Cổ phiếu ngân hàng “đỏ sàn” bất chấp đang "mùa" chia cổ tức

17:28' - 04/10/2021
BNEWS Đóng cửa phiên giao dịch ngày 4/10, trong nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng, thị trường ghi nhận có tới 24 mã cổ phiếu giảm giá, trong khi đó chỉ có 2 mã tăng và 1 mã đứng giá.

Theo các chuyên gia, việc nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng tiếp tục chìm trong sắc đỏ bất chấp quý III là thời điểm mà nhiều ngân hàng trả cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ cho thấy lo ngại của các nhà đầu tư với kết quả kinh doanh cũng như rủi ro trong thời gian tới; trong đó có việc tỷ lệ nợ xấu nội bảng và nợ xấu tiềm ẩn được dự báo sẽ tăng mạnh trong cuối năm.

Đáng chú ý, trong quý III, cổ phiếu CTG của Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) mất 42% giá trị, cổ phiếu MBB của Ngân hàng TMCP Quân đội (MBbank) mất 36% giá trị hay cổ phiếu HDB của Ngân hàng TMCP Phát triển Tp. Hồ Chí Minh (HDBank) hiện chỉ giao dịch bằng 69% giá trị so với đầu quý.

Trước đó, các ngân hàng này đều thực hiện chia cổ tức lần lượt Vietinbank với tỷ lệ chia cổ tức gần 29% , MBbank với tỷ lệ chia cổ tức 35%, HDBank với tỷ lệ chia cổ tức 25%....

Thực tế, các ngân hàng hiện chưa công bố kết quả kinh doanh quý III, nhưng về phía các nhóm phân tích tại công ty chứng khoán đã hạ dự báo tăng trưởng tín dụng của toàn ngành.

Như nhóm phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT đã hạ dự báo tăng trưởng tín dụng ngành ngân hàng trong năm 2021 từ mức 13% trước đó xuống 10 - 12%, do đánh giá cầu tín dụng chưa phục hồi bởi ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch bệnh. 

Theo VNDIRECT, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống dự báo tiếp tục vượt xa so với tiền gửi. Dù môi trường lãi suất thấp song VNDIRECT ước tính tổng huy động tiền gửi của khách hàng tại thời điểm cuối quý II của 17 ngân hàng niêm yết tăng 4,8% so với đầu năm. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 6 tháng đầu năm đạt 6,44% so với đầu năm, gần gấp đôi so với mức tăng cùng kỳ năm ngoái. 

 

Ở một góc nhìn khác, các nhóm phân tích đánh giá khả năng ghi nhận biên lợi nhuận (NIM) sẽ giảm trong những tháng cuối năm sau khi tăng mạnh nửa đầu năm do chi phí vốn giảm sâu hơn mức giảm của tỷ suất sinh lời của tài sản.

Nhóm các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định, NIM toàn ngành ngân hàng sẽ giảm nhẹ so với cùng kỳ do việc giảm lãi suất sẽ không tác động quá nhiều đến thu nhập lãi thuần nhờ việc giảm lãi suất huy động thời gian tới. Nhiều ngân hàng đã chủ động giảm từ 0,1 - 0,3% lãi suất huy động giúp tiết giảm chi phí vốn, đồng thời tiếp tục tăng tỷ trọng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) trong cơ cấu huy động.

Ngoài ra, BSC lo ngại về chất lượng tài sản của các ngân hàng khi cho rằng nợ tái cơ cấu giảm mạnh và ước tính tỷ lệ trích lập của các ngân hàng sẽ ở mức thấp. Cùng với đó, tỷ lệ nợ xấu và bao phủ nợ ở mức cao và đang được cải thiện nhưng dịch bệnh diễn biến phức tạp tại các tỉnh phía Nam khiến cho nợ xấu tại các ngân hàng luôn trong tình trạng cảnh báo. 

Tuy nhiên, nhóm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) đánh giá, đây là cơ hội đầu tư dài hạn khi thị trường điều chỉnh đối với mã ngành ngân hàng.

Theo luận điểm của MBS, nửa cuối năm 2021, với việc các ngân hàng tiếp tục chính sách giảm lãi suất nhằm hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch, NIM của các ngân hàng sẽ giảm nhẹ. Đồng thời, việc chủ động trích lập dự phòng phần lớn các khoản nợ tái cấu trúc thì kết quả kinh doanh của các ngân hàng sẽ không có sự tăng trưởng mạnh như cùng kỳ 2020, tuy nhiên vẫn ở mức tích cực.

Báo cáo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các tổ chức tín dung quý IV của Vụ Dự báo, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ ra rằng, nhu cầu sử dụng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tổng thể của khách hàng đang ở mức “thấp” và “giảm” so với quý trước; trong đó, nhu cầu gửi tiền giảm mạnh.

Tuy nhiên, các tổ chức tín dụng kỳ vọng nhu cầu sẽ phục hồi trở lại trong quý IV nếu tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt. Đánh giá chung cả năm 2021, các tổ chức tín dụng đã thu hẹp kỳ vọng về sự gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, trong đó nhu cầu vay vốn tiếp tục được kỳ vọng “tăng” cao hơn nhu cầu gửi tiền và thanh toán./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục