Năm 2030 sẽ có 1 triệu ha rừng trồng gỗ lớn

16:04' - 26/02/2024
BNEWS Nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác trung bình đạt 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và 22 m3/ha/năm vào năm 2030.

Đến năm 2030, tổng diện tích rừng trồng sản xuất gỗ lớn đạt khoảng 1 triệu ha; trong đó duy trì diện tích rừng trồng gỗ lớn hiện có là 500.000 ha và phát triển mới giai đoạn 2024 - 2030 khoảng 450.000 - 550.000 ha.

Đó là mục tiêu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đặt ra tại Kế hoạch “Phát triển rừng trồng sản xuất gỗ lớn giai đoạn 2024 - 2030”.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phát triển vùng rừng trồng sản xuất gỗ lớn tập trung nhằm chủ động cung cấp nguồn nguyên liệu gỗ phục vụ chế biến, tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho người trồng rừng, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ thiên tai.

 
Cụ thể, ngành sẽ nâng cao năng suất rừng trồng thâm canh cây keo, bạch đàn và các loài cây lâm nghiệp khác trung bình đạt 20 m3/ha/năm vào năm 2025 và 22 m3/ha/năm vào năm 2030; giá trị thu nhập từ rừng trồng sản xuất tăng bình quân khoảng 1,5 - 2 lần/đơn vị diện tích so với năm 2020; nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lâm nghiệp.

Để đạt mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ rà soát quỹ đất và rừng trồng kinh doanh gỗ nhỏ hiện có đủ điều kiện để trồng mới, trồng lại rừng sản xuất gỗ lớn. Đồng thời, rà soát diện tích rừng trồng sản xuất hiện có theo loài cây, tuổi cây, loại đất để chuyển hóa từ rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn.

Riêng về phát triển mới khoảng 450.000 - 550.000 ha rừng trồng sản xuất gỗ lớn sẽ tập trung tại 6 vùng kinh tế - xã hội. Cụ thể: vùng trung du và miền núi phía Bắc 130.000-146.000 ha; vùng Đồng bằng sông Hồng 6.000 - 9.000 ha; vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung 280.000 - 348.000 ha; vùng Tây Nguyên 25.000 - 35.000 ha; vùng Đông Nam Bộ 7.500 - 10.000 ha; vùng Tây Nam Bộ 1.500 - 2.000 ha.

Đồng thời, tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết giữa tổ chức, cá nhân trồng rừng với doanh nghiệp chế biến và tiêu thụ gắn với quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tổ chức nghiên cứu, chọn, tạo giống cây trồng lâm nghiệp, năng suất, chất lượng cao, phù hợp với từng điều kiện lập địa, đáp ứng được yêu cầu của thị trường để đưa vào trồng rừng, có khả năng chống chịu sâu bệnh hại, thích ứng với điều kiện bất lợi của môi trường, ưu tiên phát triển giống bằng phương pháp mô, hom.

Cùng với đó là tạo cơ chế, chính sách để thu hút, huy động nguồn vốn xã hội hóa từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư trồng rừng thâm canh và chuyển hóa rừng trồng sản xuất gỗ nhỏ sang kinh doanh gỗ lớn. Điển hình là đề xuất chính sách miễn hoặc giảm tiền thuê đất và thuế sử dụng đất, chính sách hỗ trợ đầu tư và tín dụng, bảo hiểm rừng trồng đối với những diện tích trồng rừng gỗ lớn, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ lớn, nhằm khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình thực hiện…

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục