Cơn đau đầu kéo dài của EU về vấn đề người di cư

06:00' - 27/07/2018
BNEWS Mặc dù Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được sự đồng thuận về vấn đề tiếp nhận người tị nạn nhưng EU vẫn sẽ tiếp tục đau đầu vì vấn đề này.
EU tiếp tục đau đầu vì vấn đề người di cư. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN

Trong cuối tuần qua, đã có khoảng 204 người di cư bỏ mạng trên vùng biển ngoài khơi Libya, nâng tổng số người di cư chết đuối tại Địa Trung Hải kể từ đầu năm đến nay lên hơn 1.000 người. Trước thực trạng này, cho dù Liên minh châu Âu (EU) vừa đạt được sự nhất trí đối với vấn đề tiếp nhận người tị nạn song đó mới chỉ được coi là tạm tháo ngòi nổ của những cuộc khủng hoảng di cư ở châu Âu, vẫn còn rất nhiều vấn đề cần EU phải chung tay chia sẻ trách nhiệm. 

* Số người thiệt mạng ngoài khơi Libya gia tăng mạnh 

Theo thông báo của Tổ chức Di trú quốc tế (IOM) (ngày 1-7), trong hai ngày 29-6 và 1-7 đã liên tiếp xảy ra hai vụ đắm tàu, khiến hơn 200 người thiệt mạng trên vùng biển ngoài khơi Libya. Nguyên nhân là do những kẻ buôn lậu đưa người di cư ra biển trên tàu thuyền không đủ tiêu chuẩn an toàn. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Libya cũng đã can thiệp và đưa gần 1.000 người di cư trở lại Libya. 

Lãnh đạo phái bộ IOM tại Libya Othman Belbeisi cảnh báo số người thiệt mạng trên biển ngoài khơi Libya đang gia tăng mạnh do những đối tượng buôn người lợi dụng tình cảnh khốn cùng của người di cư để trục lợi. 

Trong khi đó, Tổng Giám đốc IOM William Lacy Swing cho biết trong tuần này ông sẽ tới thủ đô Tripoli của Libya để trực tiếp thị sát điều kiện sinh hoạt của những người di cư được cứu sống cũng như các hoạt động cứu hộ của Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya. Ông tuyên bố IOM sẽ đảm bảo nhân quyền cho tất cả người di cư, đồng thời tiếp tục nỗ lực ngăn chặn tình trạng buôn bán người. 

Trên thực tế, làn sóng người di cư bắt đầu rộ lên vào năm 2014 khi cuộc xung đột tại Libya trở nên trầm trọng hơn và mỗi năm có tới hàng chục nghìn người đổ qua biên giới nước này. Trong khi đó, Libya lại là một trong những điểm khởi hành chính của người di cư tìm cách vượt biển để tới châu Âu trên những chiếc thuyền cao su chất lượng kém và dễ hỏng hóc do các đối tượng buôn người cung cấp. Một số người cố còn tìm cách điều khiển thuyền tới các vùng lãnh hải quốc tế với hy vọng được các tàu quốc tế cứu giúp. Đây là những người dân tị nạn chạy trốn chiến tranh xung đột hay di cư kinh tế để tìm kiếm cơ hội tốt hơn ở châu Âu. Hầu hết đã bán tất cả mọi thứ mà họ có để có tiền cho cuộc hành trình qua Libya đến bờ biển và các cửa ngõ vào Địa Trung Hải. Các con số thống kê đã cho thấy, kể từ năm 2014 đến nay, đã có trên 650.000 người vượt tuyến đường biển miền Trung Địa Trung Hải này. 

Tuy nhiên, kể từ tháng 7-2017, khi lực lượng chức năng Italy và EU triệt phá các mạng lưới buôn người tại khu vực bờ biển của Libya thì giấc mơ đến châu Âu của những người tị nạn dường như đã chấm dứt ở Libya. Không có nơi nào để đi, người di cư đã bị những kẻ buôn lậu giam hãm trong các kho hàng với một ít lương thực và nước uống để cầm cự. Và đám buôn lậu đã trở thành chủ nhân, còn người di cư và người tị nạn đã bị biến thành những nô lệ. 

* Cần một giải pháp toàn diện đối với người di cư 

Trước sức ép về lượng người di cư bất hợp pháp đến châu Âu trong những ngày gần đây, tại hội nghị thượng đỉnh EU vừa kết thúc ngày 29-6 vừa qua, sau hơn 9 giờ đàm phán căng thẳng xuyên đêm, các nước thành viên Liên minh châu Âu đã đạt được một thoả thuận về xử lý vấn đề tị nạn. Nội dung đáng chú ý nhất của thoả thuận này là việc các nước châu Âu đồng ý sẽ thiết lập cùng lúc các trạm tiếp nhận người tị nạn ở cả bên ngoài biên giới châu Âu lẫn các “trung tâm tiếp nhận khép kín” trên đất châu Âu. 

Các trung tâm này sẽ có nhiệm vụ sàng lọc người tị nạn, theo đó chỉ những người tị nạn chiến tranh, trốn tránh xung đột mới được xử lý hồ sơ còn các dạng tị nạn kinh tế sẽ bị gạt bỏ và bị trả lại ngay lập tức các nước xuất phát. 

Đây được xem là một điểm đột phá so với các biện pháp trước kia bởi việc lập ra các điểm tiếp nhận này, hay còn được gọi là các “hot-spot”, trước đây vốn bị nhiều nước phản đối. 

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là mặc dù đồng ý về mặt nguyên tắc việc lập các trạm tiếp nhận ở ngoài lãnh thổ Liên minh châu Âu và các trung tâm khép kín trên đất châu Âu, nhưng cụ thể là sẽ đặt ở đâu thì vẫn EU chưa có câu trả lời. 

Hiện tại, các nước Bắc Phi như Algeria, Tunisia, Maroc, hay Albania ở Nam Âu đã công khai tuyên bố không ủng hộ việc đặt các trạm này trên lãnh thổ của mình, trong khi việc đặt tại Libya lại quá rủi ro do quốc gia này vẫn đang trong tình trạng bất ổn chính trị nghiêm trọng. 

Tương tự, kế hoạch lập các trung tâm khép kín trên đất châu Âu cũng được kèm theo điều kiện “tự nguyện”, tức không có điều khoản bắt buộc một nước thành viên EU phải gánh trách nhiệm. Chính vì yếu tố “tự nguyện” này nên cả Pháp, Italy hay Tây Ban Nha đều ngỏ ý từ chối việc xây dựng các trung tâm này trên lãnh thổ nước mình. 

Trước khi đạt được thỏa thuận trên, chính sách của EU là hạn chế và giảm nhập cư bất hợp pháp, nhưng luôn bảo đảm tôn trọng quyền con người. Tuy nhiên, chính sách trên không được sự ủng hộ của tất cả các thành viên.

Nếu như Đức là nước đã mở cửa đón nhận một số lượng lớn người di cư, đề nghị EU thực thi chương trình phân bổ người tỵ nạn cho các quốc gia thành viên, thì Anh và các nước Đông Âu như Ba Lan, Séc, Hungary, Slovakia lại cực lực phản đối. Việc nhiều quốc gia từ chối tiếp nhận người di cư bất hợp pháp đã khiến cho số thành viên còn lại, trong đó có Italy, phải gồng mình gánh vác những khó khăn và hệ lụy do cuộc khủng hoảng này mang lại.

Theo thống kê, đã có hơn 700.000 lượt người di cư đặt chân lên bờ biển của đất nước hình chiếc ủng kể từ khi bùng nổ làn sóng di cư ồ ạt sang châu Âu vào năm 2013. Căn cứ quy định của EU, người di cư phải xin cấp quy chế tỵ nạn tại quốc gia châu Âu đầu tiên họ đặt chân tới. Quy định này đã tạo áp lực đối với Italy và Hy Lạp, bởi đây là những điểm cửa ngõ mà hàng trăm nghìn người tìm đến sau khi trốn chạy khỏi nội chiến, nghèo đói tại Trung Đông, Bắc Phi và nhiều khu vực khác.

Vì thế, Italy đã nhiều lần lên tiếng kêu gọi các thành viên EU chia sẻ trách nhiệm nhưng yêu cầu này ít được đáp ứng. Và đây cũng là nguyên nhân của những tranh cãi gay gắt giữa Italy và một số nước EU trong những ngày qua về việc chia sẻ trách nhiệm tiếp nhận người tị nạn. 

Trong bối cảnh đó, việc các nước thành viên EU gạt đi bất đồng và nhất trí thiết lập các trung tâm kiểm soát người tị nạn chung trong khối được cho là đã tạm thời tháo gỡ được ngòi căng thẳng vốn bùng nổ những ngày qua. Tuy nhiên, thực sự kết quả này vẫn được nhận định là vô cùng mong manh bởi bất đồng thì vẫn còn đó. Hiện nay, “thành viên nào sẽ tự nguyện đặt các trung tâm tị nạn trên lãnh thổ của mình?” vẫn là một câu hỏi hóc búa chưa có lời giải. 

Chắc chắn trong thời gian tới, các nhà lãnh đạo EU và nước chủ tịch luân phiên EU là Áo sẽ còn phải đau đầu để tìm ra các giải pháp có thể đáp ứng những mong muốn rất đa dạng và thậm chí là đầy mâu thuẫn của các nước thành viên trong việc hóa giải cuộc khủng hoảng về di cư./. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục