Cơn địa chấn trên thị trường trái phiếu Mỹ đã bắt đầu?

06:00' - 14/10/2023
BNEWS Bloomberg ước tính khoảng 46% giá trị trái phiếu kỳ hạn 10 năm trở lên của Chính phủ Mỹ đã "bị xóa sổ", do thị trường lao dốc, trong đó trái phiếu kỳ hạn 30 năm mất khoảng 53% mệnh giá.
Trong 40 năm qua, khoảng thời gian tuyệt vời nhất của các nhà đầu tư trái phiếu toàn cầu là mua vào đúng lúc thị trường trái phiếu tăng trưởng lớn nhất lịch sử hiện đại. Và thời khắc đó có lẽ sắp xảy ra một lần nữa, khi các nhà đầu tư trái phiếu Mỹ đang chứng kiến thị trường sụt giá kỷ lục.

Vào giữa những năm 2000, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm – chuẩn mực hàng hóa tài chính phi rủi ro toàn cầu – đã chạm đáy xấp xỉ 0,5%. Cuối tuần trước, tỷ lệ này vượt ngưỡng 4,8%, cao nhất kể từ khi cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn bùng nổ ở Mỹ vào tháng 8/2007.

Lợi suất trái phiếu tính bằng lợi tức cuống phiếu chia cho giá trái phiếu, có đơn vị tính là %/năm, phản ánh mức lợi nhuận mà nhà đầu tư kỳ vọng nhận được khi mua một trái phiếu cụ thể. Khi giá trái phiếu tăng, lợi suất giảm và ngược lại, khi giá trái phiếu giảm, lợi suất tăng. Do đó, tình huống lợi suất trái phiếu tăng mạnh đã khiến hàng nghìn tỷ đô la giá trị trái phiếu của Mỹ bốc hơi khỏi thị trường trị giá 25.000 tỷ USD.

Hãng tin chuyên kinh tế Bloomberg tính toán khoảng 46% giá trị trái phiếu kỳ hạn 10 năm trở lên của Chính phủ Mỹ đã bị xóa sổ do thị trường lao dốc, trong đó trái phiếu kỳ hạn 30 năm mất khoảng 53% mệnh giá. Ngày 6/10, Bank of America thông báo gần 1/4 giá trị các loại trái phiếu Kho bạc Mỹ đang phát hành đã bị “bốc hơi”.

 
Xu hướng này có thể còn tiếp tục, trong bối cảnh nhiều khả năng sẽ có thêm một đợt tăng lãi suất nữa từ Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) nhờ thị trường lao động Mỹ đang phát triển mạnh mẽ hơn kỳ vọng.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Kho bạc Mỹ đã huy động được 1.800 tỷ USD. Tuy nhiên, thâm hụt ngân sách Mỹ dự kiến sẽ vào khoảng 2.000 tỷ USD trong năm tài chính này (năm tài chính của Mỹ kết thúc vào ngày 30/9). Do đó, nhiều khả năng sẽ có một đợt phát hành trái phiếu chính phủ lớn nữa sẽ được tung ra thị trường trong những tháng cuối năm nay.

Tuy nhiên, Fed đã tuyên bố sẽ không tái đầu tư các loại trái phiếu và khoản vay thế chấp đáo hạn, mua vào trong các đợt nới lỏng định lượng trước đây (Fed mua trái phiếu và các khoản vay thế chấp để giữ lãi suất ở mức thấp và đảm bảo tính thanh khoản của hệ thống tài chính ở mức cao). Bảng cân đối kế toán của Fed đã giảm từ mức đỉnh trong đại dịch COVID-19 là gần 9.000 tỷ USD xuống còn dưới 8.000 tỷ USD và tiếp tục thu hẹp với tỷ suất 95 tỷ USD/tháng.

Những người mua lớn khác của trái phiếu chính phủ Mỹ trong thời gian gần đây, bao gồm Nhật Bản và Trung Quốc, dường như đã biến mất. Thị phần của hai nước này trên thị trường trái phiếu Mỹ đang ở mức thấp kỷ lục. Vào năm 2007, hai nền kinh tế hàng đầu châu Á sở hữu hơn 1/4 tổng lượng trái phiếu do chính phủ Mỹ phát hành, nhưng hiện tại họ sở hữu chưa đến 8%.

So với thời điểm trước đây, cho đến nay Nhật Bản vẫn chỉ sở hữu hơn 1.000 tỷ USD trái phiếu Mỹ. Nhưng giá trị trái phiếu đã bị sụt giảm bởi biến động thị trường. Điều đó có nghĩa là Nhật Bản, về thực chất, hiện nắm giữ lượng trái phiếu Chính phủ Mỹ có giá trị thấp hơn 1.000 tỷ USD. Hơn nữa, lợi suất trái phiếu của Nhật Bản đang tăng lên và chi phí phòng vệ giá cũng tăng, do đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đã bắt đầu mua vào trái phiếu chính phủ của họ.

Theo các dữ liệu chính thức thu thập được, Trung Quốc hiện đang nắm giữ khoảng 835 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ. Mặc dù thể hiện rõ xu hướng cắt giảm sở hữu trái phiếu Mỹ, nhưng Trung Quốc dường như vẫn là nhà đầu tư lớn vào một số khoản nợ của Mỹ - tuy nhiên có vẻ như Trung Quốc lựa chọn đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp hơn là tiếp tục mua nợ chính phủ Mỹ. Căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc có thể là một yếu tố lý giải cho nguyên nhân này.

Câu hỏi hóc búa đối với bất kỳ nhà đầu tư nước ngoài nào, dù cho đó là nhà đầu tư cấp nhà nước hay nhà đầu tư cá nhân, đang xem xét mua vào một trong những loại tài sản được coi là nơi trú ẩn an toàn nhất của thế giới trong những thời điểm đầy biến động – và thời điểm hiện nay được coi là biến động khi cuộc xung đột Isreal-Hamas nổ ra vào cuối tuần vừa qua; đó là liệu triển vọng lãi suất và lợi suất trái phiếu trên thị trường Mỹ sẽ tiếp tục tăng, hay còn được hiểu là các nhà đầu tư có thể gặp rủi ro “ném tiền qua cửa sổ” hay không?

Sự kết hợp giữa lợi suất trái phiếu ngày càng tăng và đồng USD mạnh hơn đã làm trầm trọng thêm mức độ thua lỗ tiềm ẩn đối với nhà đầu tư nước ngoài. Thị trường Mỹ vẫn là nơi nguy hiểm đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài, trừ khi và cho đến khi lãi suất của nước này ổn định, đồng thời lợi suất trái phiếu trên thị trường bắt đầu được dự đoán là sẽ giảm.

Điều đó có nghĩa là việc mua vào phần lớn trái phiếu Kho bạc Mỹ trong tương lai sẽ phải được thực hiện chủ yếu bởi các nhà đầu tư Mỹ, với một hệ thống “bệ đỡ” hẹp hơn. Bất kể Fed sẽ hành động như thế nào, những gì sẽ diễn ra đều dẫn tới một dự báo rằng lãi suất của Mỹ sẽ tiếp tục ở mức cao trong thời gian tới.

Việc Fed duy trì chính sách diều hâu và giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn so với mức cần thiết có thể đẩy nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái. Điều đó sẽ không giúp ích cho phương trình cung-cầu trên thị trường trái phiếu, nhưng phần nào sẽ làm giảm bớt sự “bốc hơi” của giá trị trái phiếu.

Trong trường hợp các nhà đầu tư nước ngoài bỏ qua rủi ro về khả năng mất tiền, tiếp tục lao vào thị trường Mỹ để hưởng lợi suất cao, thì nguy cơ thua lỗ thậm chí còn lớn hơn. Điều này đã được minh chứng vào thời kỳ ban đầu của đại dịch COVID-19, khi các nhà đầu tư sẵn sàng chấp nhận lợi suất âm để đổi lấy sự an toàn.

Luôn có khả năng xảy ra điều gì đó gây bất ổn toàn cầu. Nếu như vào năm ngoái đó là cuộc xung đột Nga-Ukraine, thì giờ đây là một đợt tấn công quân sự nghiêm trọng và đầy đe dọa ở Trung Đông.

Xung đột Israel-Hamas đã tạo thêm một loạt bất ổn, biến động và rủi ro mới cho môi trường tài chính toàn cầu vốn đã đầy biến động và rủi ro. Sau khi xung đột nổ ra, giá dầu và giá vàng thế giới đã tăng vọt và đồng USD tiếp tục mạnh lên. Nếu thông tin Iran hỗ trợ lên kế hoạch cho hành động quân sự của Phong trào Hồi giáo Hamas được xác minh là đúng, theo như nhận định của tờ Wall Street Journal, thì khả năng xung đột sẽ lan rộng hơn, có thể gây hậu quả vượt ra ngoài khu vực Trung Đông.

Đối với các thị trường, ngay cả khả năng Israel đáp trả cũng sẽ có tác động lớn đến giá dầu và thông qua đó gián tiếp gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế và thị trường tài chính thế giới. Tất nhiên, bất kỳ sự mở rộng nào của cuộc xung đột hiện tại đều có thể gây ra những hậu quả đáng lo ngại hơn nhiều so với tác động đến giá xăng, cổ phiếu hoặc trái phiếu.

Một thập kỷ rưỡi lãi suất cực thấp và chính sách tiền tệ lỏng lẻo đang bị thay thế bởi lãi suất cao và các chính sách tiền tệ thắt chặt không chỉ ở Mỹ. Và ít nhất là trên thị trường trái phiếu cho đến nay lợi ích của kỷ nguyên bong bóng mà các ngân hàng trung ương “tặng” cho các nhà đầu tư thông qua các chính sách độc đáo của họ đang bị bốc hơi.

Mặc dù có thể Fed và các đồng nghiệp sẽ một lần nữa phải ra tay "giải cứu" các nhà đầu tư nếu xuất hiện một mối đe dọa mang tính hệ thống. Nhưng quỹ đạo không thể tránh khỏi của thâm hụt và nợ ở thị trường có mức độ ảnh hưởng lớn nhất thế giới có nghĩa là chúng ta khó có thể thấy lại được những thiết lập chính sách mà các ngân hàng trung ương đã tạo ra trong giai đoạn hậu khủng hoảng tài chính./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục