Cổ phiếu IBC của Shark Thủy bị hủy niêm yết bắt buộc

06:12' - 23/11/2023
BNEWS Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) có văn bản gửi CTCP Đầu tư Apax Holdings (mã chứng khoán IBC) về việc hủy bỏ niêm yết bắt buộc.
Theo HoSE, cổ phiếu IBC của CTCP Đầu tư Apax Holdings do ông Nguyễn Ngọc Thủy làm Chủ tịch (Shark Thủy) hiện đang trong 3 diện theo dõi vi phạm gồm: Đình chỉ giao dịch do tổ chức niêm yết tiếp tục vi phạm các quy định về công bố thông tin trên thị trường chứng khoán sau khi bị đưa vào diện hạn chế giao dịch; cổ phiếu bị kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023 quá 30 ngày so với thời gian quy định; cổ phiếu thuộc diện cảnh báo do tổ chức niêm yết chưa họp đại hội đồng cổ đông thường niên quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính.

 
Đến nay, Công ty chưa công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán 2022;  báo cáo tài chính quý I, quý II và soát xét bán niên 2023; Báo cáo quản trị Công ty 6 tháng đầu năm 2023 và chưa tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2023.

Theo HoSE, kể từ thời điểm bị đình chỉ giao dịch đến nay, các vi phạm công bố thông tin của Công ty chưa được khắc phục, có khả năng tiếp tục xảy ra và kéo dài, vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ công bố thông tin và ảnh hưởng đến quyền lợi cổ đông.

Vì vậy, căn cứ quy định tại điểm o khoản 1 Điều 120 Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2022 và ý kiến của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam; HoSE thông báo sẽ hủy bỏ niêm yết bắt buộc đối với cổ phiếu IBC.

Trong diễn biến đáng chú ý khác, ngày 7/11 vừa qua, ông Quách Mạnh Hào - Thành viên HĐQT độc lập CTCP Đầu tư Apax Holdings đã có đơn từ nhiệm vì lý do cá nhân. Ông Quách Mạnh Hào tham gia HĐQT Apax Holdings vào năm 2017, sau khi được đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua bằng hình thức lấy ý kiến bằng văn bản. Sau 6 năm gắn bó, đến ngày 2/11/2023, ông Hào nộp đơn từ nhiệm vị trí Thành viên HĐQT độc lập từ ngày 6/11 vì lý do cá nhân.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu đang dừng lại ở mức 1.770 đồng/cổ phiếu.

Theo quy định của pháp luật, khi cổ phiếu bị hủy bỏ niêm yết bắt buộc, nhà đầu tư vẫn được đảm bảo về giá trị sở hữu cổ phiếu, nhưng giá trị tài sản của cổ phiếu và tính thanh khoản có thể bị ảnh hưởng. 

Vấn đề lớn nhất của các cổ đông nhỏ là rất khó chuyển số cổ phiếu đang nắm giữ thành tiền mặt. Do vậy, không ít nhà đầu tư lúng túng và khó kiểm soát tâm lý đầu tư ở giai đoạn này.

Trong trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết không chuyển sàn, nhà đầu tư nên liên hệ với doanh nghiệp và đề nghị cấp sổ cổ đông, xem lại các chính sách thu mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp nếu có.

Trường hợp cổ phiếu bị hủy niêm yết chuyển sàn, xuống sàn thấp hơn như Upcom, nhà đầu tư vẫn được giao dịch tại sàn mới, nhưng tính thanh khoản sẽ thấp do giá trị cổ phiếu đã giảm.

Ngoài ra, nhà đầu tư cũng có thể tiếp tục nắm giữ đối với những cổ phiếu có khả năng phục hồi. Tuy nhiên, khả năng phục hồi đối với những cổ phiếu này là khó, bởi trên thực tế, các công ty mà có cổ phiếu huỷ niêm yết và phải rời khỏi sàn thường là những công ty làm ăn thua lỗ liên tục nhiều năm, thông tin thiếu minh bạch.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục