Con đường mới để châu Á dẫn dắt sự phục hồi kinh tế toàn cầu

06:30' - 09/06/2020
BNEWS Dịch COVID-19 sẽ tiếp tục tàn phá nền kinh tế toàn cầu. Lúc này, hơn bao giờ hết, hợp tác quốc tế là vô cùng cần thiết để thế giới thoát khỏi khủng hoảng kinh tế do đóng cửa vì dịch bệnh.
Container hàng hóa được xếp tại cảng Hanjin Incheon, Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: AFP/ TTXVN

Cộng tác toàn cầu sẽ có ý nghĩa sống còn đối với cả việc giải quyết cuộc khủng hoảng y tế lẫn hỗ trợ phục hồi kinh tế thông qua ổn định thị trường và khôi phục lòng tin, khởi động lại thương mại quốc tế và tạo điều kiện nối lại các chuỗi cung ứng toàn cầu và đi lại trên thế giới.

Nếu không có hợp tác quốc tế, thế giới sẽ phải đối mặt với tình trạng khẩn cấp về y tế và sự đình trệ về kinh tế kéo dài trên quy mô chưa từng thấy kể từ sau cuộc Đại suy thoái.

Tuy nhiên, trong thế giới bị rạn nứt về địa chính trị hiện nay, hợp tác quốc tế không dễ gì có được. Nước Mỹ, siêu cường số một thế giới, đang phải đối mặt với tình trạng bất ổn sâu sắc ở trong nước, không có mong muốn hợp tác đa phương và đang ở trong tình trạng đối địch địa chiến lược với Trung Quốc - một siêu cường khác của thế giới.

Trung Quốc đang phải đối phó với không chỉ những nỗ lực kiềm chế chiến lược của Mỹ mà còn phải “cài đặt lại” con đường tăng trưởng kinh tế và xây dựng quốc gia của chính mình. Những diễn biến trong nước và địa chiến lược mà cả Trung Quốc và Mỹ đang phải đối phó đều làm hạn chế nghiêm trọng khả năng và ý chí của hai nước trong việc dẫn dắt sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Một điểm khởi đầu mới là hết sức cần thiết. Hợp tác đa phương giữa các quốc gia châu Á có thể đem lại điều đó. Do sức ảnh hưởng và tiềm năng của khu vực này trong nền kinh tế thế giới, các nền kinh tế châu Á ở vị trí trung tâm cho sự phục hồi từ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Bị vướng vào dịch bệnh đầu tiên, các quốc gia châu Á sẽ khởi động lại nền kinh tế sớm hơn. Châu Á có thể giúp dẫn tới lối thoát khỏi đại dịch và là động lực thúc đẩy có ý nghĩa sống còn cho sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Một nhóm chuyên gia châu Á đã công bố chiến lược phục hồi sau COVID-19 của châu Á. Theo đó, chiến lược này kêu gọi Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng 6 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia và New Zealand (ASEAN+6) nhanh chóng phối hợp hành động về tài chính, thương mại, y tế công và an ninh lương thực để vượt qua cuộc khủng hoảng dịch bệnh và tránh tình trạng đình trệ kéo dài.

Nhóm chuyên gia này, được triệu tập bởi Phòng nghiên cứu kinh tế châu Á, đã hối thúc Mỹ và châu Âu cùng ASEAN+6 phối hợp hành động.

Những nền tảng cho việc tăng cường hành động chính sách ở châu Á đã được đặt ra tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN+3 (với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) vào ngày 14/4. Tại đây, các bên đã cam kết phối hợp chính sách về y tế và kinh tế. ASEAN cũng cần hợp tác với các láng giềng chủ chốt của khối – Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hàn Quốc – để đối phó với thách thức mà dịch bệnh gây ra.

Báo cáo đề ra 6 mục tiêu quan trọng cho sự hợp tác chính sách khu vực:

Thứ nhất, các ngân hàng trung ương và các bộ trưởng tài chính trên toàn cầu cần mở rộng những dàn xếp trao đổi tiền tệ song phương và nhất trí về việc ban hành mới Quyền rút vốn đặc biệt nhằm thiết lập một mạng lưới an toàn tài chính khu vực mạnh mẽ hơn. Điều này có thể đồng thời đem lại không gian chính sách kinh tế vĩ mô và sự ổn định tài chính để chống lại khủng hoảng về y tế công và kinh tế ở các nước đang phát triển trong khu vực.

Thứ hai, hỗ trợ việc nghiên cứu, sản xuất và phân phối công bằng các bộ xét nghiệm, vắc-xin và thuốc điều trị trong khu vực châu Á thông qua cam kết tài trợ tập thể cho Tổ chức Y tế Thế giới (WHO); cũng như tìm cách mở rộng Quỹ ứng phó COVID-19 của ASEAN để bao gồm toàn bộ các quốc gia thuộc ASEAN+6.

Thứ ba, duy trì mở cửa các thị trường y tế và lương thực khu vực. Điều thiết yếu là cần trao đổi trang thiết bị và nguồn cung y tế sau khi nhu cầu chủ chốt trong nước được đáp ứng. Việc này đòi hỏi phải có sự cam kết khu vực nhằm giảm bớt những rào cản thương mại đối với hàng hóa và dịch vụ y tế.

Tương tự, an ninh lương thực sẽ phụ thuộc vào việc tiếp cận chia sẻ rủi ro đối với các thị trường quốc tế. Những sáng kiến song phương nhằm duy trì mở cửa thương mại lương thực hiện nay cần phải được tăng cường thành một thỏa thuận khu vực.

Thứ tư, đẩy nhanh việc phát triển các nghị định thư về xác nhận y tế cho nhu cầu đi lại quốc tế, nhằm đảm bảo an toàn việc nối lại theo lộ trình du lịch và thương mại quốc tế, đi lại vì mục đích học tập, trao đổi khoa học và lao động tạm thời. Singapore có vai trò trung tâm trong sự điều phối này.

Thứ năm, nắm lấy cơ hội biến đổi số mà COVID-19 mang lại cho việc quản lý y tế và làm việc từ xa. Châu Á có thể khởi xướng một chương trình nghị sự chủ động cho việc quản lý tập thể cơ sở hạ tầng số, bao gồm sự gắn kết về việc ban hành các văn bản, tiêu chuẩn về quyền riêng tư và chia sẻ dữ liệu.

Điều này đã nằm trong chương trình nghị sự chính sách của Singapore. Biến đổi số có ý nghĩa thiết yếu đối với cách thức làm việc mới, đổi mới sáng tạo trong sản xuất, quản lý chuỗi cung ứng và phân phối hàng hóa và dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ của chính phủ.

Thứ sáu, hoàn tất Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) càng sớm càng tốt nhằm đảm bảo sự thống nhất thương mại trong khu vực.

Việc hoàn tất sớm RCEP với 15 nước thành viên sẽ phát đi một tín hiệu toàn cầu về cam kết của khu vực duy trì thương mại mở, đảm bảo an ninh lương thực và cho phép các thị trường xuyên biên giới hoạt động thông suốt ở khu vực Đông Á.

Châu Á có thể hành động để thực hiện chương trình nghị sự 6 mục tiêu này thông qua ASEAN, ASEAN+3 và ASEAN+6. Chương trình nghị sự này cần có sự tham gia của tất cả các quốc gia thuộc Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS), trong đó có Mỹ, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) và Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).

Chương trình nghị sự này được đưa ra đúng nhịp với nhiều đề xuất cải cách Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF). Sự phối hợp với chương trình nghị sự này thông qua các khuôn khổ khu vực và đa phương sẽ làm giảm bớt xung đột địa chiến lược và gia tăng khả năng tất cả các quốc gia châu Á đóng góp mang tính xây dựng vào sự phục hồi khu vực và toàn cầu./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục