Cơ hội và rủi ro cùng tồn tại từ sự trỗi dậy của mã NFT (Phần 1)

05:30' - 16/02/2022
BNEWS Khối lượng giao dịch của thị trường NFT đạt ít nhất 44,2 tỷ USD trong năm 2021, trong khi con số của năm 2020 chỉ khoảng 106,5 triệu USD. Vì sao NFT có sức hấp dẫn đến vậy?

Theo báo Liên hợp buổi sáng, nền kinh tế số đang trở thành trào lưu lớn của thế giới, dưới sự tiếp sức điên cuồng của tiền điện tử, lĩnh vực NFT (viết tắt của "non-fungible token" - mã thông báo không thể thay thế) trỗi dậy nhanh chóng và ghi nhận tăng trưởng bùng nổ.

Theo số liệu thống kê, khối lượng giao dịch của thị trường NFT đạt ít nhất 44,2 tỷ USD trong năm 2021, trong khi con số của năm 2020 chỉ khoảng 106,5 triệu USD. Vì sao NFT có sức hấp dẫn đến vậy? Tại sao ngày càng nhiều doanh nghiệp và người nổi tiếng lần lượt nhảy vào thị trường NFT?

Trước khi bước vào thị trường NFT, bạn nên tự đặt cho mình những câu hỏi: Bạn có thể phát huy trí tưởng tượng vô hạn để biến vạn vật thành bức tranh ảo có giá trị hay không? Trái tim của bạn có đủ mạnh để chịu đựng sự tăng giảm thất thường của thị trường NFT hay không? Bạn ghét hiện thực và thích chìm đắm trong thế giới ảo? Nếu đúng như vậy, bạn có thể chính là nhân tài mà các các công ty khai thác cơ hội kinh doanh NFT đang tìm kiếm.

NFT đang bùng nổ lạ thường ở các ngành nghề. Để thể hiện sức mạnh trên lĩnh vực NFT, có công ty đã thuê riêng một Giám đốc vũ trụ ảo (Chief Metaverse Officer) hoặc chuyên gia NFT. Thông tin tuyển dụng trên website chính thức của Walt Disney cho thấy, công ty này đang tuyển dụng một giám đốc phát triển nghiệp vụ có kinh nghiệm phong phú trên lĩnh vực NFT.

* NFT là gì?

NFT là các vật phẩm kỹ thuật số duy nhất có các chứng nhận về tính xác thực và quyền sở hữu được đăng ký trên chuỗi khối (blockchain). NFT không thể làm giả, "độc nhất vô nhị" và không thể thay thế cho nhau.

Nhà phát hành tạo ra NFT trên nền tảng blockchain, sử dụng hợp đồng thông minh để ghi lại “lai lịch” của mỗi tài sản NFT, do đó NFT khó bị giả mạo và phục chế. Khi tạo ra NFT, nhà phát hành có thể đưa phí bản quyền vào hợp đồng để đảm bảo sau khi chuyển nhượng NFT, nhà phát hành sẽ tự động thu được phí bản quyền. 

NFT bắt đầu lên cơn sốt trong giới sưu tập nghệ thuật, cho phép các nghệ sĩ biến các tác phẩm khác nhau thành NFT để bán trên nền tảng Internet và kiếm thu nhập. Chẳng hạn, một bức tranh ghép kỹ thuật số NFT của nghệ sĩ người Mỹ Beeple có tên gọi “Mỗi ngày: 5.000 ngày đầu tiên” đã được bán với giá 69,3 triệu USD tại nhà đấu giá Christie's ở New York.

Ngoài những bộ sưu tập nghệ thuật, các vật phẩm như trò chơi, âm nhạc, bất động sản, rượu vang… về cơ bản đều có thể biến thành NFT. Thậm chí ngay cả các tài sản tài chính như hợp đồng bảo hiểm trọn đời cũng có thể được chuyển thành NFT, đấu giá công khai trên thị trường để chuyển nhượng trước khi hợp đồng đáo hạn.

Vào cuối tháng trước, công ty Sundance Strategies của Mỹ hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tuyên bố kế hoạch triển khai sản phẩm NFT bảo hiểm nhân thọ.

Theo thống kê của nền tảng phân tích blockchain Chainalysis, khối lượng giao dịch của thị trường NFT ít nhất đạt 44,2 tỷ USD trong năm 2021, cao hơn nhiều so với con số 106,5 triệu USD ghi nhận trong năm 2020 và 15,2 triệu USD của năm 2019.

* Giá trị của NFT nằm ở đâu?

Theo Hồ Kiện Quyền, nhà sáng lập công ty bất động sản ảo The Mettaverse, giá trị cơ bản của NFT là quyền sở hữu tài sản ảo. Điều thú vị hơn là chúng ta không chỉ có thể nắm giữ tài sản ảo, mà còn có thể liên kết nó với thế giới thực, mang lại giá trị sử dụng bổ sung cho NFT. Chẳng hạn, ngoài sở hữu và thưởng thức, NFT có thể sử dụng để làm thẻ hội viên, cho phép bạn tham gia các câu lạc bộ xã hội thực và ảo.

Ví dụ, nếu bên mua mua một NFT trên nền tảng chuyên thu thập các bộ sưu tập kỹ thuật số Bored Ape của Câu lạc bộ du thuyền Bored Ape, thì cũng sở hữu vé vào cổng của câu lạc bộ kỹ thuật số này.

Ông Hồ Kiện Quyền cho biết thêm, trong ngành bất động sản, không ít dự án NFT cũng cho phép bên mua có cơ hội nắm giữ quyền sở hữu một phần bất động sản thực tế. Sau khi nhà phát hành đưa ra một loạt NFT, có thể sử dụng số tiền thu được từ việc bán NFT để mua một bất động sản thực tế, cho phép những khách hàng nắm giữ NFT có quyền sở hữu một phần bất động sản thực.   

Cách đây không lâu, một ngôi nhà ở thành phố Gulfport thuộc bang Florida được rao bán dưới hình thức NFT với giá khởi điểm là 650.000 USD, thu hút hơn 7.000 nhà đấu thầu tiềm năng. Bên cạnh nhận được NFT, bên mua cũng sẽ có quyền sở hữu bất động sản. Đây là thương vụ giao dịch bất động sản được tiến hành bằng hình thức NFT đầu tiên của Mỹ.

Trên thực tế, khái niệm NFT đã tồn tại từ hơn 20 năm trước, chỉ có điều mãi đến năm 2017 mới bắt đầu thịnh hành, khi đó các NFT nhanh chóng nổi tiếng bao gồm dự án hình ảnh đại diện CryptoPunks và dự án trò chơi ảo Cryptokitties.

* Nhiều công ty nổi tiếng bước vào thị trường NFT

Thời gian gần đây, không ít "ông lớn" Internet và công ty game bắt đầu mở rộng sang lĩnh vực NFT, ngoài ra còn có các thương hiệu thời trang và thể thao như Adidas, Gucci, Louis Vuitton… cũng lần lượt tiến quân vào thị trường NFT. 

Đầu tháng này, nhà bán lẻ trò chơi điện tử GameStop của Mỹ hợp tác với công ty khởi nghiệp blockchain của Australia Immutable X, dự kiến cuối năm nay sẽ cho ra mắt nền tảng giao dịch NFT. Tháng 12/2021, Adidas chính thức ra mắt chuỗi NFT “bước vào vũ trụ ảo” (Into the Metaverse), 30.000 NFT đã nhanh chóng bán sạch trong vòng vài giờ. 

Tháng 10/2021, nhà phát triển bất động sản và trung tâm thương mại Malaysia Hatten Land hợp tác với công ty phát triển trò chơi blockchain EnjinStarter phát triển hệ thống Token dùng NFT để tích điểm cho khách hàng, sử dụng trong hệ thống các trung tâm thương mại và khách sạn của tập đoàn này ở Malacca.

Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Hatten Land Trần Tuấn Đình cho biết, những năm gần đây, mức độ nổi tiếng và sự quan tâm của mọi người đối với NFT không ngừng nâng cao. Điều này giúp hoạt động mở rộng thị trường và đào tạo nhà đầu tư NFT dễ dàng hơn, do đó đây là thời cơ tốt để tiến quân vào ngành này.  

Để ứng phó với thách thức và rủi ro của NFT, tập đoàn tích cực mở rộng mạng lưới nhân viên, gần đây đang tuyển dụng nhân tài trên các lĩnh vực như thiết kế 3D, phát triển game, chuyên gia công nghệ blockchain, chuyên gia an ninh mạng… Hiện nay, đội ngũ này đã có hơn 10 người. 

Tương tự, tháng Một vừa qua, công ty truyền thông Vividthree niêm yết trên Sàn giao dịch chứng khoán Singapore (SGX) đã tuyên bố triển khai lĩnh vực thể thao điện tử NFT. Công ty đã cho ra mắt NFT đầu tiên vào đầu năm nay, bán bộ sưu tập kỹ thuật số của các nhân vật bộ truyện tranh kinh dị “Silent Horror” trên nền tảng giao dịch OpenSea.

Giám đốc điều hành của Vividthree Dương Anh Phú nhấn mạnh, việc sử dụng NFT vẫn đang ở giai đoạn đầu, các nhà kinh doanh nên tích cực tham gia, tìm hiểu NFT có thể sử dụng trong sinh hoạt hàng ngày, giúp mọi người có thể dễ dàng phân biệt tốt hơn điểm hữu ích của NFT, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của ngành này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục