Có thực sự cần tiêm mũi tăng cường để chống biến thể Delta?

19:29' - 16/08/2021
BNEWS Toni là một trong số nhiều người Mỹ ở nước ngoài đã và có kế hoạch trở về nước để tiêm mũi tăng cường.

Alison Toni, một người Mỹ đang sinh sống tại Chile, đã đến thăm bố mẹ mình ở Minneapolis hồi tháng 4 vừa qua khi cô trở về Mỹ tiêm mũi đầu tiên vaccine của hãng Pfizer. 2 tháng sau đó, cô quay lại Mỹ để tiêm mũi thứ hai.

Tuy nhiên, không ai biết rằng Toni đã tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Chile vào đầu năm và lý do mà cô đưa ra cho quyết định này là nhằm tăng khả năng đề kháng trước biến thể Delta đang hoành hành trên khắp thế giới.

Toni là một trong số nhiều người Mỹ ở nước ngoài đã và có kế hoạch trở về nước để tiêm mũi tăng cường. Họ viện dẫn lý do rằng cần phải nâng cao khả năng chống biến thể Delta hoặc cần đáp ứng các yêu cầu cụ thể về công việc hoặc du lịch.

Một số người tiêm mũi tăng cường sau khi tư vấn bác sĩ, song một số dựa trên hiểu biết qua các nghiên cứu đã công bố. Hiện chỉ có một số quốc gia đã triển khai tiêm mũi vaccine tăng cường cho người dân vì cho rằng lượng kháng thể mà vaccine sản sinh ra suy giảm theo thời gian hoặc rằng mũi tiêm tăng cường có thể giúp giảm nguy cơ mắc biến thể Delta, đặc biệt ở người cao tuổi hoặc người bị suy giảm hệ miễn dịch.

Tuy nhiên, cho tới nay, giới chức y tế vẫn chưa xác định liệu tiêm mũi tăng cường có cần thiết hay không cũng như chưa có đầy đủ dữ liệu về nguy cơ hay lợi ích của điều này.

Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm Jason Gallagher tại trường Dược thuộc Đại học Temple cho rằng việc tiêm mũi tăng cường có thể không cần thiết, việc mũi tiêm thứ tư có lẽ là lãng phí, thậm chí đối với nhiều người mũi tiêm thứ ba là không cần thiết.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các quốc gia hoãn việc tiêm mũi tăng cường cho người dân trong bối cảnh còn nhiều người trên thế giới chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Tuần trước, Cơ quan Dược phẩm và thực phẩm Mỹ (FDA) đã cho phép tiêm mũi tăng cường cho người  bị suy giảm miễn dịch. Theo tính toán của giới chức y tế Mỹ, chưa tới 3% người trưởng thành tại Mỹ sẽ được tiêm mũi này, song nhiều khả năng chính sách tiêm mũi tăng cường sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.

Tình trạng dư thừa vaccine phòng COVID-19 tại Mỹ cùng với hệ thống chăm sóc sức khỏe phi tập trung là điều kiện để nhiều người, trong đó có du khách, có thể tiêm mũi tăng cường. Thống kê của Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy hơn 1,2 triệu người dân nước này đã tiêm ít nhất 1 mũi tăng cường sau khi tiêm đủ liều theo quy định.

Hãng dược Moderna cho biết vaccine của hãng không được phép tiêm cho những người đã tiêm đủ liều. Còn theo người phát ngôn của Tập đoàn bán lẻ dược phẩm CVS Health Corp, hãng này đã ra chính sách từ chối tiêm mũi tăng cường cho những người đã tiêm đủ liều tại các hiệu thuốc của hãng.

Trong khi đó, chuỗi dược phẩm Walgreens đưa ra quy định người bệnh phải khai rõ đã tiêm đủ liều hay chưa trong quá trình hẹn khám.

Trường hợp của Jing Wu, 22 tuổi, một nghiên cứu sinh Trung Quốc, lại liên quan đến sự thống nhất về vaccine được cấp phép. Theo đó, Jing Wu đã tiêm đủ liều vaccine của hãng Sinovac tại Trung Quốc hồi tháng 12 năm ngoái trước khi đến Mỹ học tại Đại học Princeton.

Đến tháng 4 vừa qua, Jing Wu buộc phải tiêm mũi tăng cường vaccine của Johnson &Johnson sau khi nhà trường yêu cầu sinh viên nước ngoài phải tiêm vaccine do FDA cấp phép, trong đó không có Sinovac.

Tuy nhiên, Đại học Princeton đã điều chỉnh chinh sách trên và chấp thuận vaccine được WHO cấp phép, trong đó có Sinovac và Sinopharm, và thậm chí cho rằng không có tác hại nào được biết đến từ việc tiêm mũi tăng cường. Jing Wu nhấn mạnh nếu biết việc tiêm đủ liều vaccine của Sinovac là đủ, anh sẽ không tiêm mũi tăng cường.

Giáo sư Amesh Adalja, học giả cấp cao tại Trung tâm An ninh y tế Johns Hopkins, nhận định chính phủ các nước nên tiêu chuẩn hóa định nghĩa của mình về tiêm chủng đầy đủ, qua đó để có thể công nhận những vaccine không được chấp thuận ở quốc gia của họ, nhưng vẫn có hiệu quả trong phòng COVID-19./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục