Cơ hội tiếp cận thị trường mới qua xuất khẩu trực tuyến

15:36' - 18/07/2019
BNEWS Ngày 18/7, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) phối hợp cùng nhiều đơn vị tổ chức Diễn đàn “Đối đầu Thương mại Mỹ-Trung và Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU” tại Tp. Hồ Chí Minh.
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương giới thiệu tiềm năng xuất khẩu qua thương mại điện tử. Ảnh: Mỹ Phương - TTXVN

Theo đó, khai thác cơ hội từ xuất khẩu trực tuyến đã và đang là một kênh mới nổi, nhất là dưới tác động của làn sóng cách mạng công nghệ 4.0 thúc đẩy lĩnh vực thương mại điện tử phát triển.

Hiện nay, có nhiều sản phẩm thương hiệu Việt đã phổ biến hơn với người tiêu dùng quốc tế thông qua môi trường thương mại điện tử.

Thống kê cho thấy, các danh mục Việt Nam có lợi thế cạnh tranh gồm: sản phẩm thủ công, nguồn gốc thiên nhiên, da, quần áo phụ kiện, giày dép…

Tuy nhiên, doanh nghiệp cần hiểu về kinh doanh xuyên biên giới với thị trường kinh doanh quốc tế phức tạp.

Cụ thể, văn hóa là yếu tố tác động đến việc thương thảo và chính sách phù hợp cho từng thị trường sẽ quyết định thành công của doanh nghiệp.

Nhận định từ các chuyên gia, khi tham gia kinh doanh xuyên biên giới, doanh nghiệp phải chuyên nghiệp trong tuân thủ luật, thông lệ quốc tế.

Hơn nữa, cách thức hình thành doanh nghiệp cũng thay đổi theo hướng từ sản lượng lớn đến chia nhỏ hàng triệu đơn hàng.

Đáng lưu ý, hoạt động kinh doanh trên thị trường thương mại tự do đòi hỏi nhanh, thông qua tập trung chính xác vào nhu cầu và thị hiếu tiêu dùng.

Chính vì vậy, phương thức kinh doanh và mua sắm “di động” đang chiếm lĩnh thị trường toàn cầu nên doanh nghiệp không cần cố định về không gian.

Theo các chuyên gia, công nghệ đang làm thay đổi phương thức giao thương của doanh nghiệp. Nếu như kinh tế truyền thống chỉ chú trọng sự cảm nhận nhu cầu thông qua giao tiếp với khách hàng thì kinh tế số lại biến đổi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo định hướng dữ liệu trên nền tảng internet.

Đại diện doanh nghiệp quan tâm đến kênh xuất khẩu qua thương mại điện tử phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Nhiều báo cáo khảo sát nghiên cứu cho thấy, kinh doanh trên di động đáp ứng nhu cầu khách hàng trẻ, ra quyết định nhanh và khai thác mọi nhu cầu.

Sự dịch chuyển từ giao dịch giữa nhà sản xuất với nhà mua hàng, nhà nhập khẩu sang nhà sản xuất và người tiêu dùng đã thay đổi dòng chảy hàng hóa trong chuỗi cung ứng.

Đồng thời, dòng chảy thông tin thúc đẩy dòng chảy kinh doanh nên nhà sản xuất chủ động thực hiện xuất khẩu trực tiếp không qua trung gian với quy trình 24/7 trong 365 ngày, không giới hạn phạm vi địa lý.

Điều này, giúp doanh nghiệp xây dựng và định vị thương hiệu nhanh chóng, mở rộng phạm vi tiếp cận khách hàng.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thương mại điện tử xuyên biên giới sẽ tăng lên mức 3,3 nghìn tỷ USD trong 2 năm tới.

Dự báo đến năm 2022, thương mại điện tử sẽ tăng trưởng nhanh hơn so với thương mại truyền thống.

Từ đầu tháng 1/2019, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương đã công bố kế hoạch hợp tác tầm nhìn 3 năm với Amazon Global Selling.

Tháng 4/2019, Cục Xúc tiến thương mại khởi động chương trình xúc tiến xuất khẩu thông qua thương mại điện tử, lựa chọn hơn 100 doanh nghiệp để hỗ trợ tiếp cận thị trường Mỹ.

Lợi ích bán hàng toàn cầu với Amazon, doanh nghiệp tiếp cận hơn 300 triệu khách hàng thường xuyên và 100 triệu khách hàng Prime. Thương hiệu của doanh nghiệp sẽ được phủ rộng trên 180 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Bên cạnh đó, tiềm năng tiếp cận khách hàng trực tiếp, cắt giảm nhân sự bán hàng, nhanh chóng mở rộng quy mô và doanh số…

Sàn xuất khẩu trực tuyến cho phép doanh nghiệp truyền thông tin sản phẩm đúng cách đến khách hàng tiềm năng dựa trên cơ sở phân tích dữ liệu hành vi người tiêu dùng, từ đó chọn lựa thị trường và khách hàng.

Mặt khác, điều này cũng đáp ứng yêu cầu người mua hiện nay là người quyết định giao dịch nhanh và có xu hướng chia sẻ thông tin hàng hóa.

Theo các chuyên gia, quản trị rủi ro trong hợp đồng thì vấn đề quan trọng nhất trong kinh doanh quốc tế, bởi đây là giải pháp bảo vệ người bán cũng như người mua.

Chính vì vậy, tất cả thông số kỹ thuật liên quan đến sản phẩm nên được mô tả rõ ràng, ngay cả những yêu cầu đóng gói.

Thách thức lớn của doanh nghiệp là làm sao cho hàng hóa lưu thông, nên thanh toán được xem như một phần quan trọng để kiểm soát quá trình giao dịch hay quản trị rủi ro trong giao vận quốc tế cần bảo hiểm xuất khẩu.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Chủ tịch VECOM cho hay, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung tác động đến mọi lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp cần đánh giá và có chiến lược kinh doanh phù hợp.

Điều tiên quyết là doanh nghiệp phải đa dạng hóa thị trường, thứ hai là nắm bắt công nghệ tiên tiến, nhất là công nghệ thông tin.

Với vai trò của VECOM, có thể hỗ trợ doanh nghiệp ở lĩnh vực công nghệ để tạo ra bước đột phá về kinh doanh. Đồng thời, góp phần hình thành nền tảng kỹ thuật giúp doanh nghiệp phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh bền vững trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Thanh Hưng khẳng định: Xuất khẩu trực tuyến được đánh giá là một trong những kênh hiệu quả nhất để doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận đến mọi thị trường, kể cả những thị trường đang có tranh chấp thuơng mại.

Về dài hạn, đây là xu hướng tất yếu giúp đơn vị sản xuất kinh doanh mở rộng thị trường, giảm chi phí…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục