Cơ hội tăng doanh thu cho ngành gỗ từ tín chỉ carbon

21:13' - 07/03/2024
BNEWS Nhu cầu và xu hướng xanh hoá nền kinh tế trên toàn cầu đang mở ra cơ hội tham gia thị trường tài chính carbon cho ngành gỗ.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Toạ đàm "Tài chính carbon và cơ hội cho ngành gỗ Việt Nam" do Câu lạc bộ Báo chí phát triển Xanh (Green Media Hub) phối hợp với Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Tp. Hồ Chí Minh (Hawa) tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, chiều 7/3.

 

Ông Phùng Quốc Mẫn, Phó Chủ tịch Hawa cho biết: Trong bối cảnh nhiều các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang nỗ lực thực hiện mục tiêu Net Zero thì giảm phát thải đã trở thành yêu cầu bắt buộc đối với nhiều ngành sản xuất. Chính phủ Việt Nam đã có hàng loạt các chương trình hành động cụ thể trong đó có lộ trình phát triển thị trường tín chỉ carbon từ nay đến năm 2028 với sự tham gia chủ động của doanh nghiệp.

Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cũng đã áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ 1/10/2023 đối với hàng hóa nhập khẩu vào EU. Cơ chế CBAM sẽ chính thức áp dụng từ năm 2026 ở nhiều lĩnh vục sẽ tác động đến nhiều ngành xuất khẩu của Việt Nam.

Trong khi nhiều ngành sản xuất khác coi nhiệm vụ giảm phát thải là thách thức thì đây được xem là cơ hội cho ngành gỗ bởi đặc thù vùng nguyên liệu rừng trồng chính là nơi tạo ra tín chỉ carbon. Nếu biết khai thác hiệu quả nguồn tín chỉ carbon này, ngành gỗ không chỉ đóng góp vào mục tiêu Net Zero mà còn gia tăng hiệu quả kinh tế từ nguồn tài chính xanh cho những người trồng rừng.

Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường cho biết: Là một trong các quốc gia hàng đầu về chế biến gỗ và lâm sản, các chính sách của Việt Nam đang hướng đến một nền lâm nghiệp bền vững, đáp ứng các yêu cầu của thị trường, trong đó có vấn đề tài chính xanh và thị trường carbon. Đây là những cơ chế tài chính đóng góp vào công cuộc giảm thiểu các tác động của biến đổi khí hậu và giải quyết các thách thức môi trường.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB) hiện nay, thông qua cơ chế giảm phát thải từ mất rừng và suy thoái rừng (Cơ chế REDD+), một số tổ chức quốc tế đã ký kết với chính quyền địa phương hoặc quốc gia để chi trả tài chính nhằm hạn chế nạn phá rừng và phục hồi rừng. Tổng giá trị của thị trường carbon từ rừng toàn cầu được chi trả năm 2023 đạt xấp xỉ 2 tỷ USD. Từ năm 2020 đến nay, tổng chi phí chi trả cho tín chỉ hấp thụ carbon rừng đều tăng trưởng 10%/năm.

Giá trung bình mỗi tín chỉ carbon từ rừng hiện đang dao động khoảng từ 1,62 USD/tấn - 8,99 USD/tínchỉ, nhưng phần lớn được các tổ chức quốc tế chi trả ở mức 5 USD/tín chỉ. Dự kiến đến năm 2030, tổng giao dịch tín chỉ carbon từ rừng đạt khoảng 20 tỷ USD (gấp 10 lần sao với 2021) và mức chi trả giao động từ khoảng 20 đến 50 USD/tín chỉ.

Ông Vũ Tấn Phương, Giám đốc văn phòng Chứng chỉ Rừng Việt Nam (VFCO) - Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, thông tin: Vừa qua, theo ký kết với WB, lần đầu tiên Việt Nam chính thức bán 10,3 triệu tín chỉ carbon rừng với giá 5 USD/tín chỉ, dự kiến thu về 51,5 triệu USD. Năm 2023 là năm đầu tiên chúng ta nhận được tiền chi trả là 41,2 triệu USD và đã giải ngân toàn bộ để các tỉnh lập kế hoạch chi trả cho các chủ rừng thuộc sáu tỉnh Bắc Trung Bộ gồm: Nghệ An, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế và Quảng Trị.

Ông Nguyễn Ngọc Tùng, Giám đốc Quỹ Vinacarbon (Quỹ đầu tư tư nhân đầu tư vào các công ty và các dự án có thể tạo ra tín chỉ carbon) nhận định: Tiềm năng tạo tín chỉ carbon từ các doanh nghiệp ngành gỗ là rất lớn do cây có tính năng hấp thụ carbon trong khí quyển và lưu trữ trong gỗ, hoặc có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng cách sử dụng như một nguồn năng lượng tái tạo. Ngoài ra, ở một số lĩnh vực, gỗ có thể được sử dụng thay thế cho các vật liệu phát thải cao khác như bê tông, nhựa, kim loại...

Việt Nam hiện có khoảng hơn 14 triệu ha rừng, trong số đó có gần một nửa là rừng sản xuất. Nếu các doanh nghiệp ngành gỗ nhận thức được việc đầu tư phát triển bền vững, giảm phát thải là xu thế tất yếu và cần thiết phải thực hiện thì nguồn thu của doanh nghiệp không chỉ đến từ các hoạt động chế biến gỗ và lâm sản mà còn từ tín chỉ carbon. Ví dụ, hoạt động trồng rừng gỗ lớn cần đầu tư ban đầu nhiều thời gian và chi phí, tuy nhiên hiệu quả kinh tế từ sản phẩm lâm nghiệp thu được sẽ cao hơn từ 3 – 4 lần so với khai thác rừng non. Ngoài ra, tuổi thọ cây càng cao thì doanh nghiệp càng có thêm doanh thu từ tín chỉ carbon.

"Thay đổi thói quen xử lý thực bì sau thu hoạch cũng có tiềm năng tạo tín chỉ carbon. Thông thường, thực bì sau khi thu hoạch sẽ được thu gom và đốt bỏ. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng xấu tới môi trường mà còn gây lãng phí tài nguyên. Trong thực tế, thực bì hoàn toàn có thể được sử dụng như một nguồn nguyên liệu đầu vào để sản xuất các sản phẩm như than sinh học dùng trong nông nghiệp, hoặc dùng trong xử lý chất thải...", ông Nguyễn Ngọc Tùng phân tích thêm.

Theo các chuyên gia, đầu tư giảm phát thải cho ngành gỗ cũng đồng nghĩa với doanh nghiệp tuân thủ các quy định quốc tế về quản lý và khai thác rừng bền vững, do đó sẽ tăng tính cạnh canh và khả năng thâm nhập vào các thị trường lớn, mang lại giá trị cao hơn cho đồ gỗ xuất khẩu. Song, để tạo ra được tín chỉ carbon các doanh nghiệp phải thực hành phát triển  bền vững (ESG) và bắt buộc phải có báo cáo phát thải và giảm phát thải.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị, muốn thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia quản lý rừng bền vững, sử dụng nguyên liệu được chứng nhận, phát triển sản xuất theo hướng carbon thấp, Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách.

Cụ thể, cần tập trung vào các khuyến khích tài chính, ưu đãi đầu tư cho xanh hóa sản xuất, sản xuất hàng hóa không gây mất rừng; thúc đẩy tiêu dùng gỗ, sản phẩm gỗ có chứng nhận; các cơ chế giám sát, tạo sự công bằng trong sản xuất và tiêu thụ nguyên liệu gỗ, sản phẩm gỗ được chứng nhận.

Ngoài ra, cần hỗ trợ xây dựng năng lực cho các bên liên quan trong thực hiện quản lý rừng bền vững, các hoạt động giảm phát thải khí nhà kính để đạt hiệu quả cao và đồng bộ.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục