi rõ nét, nhu cầu tiêu dùng gia tăng chính là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, tận dụng các ưu thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) để nâng cao thị phần, đẩy nhanh quá trình khôi phục sản xuất, kinh doanh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng từ dịch COVID-19.
Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội nghị trực tuyến “Triển vọng và giải pháp thúc đẩy xuất khẩu sang thị trường EU trong bối cảnh mới” do Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế Tp. Hồ Chí Minh phối hợp với Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức ngày 5/11.
*Tín hiệu thị trường tích cực

Ông Nguyễn Anh Dương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) thông tin: Kinh tế thế giới đã có tín hiệu phục hồi rõ nét, trong đó, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, EU đã từng suy giảm mạnh trong năm 2020 đang có tốc độ phục hồi nhanh hơn so với dự báo trước đó, có thể trở lại bình thường ngay từ năm 2022. Trong khi đó, các nền kinh tế đang phát triển sẽ có tốc độ phục hồi chậm hơn, đến năm 2025 mới quay về tình trạng bình thường trước đại dịch.
Theo ông Nguyễn Anh Dương, việc các nền kinh tế lớn khôi phục nhanh chóng cũng đồng nghĩa với nhu cầu tiêu dùng tại các khu vực này tăng trở lại, sẽ tạo ra cơ hội thúc đẩy lưu chuyển, xuất khẩu hàng hóa cho các nước khác, đặc biệt với Việt Nam – quốc gia tăng trưởng dựa vào phần lớn xuất khẩu hàng hóa.
Nói riêng về thị trường EU, ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển Tp. Hồ Chí Minh cho biết: EU là thị trường tiêu dùng lớn thứ 2 thế giới, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa mỗi năm của EU chiếm 15% tổng nhu cầu nhập khẩu toàn cầu. Sau khi bị suy giảm nghiêm trọng trong năm 2020 do tác động của dịch COVID-19, kinh tế EU đang trên đà phục hồi tích cực.
Dự báo trong năm 2021, kinh tế EU có thể đạt mức tăng trưởng trên 5% so với năm 2020, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân EU có xu hướng tăng mạnh trong những tháng cuối năm chính là cơ hội rất tốt để các nước sản xuất đẩy mạnh xuất khẩu.
Đối với Việt Nam, EU luôn nằm trong nhóm thị trường xuất khẩu và đối tác thương mại lớn nhất, trong đó các mặt hàng EU có nhu cầu nhập khẩu lớn đều là mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, thủy sản, đồ gỗ…
Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào EU mới chỉ chiếm khoảng 2% thị phần, cộng với việc Việt Nam đang có lợi thế ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam –EU (EVFTA),cho thấy dư địa nâng cao giá trị xuất khẩu cho các doanh nghiệp Việt Nam thời gian tới còn rất lớn.
Bà Nguyễn Thảo Hiền, Phó vụ trưởng Vụ thị trường châu Âu - châu Mỹ, Bộ Công Thương đánh giá, kinh tế EU đang chuyển biến rất tích cực, trong đó, GDP quý II/2021 đã tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2020, dự báo tăng trưởng năm 2021 và 2022 của EU đều ở mức cao.
Từ quý II/2021, hoạt động thương mại của EU diễn ra sôi động, với nhu cầu nhập khẩu hàng hóa có xu hướng tăng mạnh. Riêng nhập khẩu của EU từ Việt Nam trong 8 tháng năm 2021 đã đạt 24,97 tỷ EUR, tăng 9,66% so với cùng kỳ năm 2020. Trong 8 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã lọt top 11 nhà cung ứng hàng hóa ngoại khối lớn nhất cho EU.
“Đáng chú ý, trong thời gian từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2021, khi cả EU và Việt Nam đều trải qua các làn sóng dịch COVID-19 hết sức căng thẳng thì kim ngạch xuất nhập khẩu song phương vẫn tăng trưởng, trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam sang EU đã tăng trên 11%.

Có thể nói tăng trưởng xuất khẩu vào EU thời gian qua là cứu cánh đối với nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh thương mại toàn cầu bị tắc nghẽn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 và khủng hoảng về logistics.”, bà Nguyễn Thảo Hiền chia sẻ.
*Phải chớp thời cơ

Theo các chuyên gia, chưa bao giờ EU xuất hiện tình trạng khan hiếm hàng hóa nhưng hiện nay nguồn hàng vào EU khá hạn chế do nhiều đối tác cung ứng cho EU đang phải chống chọi với dịch COVID-19, cộng với áp lực về giá cước vận tải biển tăng cao trong khi nhu cầu tiêu dùng những tháng cuối năm của người dân EU đang tăng dần. Do đó, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam phải tận dụng ngay cơ hội để nắm giữ thị trường.
Bà Nguyễn Thảo Hiền cho rằng, lợi thế lớn nhất của doanh nghiệp Việt Nam tại thị trường EU hiện nay chính là ưu đãi thuế quan từ EVFTA. Từ khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực, nhiều ngành hàng như giày dép, dệt may, thủy sản, gỗ, rau quả đều đã tận dụng khá tốt và gia tăng được kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, mặt hàng nông sản, thực phẩm, rau quả xuất khẩu của Việt Nam đang tăng trưởng cao ở mức 20-30%/năm và không bị hạn chế về chủng loại, sản lượng.
Tuy nhiên, những lợi thế mà Việt Nam đang có sẽ không kéo dài lâu bởi quá trình phục hồi của EU sẽ rất ngắn, chỉ trong vòng 6 tháng đến 1 năm nữa các chuỗi cung ứng mới sẽ đi vào ổn định, việc thâm nhập thị trường của các doanh nghiệp mới sẽ khó khăn hơn.
Thêm vào đó, nhiều quốc gia khác trong khu vực cũng đã xúc tiến đàm phán hiệp định thương mại tự do với EU để khai thác thị trường nhiều tiềm năng này, áp lực cạnh tranh sẽ gia tăng dần. Chính vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam, dù đang khó khăn sau thời gian giãn cách phải dồn mọi nguồn lực để khôi phục sản xuất, tận dụng tốt nhất thời cơ hiện nay để củng cố và phát triển thị phần tại thị trường EU.
Cùng quan điểm, ông Vũ Chiến Thắng, Thương vụ Việt Nam tại Tây Ban Nha chia sẻ: Để khôi phục kinh tế hậu COVID-19, EU đã kích hoạt nhiều gói hỗ trợ, giải ngân các quỹ khôi phục sản xuất nhằm xây dựng lại các chuỗi cung ứng hàng hóa. Đây là thời điểm mà doanh nghiệp xuất khẩu phải khai thác tối đa những ưu đãi, lợi thế mà Hiệp định EVFTA mang lại để tham gia sâu hơn vào thị trường EU.
Theo ông Vũ Chiến Thắng, sau đại dịch, xu hướng tiêu dùng của nhiều người dân châu Âu đã thay đổi, ưu tiên cao hơn cho những sản phẩm thông minh, tiện ích, đáp ứng phát triển bền vững; với thực phẩm thì yêu cầu về an toàn sức khỏe, vệ sinh thực phẩm, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Về phương thức mua bán, thương mại điển tử đang phát triển rất mạnh, bao gồm cả thương mại điện tử xuyên biên giới.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn còn phức tạp và khó dự đoán, doanh nghiệp và ngành hàng xuất khẩu Việt Nam cần đẩy mạnh thực hiện các hoạt động xúc tiến thương mại trực tuyến, tham gia các hội chợ, triển lãm trên không gian ảo và sẵn sàng các điều kiện để cung ứng hàng hóa qua các nền tảng thương mại điện tử.

Doanh nghiệp cũng cần lưu ý khai thác các thị trường ngách như khu vực Bắc Âu, Nam Âu thay vì những thị trường truyền thống quen thuộc bởi đây là những khu vực còn nhiều dư địa để phát triển.
Luật sư Đinh Thị Ánh Tuyết, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, EU là thị trường quan trọng và nhiều tiềm năng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nhưng đồng thời cũng là thị trường đòi hỏi các yêu cầu khắt khe và có tập quán thương mại đặc thù.

Trong bối cảnh doanh nghiệp phải tận dụng mọi cơ hội để tìm kiếm đơn hàng thì việc ký kết các hợp đồng thương mại cũng cần được chú trọng nhằm giảm các rủi ro về mặt pháp lý dẫn đến thiệt hại cả kinh tế lẫn uy tín.
“EU là thị trường có rất nhiều quy định, tiêu chuẩn kỹ thuật và chất lượng hàng hóa, các quy định này không cố định mà thường xuyên thay đổi hoặc nâng cao hơn. Đây cũng là khu vực đề cao các yếu tố cạnh tranh lành mạnh, quyền sở hữu trí tuệ…
Chính vì vậy, doanh nghiệp giao thương với thị trường EU cần thường xuyên cập nhật các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng, kể cả quy cách đóng gói, bao bì, thông tin sản phẩm; tuân thủ các yêu cầu về cạnh tranh lành mạnh, minh bạch thông tin, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa.”, luật sư Đinh Thị Ánh Tuyết nêu khuyến nghị./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục