Còn thiếu sót trong đánh giá hiệu quả dự án ODA tại Tp Hồ Chí Minh

14:35' - 22/08/2018
BNEWS UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thiếu sót có nguyên nhân chủ quan và khách quan như thủ tục ký, thuê, nguồn kinh phí để chi trả cho hoạt động thuê tư vấn...
Đại lộ Đông Tây. Ảnh minh họa: Mạnh Linh/TTXVN

Liên quan đến việc triển khai các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi giai đoạn 1993-2017, lãnh đạo UBND Tp. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố còn thiếu sót trong việc thuê tư vấn độc lập để thực hiện các đánh giá tác động của từng dự án khi đã kết thúc, đưa vào sử dụng; trong đó, có những dự án quy mô lớn như Đại lộ Đông Tây, cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ (giai đoạn 1), nâng cấp đô thị thành phố, dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè.

UBND Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, thiếu sót nói trên có nguyên nhân chủ quan và khách quan như thủ tục ký, thuê, nguồn kinh phí để chi trả cho hoạt động thuê tư vấn...

Vì thế thành phố kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư có hướng dẫn cụ thể đối với việc này để thành phố thực hiện tốt hơn các dự án ODA.

Hiện tại, thành phố đang triển khai 13 dự án sử dụng gần 87.000 tỷ đồng vốn ODA. Trong năm 2018, kế hoạch giao vốn gần 6.000 tỷ đồng vốn ODA.

Một số dự án sử dụng vốn ODA đang còn vướng mắc cần các bộ, ngành Trung ương gấp rút hỗ trợ như Tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên), Tuyến metro số 2 (Bến Thành – Tham Lương).

Theo UBND Tp. Hồ Chí Minh, trong quá trình triển khai các dự án ODA đã nảy sinh những bất cập về pháp lý khi khuôn khổ pháp luật về quản lý và sử dụng ODA chưa hài hòa với quy định của nhà tài trợ (hồ sơ dự thầu), dẫn tới mất nhiều thời gian giải trình, giải quyết khi có mâu thuẫn.

Đặc biệt, đối với quy định về đấu thầu đối với hình thức tổng thầu, quy định của Việt Nam về giá gói thầu không bao gồm trượt giá, dự phòng phí hoàn toàn không thể áp dụng phù hợp với hình thức tổng thầu theo quy định của quốc tế.

Trong trường hợp các dự án lớn, có thời gian thực hiện dài thì mâu thuẫn càng lớn hơn, đòi hỏi nhiều công sức giải quyết.

Một số ban quản lý dự án giao việc cho tư vấn nhưng thiếu kiểm tra kỹ hồ sơ hoặc không đủ năng lực chuyên môn, điều chỉnh dự án nhiều lần.

Việc bồi thường giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ triển khai. Việc giải ngân vốn ODA cũng diễn ra chậm dẫn đến phải trả phí cam kết cũng như ảnh hưởng đến khả năng cam kết vốn ODA mới của các nhà tài trợ.

Một số dự án ODA quan trọng đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tại thành phố trong thời gian qua như dự án vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ (giai đoạn 1), Đại lộ Đông Tây, nạo vét luồng Soài Rạp (giai đoạn 2), mở rộng cầu Sài Gòn, tăng công suất Nhà máy nước Thủ Đức, Nhà máy đốt rác y tế…

Nguồn vốn ODA đã bổ sung nguồn vốn quan trọng cho đầu tư phát triển, nhất là cơ sở hạ tầng, đóng góp bình quân từ 10%-20% trong tổng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Một số dự án đã hoàn thành và những dự án quan trọng dù chưa hoàn thành toàn bộ các công trình xây dựng nhưng đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, xoá đói giảm nghèo, giảm ô nhiễm môi trường, thay đổi đáng kể diện mạo đô thị.

Ngoài ra các dự án ODA đã hỗ trợ tăng cường năng lực, chuyển giao tiến bộ khoa học, công nghệ hiện đại và kinh nghiệm quản lý tiên tiến; giúp Việt Nam nói chung và thành phố nói riêng nâng cao trình độ khoa học công nghệ, phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực giao thông đô thị, cung cấp những thiết bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục