Cổ phần hóa DNNN: Lộ trình và thách thức trong 5 năm tới

08:32' - 30/04/2021
BNEWS Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” sẽ tập trung xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn tước.

Cổ phần hóa là quá trình chuyển đổi những doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu để huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. 

Mục đích của việc chuyển đổi này nhằm nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước thành những con chim đầu đàn, dẫn dắt, lan tỏa sang các thành phần kinh tế khác.

Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025” do Bộ Tài chính xây dựng với mục tiêu tái cơ cấu nhằm củng cố vai trò then chốt của loại hình này trong nền kinh tế.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, giai đoạn 2016 – 2020 còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa theo Quyết định số 58/2016/QĐ-TTg về Tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước và Danh mục doanh nghiệp nhà nước thực hiện sắp xếp giai đoạn 2016 - 2020, công văn số 991/TTg-ĐMDN ngày 10/7/2017 Phê duyệt Danh mục doanh nghiệp nhà nước hoàn thành cổ phần hóa theo từng năm giai đoạn 2017-2020 và Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến các doanh nghiệp sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa; trong đó, thành phố Hà Nội cổ phần hóa 13 doanh nghiệp; trong đó có 4 tổng công ty; Thành phố Hồ Chí Minh cổ phần hóa 38 doanh nghiệp; trong đó có 11 tổng công ty; Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa 6 doanh nghiệp gồm 3 tập đoàn, 3 tổng công ty, Bộ Xây dựng cổ phần hóa 2 tổng công ty.

Như vậy, ở giai đoạn tiếp theo 2021 - 2025 số lượng doanh nghiệp cần cổ phần vẫn còn rất lớn. Tính trung bình mỗi tháng sẽ phải cổ phần hóa hơn một doanh nghiệp, đây có thể là một thách thức không nhỏ trong 5 năm tới đây của các bộ ngành có liên quan. 

Theo các chuyên gia kinh tế sắp xếp, cổ phần hóa là con đường duy nhất để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp Nhà nước, khơi thông nguồn lực cho kinh tế quốc gia. Nhưng tiến độ cổ phần hóa ở các giai đoạn trước vẫn còn khá chậm.

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế tài chính cho rằng, chậm trễ là căn bệnh thường thấy ở các kế hoạch cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp nhà nước vẫn luôn có nhiều lý do để giải thích cho việc chậm trễ trong quá trình thực hiện cổ phần hóa, điều này đã khiến cho mục tiêu về tiến độ cổ phần hóa theo kế hoạch không thể hoàn thành.

Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp - Bộ Tài chính cho rằng, nguyên nhân khiến cho tiến độ cổ phần hóa còn chậm là do một số cơ chế, chính sách được ban hành, sửa đổi, hoàn thiện theo hướng chặt chẽ hơn, đảm bảo đầy đủ thủ tục, cơ sở pháp lý, nhất là trong lĩnh vực đất đai khi cổ phần hóa, thoái vốn.

Do đó việc rà soát, phê duyệt phương án sử dụng đất của doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa phải thực hiện nhiều quy trình, thủ tục, mất nhiều thời gian do lịch sử pháp lý đất đai phức tạp.

“Đặc biệt, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, chưa quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước”, ông Đặng Quyết Tiến nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Quyết Tiến, không phải cứ cổ phần hóa là xong, bởi sau cổ phần hóa phải nâng cao năng lực cạnh tranh, cơ cấu lại doanh nghiệp… Nếu chỉ cổ phần hóa là xong mà không tiếp tục cơ cấu lại doanh nghiệp thì lúc nào đó có thể doanh nghiệp sẽ lại nảy sinh ung nhọt.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, cổ phần hóa không chỉ để doanh nghiệp tốt hơn mà còn nhằm xử lý các tồn tại cũ để có một doanh nghiệp khỏe hơn.

Vì thế sau cổ phần hóa là tái cơ cấu doanh nghiệp nâng cao quản trị doanh nghiệp. Đến nay, tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ tại các doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa vẫn còn cao, chưa đạt mục tiêu đề ra là thay đổi phương thức quản trị doanh nghiệp.

Vì thế, Bộ Tài chính hiện đang chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”.

Yêu cầu đặt ra cho giai đoạn này là tiếp tục hoàn thiện, bổ sung và đẩy nhanh việc xây dựng, triển khai quyết liệt các đề án cơ cấu lại để nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp nhà nước, đáp ứng một cách chủ động trước bối cảnh hội nhập sâu rộng của nền kinh tế, cũng như sự phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Theo đó, dự thảo đề án nhấn mạnh việc xử lý dứt điểm các dự án thua lỗ, kém hiệu quả của giai đoạn 2011 – 2020, theo hướng xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị trong việc để xảy ra tình trạng ngừng hoạt động, thua lỗ kéo dài, thất thoát vốn nhà nước.

Đồng thời, xây dựng phương án và lộ trình thực hiện có hiệu quả để xử lý dứt điểm tình trạng này, không để kéo dài, không để chậm trễ, gây thất thoát tài sản của nhà nước. Việc cổ phần hóa không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng, theo nguyên tắc thị trường thay vì tiếp tục có sự can thiệp của nhà nước. Nếu doanh nghiệp không thể phục hồi được thì buộc phải phá sản, giải thể, thanh lý.

Ngoài ra, giai đoạn 2021-2025 tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước cũng chủ yếu theo hình thức cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Song song đó sẽ thí điểm triển khai mô hình chuyển đổi một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ sang hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần do các cơ quan, tổ chức, đơn vị của nhà nước hoặc các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% cổ phần hoặc cổ phần chi phối. 

Cùng với đó, việc tái cơ cấu, thoái vốn và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sẽ có những cách làm mới, phân loại doanh nghiệp nhà nước để thúc đẩy cải cách; chia doanh nghiệp nhà nước thành hai loại hình lớn là thương mại và công ích. Đặc biệt, sẽ có một danh mục các ngành nghề mà nhà nước cần giữ vốn, cần thoái vốn… để các địa phương lựa chọn những doanh nghiệp cần giữ lại…

Các chuyên gia kinh tế cho rằng giai đoạn này cần nâng cao hiệu quả hoạt động để các doanh nghiệp nhà nước có trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất hiện đại tương đương với các nước trong khu vực để doanh nghiệp nhà nước trở thành lực lượng nòng cốt trong phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là lực lượng dẫn dắt phát triển các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ.

“Nhóm các doanh nghiệp nhà nước phải giữ được vị thế dẫn dắt cân đối lớn của nền kinh tế và là bà đỡ cùng các thành phần kinh tế khác tạo thành hệ sinh thái để hỗ trợ giúp cho nền kinh tế tăng trưởng”, ông Đặng Quyết Tiến nói.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Huỳnh Quang Hải cũng cho rằng để đẩy nhanh cổ phần hóa, tại các doanh nghiệp nhà nước thì cần tiếp tục rà soát các cơ chế chính sách hiện hành để kịp thời phát hiện các vướng mắc, bất cập, nhằm kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện, tiếp tục thúc đẩy quá trình đổi mới doanh nghiệp, cũng như nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước.../.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục