Cơ hội trở thành "thượng đế" đầu tiên trên thế giới thanh toán trên WhatsApp

07:44' - 03/08/2018
BNEWS Người tiêu dùng Nam Phi sắp trở thành những khách hàng đầu tiên trên thế giới có thể thanh toán hóa đơn, mua hàng trực tuyến hay đặt vé máy bay trên WhatsApp.
Cơ hội trở thành "thượng đế" đầu tiên trên thế giới thanh toán trên WhatsApp. Ảnh: EPA

Người tiêu dùng Nam Phi sắp trở thành những khách hàng đầu tiên trên thế giới có thể thanh toán hóa đơn, mua hàng trực tuyến hay đặt vé máy bay trên WhatsApp - một trong những ứng dụng chat miễn phí phổ biến nhất thế giới.

Ngày 2/8, phóng viên TTXVN tại Pretoria dẫn lời Desmond Kurz, giám đốc tiếp thị của Clickatell – nhà cung cấp các phương tiện thanh toán trực tuyến tại Nam Phi, cho biết khi đi vào hoạt động, dịch vụ có tên là ChatBanking này hứa hẹn sẽ làm bùng nổ lĩnh vực thương mại điện tử tại quốc gia 55 triệu dân này.

Hiện tại đã có 10.000 khách hàng đăng ký sử dụng sau 10 ngày mặc dù dịch vụ này chưa chính thức đi vào hoạt động.

Theo ông Desmond, người tiêu dùng thường có xu hướng chọn những nhà cung cấp có dịch vụ thanh toán tiện lợi nhất cũng như mang đến sản phẩm bằng con đường nhanh nhất.

Ông cho biết với phương thức mã hóa dữ liệu được xem là an toàn nhất trong các ứng dụng mạng xã hội hiện nay, Whatsapp có khả năng giảm thiểu những rủi ro trong giao dịch và thanh toán.

Ngoài ra, giao dịch bằng ChatBanking chỉ yêu cầu diễn đạt bằng ngôn ngữ phổ thông mà không đòi hỏi những cú pháp phức tạp như các giao dịch tài chính trực tuyến khác.

ChatBanking là sản phẩm do Clickatell và Tập đoàn tài chính hàng đầu Nam Phi ABSA phối hợp thực hiện trong hai năm vừa qua.

Ngoài chức năng thanh toán, dịch vụ này còn có chắc năng kết nối trực tuyến giữa người cung cấp và khách mua hàng.

Hiện Clickatell cũng đang xúc tiến kế hoạch cung cấp dịch vụ tương tự tại Nigeria.

WhatsApp là ứng dụng chat phổ biến nhất tại Nam Phi với 50% dân số sử dụng, vượt xa so với tỷ lệ 28% người sử dụng Facebook messenger.

Theo thống kê của tập đoàn tài chính đa quốc gia VISA, người dân Nam Phi dành từ 2-3 giờ mỗi ngày để lướt mạng trên điện thoại và 25% trong số này thường xuyên mua hàng trực tuyến./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục