Cơ hội thúc đẩy xuất khẩu khí đốt cho Azerbaijan

06:30' - 19/06/2022
BNEWS Mỹ và châu Âu đang trừng phạt dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, nhưng Azerbaijan - quốc gia nối liền châu Âu và châu Á - đang trên đà tăng xuất khẩu khí đốt trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Theo tạp chí Eurasia Review, xung đột giữa Nga và Ukraine đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và làm suy yếu các nền kinh tế trên toàn thế giới. Mỹ và châu Âu đang trừng phạt dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga, nhưng Azerbaijan - quốc gia nối liền châu Âu và châu Á - đang trên đà tăng xuất khẩu khí đốt trong năm 2022 và những năm tiếp theo.

Azerbaijan thúc đẩy xuất khẩu khí đốt thông qua Hành lang khí đốt phía Nam (SGC) dài 3.500 km đi qua bảy quốc gia và cung cấp cho Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu. Hiện tại, Azerbaijan cung cấp khoảng 10 tỷ m3 khí đốt tự nhiên cho châu Âu và 6 tỷ m3 cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua SGC.

Để đáp ứng nhu cầu, Azerbaijan cũng sẽ đưa hai mỏ khí mới vào hoạt động và sẵn sàng đầu tư để mở rộng công suất của SGC, chẳng hạn bằng cách lắp đặt thêm các trạm nén có thể tăng gấp đôi lưu lượng khí đốt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Kinh tế Azerbaijan Mikayil Jabbarov nói rằng "việc thiếu đầu tư" của châu Âu có thể làm chậm khả năng cung cấp thêm khí đốt của quốc gia này.

Bộ trưởng Năng lượng của Azerbaijan Parviz Shahbazov Ogtay phát biểu tại một sự kiện ở Abu Dhabi tuần trước rằng: “Chúng tôi hiện đang làm việc rất tích cực với Ủy ban châu Âu. Chúng tôi đang tìm cách, trong một khoảng thời gian tương đối ngắn, để nâng cấp cơ sở hạ tầng và sau đó tăng cung cấp năng lượng cho châu Âu dưới dạng khí đốt tự nhiên”.

Đường ống dẫn dầu Baku-Tbilisi-Supsa của Azerbaijan trên Biển Đen đã tạm thời ngừng hoạt động cho đến cuối tháng Sáu và các sản phẩm được chuyển đến đường ống Baku-Tbilisi-Ceyhan trên bờ biển Địa Trung Hải của Thổ Nhĩ Kỳ. Việc chuyển hướng vận chuyển dầu mỏ đến Ceyhan cũng sẽ củng cố vị thế của Thổ Nhĩ Kỳ vì nước này cũng là trung tâm của SGC.

Theo bài viết, việc vận chuyển năng lượng trên đất liền cũng đang được tổ chức lại để tránh trừng phạt của Nga và phương Tây. Đó là các tuyến đường sắt Đông-Tây từ Trung Quốc đến Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến vận tải quốc tế xuyên Caspi (còn được gọi là “Hành lang giữa”), đi qua Nga và kết nối Tây An, Trung Quốc với Istanbul thông qua một tuyến đường sắt qua Kazakhstan và một tuyến đường sắt xuyên Georgia đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Các lựa chọn vận chuyển khác trong khu vực là từ Tây Afghanistan đến Thổ Nhĩ Kỳ qua Turkmenistan, Azerbaijan và Georgia thông qua “Hành lang Lapis Lazuli” và từ Tây Azerbaijan đến Thổ Nhĩ Kỳ qua hành lang Zangezur thông qua Armenia, mặc dù bất đồng đang diễn ra giữa Azerbaijan và Armenia có thể gây ra những chậm trễ kéo dài trong hiện thực hóa lộ trình đó.

Bài viết cho rằng Azerbaijan có thể đóng một vai trò quan trọng trong cuộc khủng hoảng khí đốt ở khu vực, nhất là khi Kazakhstan tuyên bố sẽ ngừng xuất khẩu khí đốt tự nhiên vào năm 2023 do nhu cầu trong nước tăng lên. Baku có thể đề nghị giúp cung cấp nhu cầu năng lượng của châu Âu và ký thỏa thuận mua hàng kéo dài nhiều thập kỷ nhằm đảm bảo nguồn tài chính để mở rộng SGC.

Đại diện của Azerbaijan, Armenia và Nga đã gặp nhau vào đầu tháng Sáu để thảo luận về việc mở các tuyến đường liên kết giao thông vận tải trong khu vực. Đồng thời, đại diện của Azerbaijan và Armenia đã gặp gỡ với các quan chức EU và Mỹ tại Brussels./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục