Có thể phê duyệt đồng thời nhiệm vụ và dự toán chuẩn bị đầu tư?

07:00' - 13/10/2020
BNEWS Ông Trần Văn Luật (Bình Thuận) đề nghị cơ quan chức năng giải đáp một số nội dung về nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án đầu tư công.

Theo phản ánh của ông Luật, Luật Đầu tư công quy định nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư là các hoạt động để lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, quyết định đầu tư dự án.

Khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công về trình tự lập, thẩm định, phê duyệt dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư quy định:

“a) Căn cứ nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư lập dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư trình người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các cấp quyết định;

b) Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các cấp thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công tổ chức thẩm định dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;

c) Hội đồng thẩm định hoặc cơ quan chuyên môn quản lý đầu tư công thẩm định các nội dung dự toán theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, định mức kinh phí nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư;

d) Căn cứ ý kiến thẩm định, chủ đầu tư hoàn chỉnh dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư để người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các cấp phê duyệt dự toán.

Khoản 9, Khoản 10 Điều 6 của Nghị định số 68/2019/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng quy định:

“9. Dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị đầu tư để lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi hoặc báo cáo chuẩn bị đầu tư do cơ quan, đơn vị thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị dự án đầu tư thẩm định và phê duyệt. Các khoản mục chi phí này sẽ được cập nhật vào tổng mức đầu tư của dự án sau khi dự án được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư;

10. Dự toán chi phí các công việc thực hiện ở giai đoạn chuẩn bị dự án để lập báo cáo nghiên cứu khả thi do cơ quan chuyên môn trực thuộc người quyết định đầu tư dự án thẩm định làm cơ sở trình cấp quyết định đầu tư phê duyệt chi phí này. Các khoản mục chi phí này sẽ được cập nhật vào tổng mức đầu tư của dự án để phục vụ lập và quản lý chi phí đầu tư xây dựng”.

Căn cứ các quy định trên, ông Luật hỏi, nội dung cơ bản của văn bản trình duyệt, quyết định nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và nội dung cơ bản của dự toán chuẩn bị đầu tư gồm những gì?

Nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư có thể phê duyệt đồng thời hay phải tách riêng thành từng khâu?

Cơ quan thẩm định dự toán chuẩn bị đầu tư đối với dự án có cấu phần xây dựng thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công hay thực hiện theo quy định tại Khoản 9, Khoản 10 Điều 6 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP?

Về vấn đề này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời như sau:

Trình tự thực hiện đầu tư xây dựng

Theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 59/2015/NĐ-CP ngày 18/6/2015 của Chính phủ quy định về quản lý dự án đầu tư xây dựng thì trình tự thực hiện đầu tư xây dựng gồm:

(1) Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: Tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật đầu tư xây dựng để xem xét, quyết định đầu tư xây dựng và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án;

(2) Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc: Thực hiện việc giao đất hoặc thuê đất (nếu có); chuẩn bị mặt bằng xây dựng, rà phá bom mìn (nếu có); khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán xây dựng; cấp giấy phép xây dựng (đối với công trình theo quy định phải có giấy phép xây dựng); tổ chức lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng; thi công xây dựng công trình; giám sát thi công xây dựng; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; nghiệm thu công trình xây dựng hoàn thành; bàn giao công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; vận hành, chạy thử và thực hiện các công việc cần thiết khác;

(3) Giai đoạn kết thúc xây dựng đưa công trình của dự án vào khai thác sử dụng gồm các công việc: Quyết toán hợp đồng xây dựng, bảo hành công trình xây dựng.

Đề nghị ông căn cứ các bước nêu trên để triển khai thực hiện nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và dự toán chuẩn bị đầu tư.

Thời điểm phê duyệt nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư

Theo quy định tại Điểm a Khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công: “Căn cứ nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và nhiệm vụ quy hoạch được cấp có thẩm quyền quyết định, cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư và nhiệm vụ quy hoạch lập dự toán nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư, nhiệm vụ quy hoạch trình người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương, Chủ tịch UBND các cấp quyết định”.

Như vậy, nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư phải được phê duyệt trước khi phê duyệt dự toán chuẩn bị đầu tư.

Cơ quan thẩm định dự toán

Đối với dự toán chuẩn bị đầu tư triển khai trước khi phê duyệt chủ trương đầu tư, thực hiện theo quy định tại Khoản 9 Điều 6 Nghị định số 68/2019/NĐ-CP ngày 14/8/2019 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dựng.

Đối với dự toán chuẩn bị đầu tư triển khai trước khi phê duyệt quyết định đầu tư, thực hiện theo quy định tại Khoản 5 Điều 40 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục