Có nên lập Sàn Giao dịch để huy động 500 tấn vàng trong dân?

13:38' - 19/05/2016
BNEWS Mới đây, Hiệp hội Kinh doanh vàng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên sớm thành lập Sàn giao dịch vàng nhằm huy động khoảng 500 tấn đang ở trong dân nhằm phục vụ nền kinh tế.

Xung quanh câu chuyện này trong dư luận vừa qua cũng đã có nhiều ý kiến trái chiều.

TS Nguyễn Đức Độ. Ảnh: BNEWS/TTXVN

Những chia sẻ dưới đây của Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Tài chính (Học viện Tài chính – Bộ Tài chính) với phóng viên TTXVN sẽ mang tới một góc nhìn về vấn đề này.

BNEWS: Thưa ông, chuyện huy động vàng trong dân không còn là mới nhưng gần đây lại được dư luận quan tâm khi có kiến nghị nên thành lập Sàn giao dịch vàng. Vậy quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Tôi cho rằng việc thành lập sàn vàng là khó khả thi. Thói quen lâu nay của người dân là tích lũy tài sản, thường là mua vàng cất giữ, động cơ nắm giữ chủ yếu mang tính dài hạn để bảo toàn tài sản, như một thứ của để dành. Với những người có thói quen này, để người ta giao dịch trên sàn vàng là rất khó. Những đối tượng có thể tham gia sàn vàng có lẽ chủ yếu sẽ là giới đầu cơ hoặc những người có ít tiền nhàn dỗi, buôn bán nhỏ tranh thủ lướt sóng.

Hơn nữa, nếu người dân quan tâm đến vàng theo diễn biến hàng ngày, người ta đã chuyển vàng sang kênh khác như bán vàng gửi tiết kiệm vào ngân hàng vì lâu nay vàng không sinh lời. Người dân cầm vàng hầu như ít quan tâm đến lợi nhuận trước mắt và thực tế, người cầm vàng trong mấy năm trở lại đây không được lợi, thậm chí là lỗ nhưng nhiều người vẫn giữ bởi động cơ của họ là nắm giữ cho dài hạn.

BNEWS: Theo ông nếu được thành lập sàn vàng sẽ ảnh hưởng thế nào đến thị trường?

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Việc thành lập sàn vàng không khó, thực ra nó không khác gì thành lập sàn chứng khoán. Nhưng vấn đề là nó có mang lại lợi ích cho nền kinh tế và có khả thi hay không?

Có ý kiến cho rằng lập sàn vàng và với vàng tài khoản thì vàng trong nước sẽ không “chảy” ra nước ngoài, điều này là có lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là quy mô vàng ra nước ngoài bao nhiêu, điều đó có đáng để thành lập sàn vàng không?

Nhưng có một điều chắc chắn là khi lập sàn vàng sẽ có một dòng tiền chính thức chảy vào đấy, nó giống như sòng bạc. Vấn đề đặt ra là huy động vàng vào đó nhưng sau đó có phục vụ sản xuất kinh doanh không?

Thị trường chứng khoán còn huy động được vốn vào doanh nghiệp. Doanh nghiệp cần vốn dài hạn để sản xuất kinh doanh và thị trường chứng khoán đáp ứng được điều ấy là tốt. Nhưng vàng thì khác và huy động xong liệu có phục vụ sản xuất kinh doanh ?

Thêm nữa, nếu như cầm vàng có lãi suất, có lợi nhuận thì cũng sẽ dễ hút người dân vào vàng. Như thế lại khiến vàng “hot” trở lại, do vậy, những chính sách của Nhà nước bấy lâu nay nhằm chống vàng hóa sẽ phản tác dụng.

Làm cách nào để huy động được khối lượng vàng lớn đang "ngủ yên" để phục vụ sản xuất kinh doanh là vấn đề đang được đặt ra. Ảnh: TTXVN

BNEWS: Rõ ràng có một khối lượng vàng đang nằm đâu đó trong dân và theo ước tính nếu huy động được số vàng này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế. Theo ông, làm cách nào để huy động được khối lượng vàng lớn đang "ngủ yên" này để phục vụ sản xuất kinh doanh?

Tiến sỹ Nguyễn Đức Độ: Chuyện huy động vàng gần như là rất khó. Tâm lý nắm giữ vàng của người dân, đặc biệt là ở nông thôn rất khó thay đổi và có những cái thuộc về tập quán. Lãi suất cao hay thấp, giá vàng lên hay xuống người ta vẫn tích, theo thói quen. Do đó, để thay đổi điều này không dễ.

Lượng vàng trong dân đến nay vẫn chưa có con số chính xác, thực hư con số 500 tấn vẫn còn chưa ngã ngũ nhưng tôi cho rằng lượng vàng trong dân là khá nhiều. Nói chung là huy động được nguồn vàng này thì tốt. Tuy nhiên, huy động qua sàn vàng thì khó khả thi, nhiều rủi ro.

Tôi cho rằng, giải pháp lâu dài cần ổn định kinh tế, cải cách môi trường kinh doanh. Nếu môi trường kinh doanh tốt lên, người dân làm ăn dễ dàng, tự khắc họ sẽ bỏ tiền ra đầu tư làm ăn.

Việc Nhà nước vay hay cho vay bằng vàng nói chung là rủi ro, bởi giá vàng rất khó đoán. Thực chất, những năm 2000, khi lạm phát thấp, lãi suất cao, người dân tích trữ vàng nhiều. Thời điểm đó, Chính phủ cho phép huy động vàng để cho vay. Điều đó đã giúp giảm lãi suất cho vay ở thời điểm đó nhưng đó chỉ là giải pháp tình thế và về lâu dài sẽ gặp rủi ro khi giá vàng biến động.

Nếu làm một phép so sánh, đầu những năm 2000, giá vàng thế giới vào khoảng 250 USD/ounce, đến năm 2011, giá đã lên tới 1.800 USD/ounce. Như vậy, trong khoảng 10 năm vàng tăng gần 10 lần, tính ra là 20%/năm, vậy kinh doanh gì để trả được lãi suất đó. Cho nên chuyện đi vay vàng khiến rủi ro cao và Nhà nước sẽ không nên theo đuổi những chính sách như thế.

BNEWS: Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục