Công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019

14:54' - 26/12/2019
BNEWS Theo VCCI, hiện nay những rủi ro từ chính sách đang lớn dần lên và ngang bằng với rủi ro thị trường. Báo cáo pháp luật kinh doanh đem đến góc nhìn để thúc đẩy, kiến nghị, vận động cho sự thay đổi.

Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019.

Ảnh: Ngọc Quỳnh/Bnews-TTXVN

Ngày 26/12 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo công bố Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm 2019.

Khai mạc sự kiện, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc đánh giá cao quy định tại Hiến pháp, đã nhất quán tinh thần tự do kinh doanh của doanh nghiệp khi pháp luật không cấm. Điều này có sự thay đổi rất lớn về tư duy, quan điểm và cách tiếp cận hiện đại để đảm bảo tự do, công bằng hoạt động cho doanh nghiệp.   

Theo ông Lộc, thực tế cho thấy, hiện nay những rủi ro từ chính sách đang lớn dần lên và ngang bằng với rủi ro thị trường. Với báo cáo chảy pháp luật kinh doanh, doanh nghiệp và hiệp hội sẽ có thêm góc nhìn để thúc đẩy, kiến nghị, vận động cho sự thay đổi. Hàng năm, VCCI cũng mong muốn tìm xu hướng chủ đạo, đưa ra những vấn đề để cùng nhau thảo luận, nhận diện những khó khăn, vướng mắc để cùng tháo gỡ. 

Đại diện Nhóm nghiên cứu, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban pháp chế VCCI điểm lại những chính sách pháp luật về kinh doanh cùng những vấn đề pháp lý lớn; tác động chính sách đối với sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp và kể về những "câu chuyện bếp núc" của quá trình làm luật.

Theo ông Tuấn, báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh được VCCI thực hiện hàng năm và qua đó, chỉ rõ những vấn đề chồng chéo, mâu thuẫn của hệ thống pháp luật kinh doanh. Đồng thời, tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp và các hiệp hội để gửi gắm nhiều thông điệp tới các nhà hoạch định chính sách cũng như đánh giá phản hồi của cơ quan soạn thảo.

Báo cáo dòng chảy pháp luật kinh doanh năm nay đưa ra những đề xuất tới các cơ quan quản lý Nhà nước để tiến hành đơn giản hóa, sửa đổi hoặc điều chỉnh. Trên tiến trình ấy, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư đang trong giai đoạn tiếp thu ý kiến để sửa đổi, bổ sung....

Ông Tuấn cho biết, qua nghiên cứu, năm 2019, số lượng văn bản quy phạm pháp luật được ban hành giảm, tuy nhiên công việc không vì thế mà nhẹ nhàng hay đơn giản hơn. Pháp luật kinh doanh được xây dựng cần đảm bảo nhất quán tinh thần tự do kinh doanh của doanh nghiệp, chuyển từ chọn cho sang chọn bỏ, phải bảo đảm cạnh tranh và hạn chế độc quyền.

Qua thực tiễn cho thấy, hệ thống văn bản pháp luật kinh doanh vẫn thể hiện sự can thiệp thái quá của Nhà nước như đối với lĩnh vực chăn nuôi, trồng lúa...; Nhà nước vẫn can thiệp vào việc phân bổ nguồn lực và cơ hội kinh doanh trong khi điều này nên là để thị trường tự quyết định.

Để giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc, Nhà nước vẫn sử dụng giải pháp hành chính thay vì thị trường như việc cho vay tiêu dùng, kinh doanh xăng dầu, vận tải thủy nội địa hay ví điện tử. Vẫn còn nhiều thủ tục hành chính không đạt chuẩn và việc kiểm soát giấy phép con, điều kiện kinh doanh mới vẫn còn nhiều bất cập....

Ở vai trò cơ quan nghiên cứu, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế cho hay, không hiểu vì lý do gì mà hoạt động bãi bỏ, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh của các bộ trong năm 2019 lại trầm lắng hơn hẳn. Năm 2018, Nghị quyết 02 yêu cầu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% tổng số điều kiện kinh doanh thuộc phạm vi quản lý của mỗi bộ. Nhưng, đến tháng 11/2019 mới chỉ có 2 bộ đề nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định liên quan tới điều kiện kinh doanh của Bộ Công Thương và Bộ Y tế.

Như vậy, có thể thấy, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh năm nay lại phục thuộc vào các bộ. Rõ ràng, vẫn còn nhiều không gian cải cách, còn nhiều dư địa cho hoạt động cắt giảm các điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp....

Trước những vấn đề đã nêu, đại diện VCCI, ông Đậu Anh Tuấn đề xuất tiếp tục bãi bỏ 12 ngành nghề, sửa đổi 19 ngành nghề, bổ sung 6 ngành nghề và cấm hoàn toàn việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bên cạnh đó, các bộ, ngành cần tiếp tục rà soát tổng thể hệ thống pháp luật kinh doanh để xác định những điểm chồng chéo và tiến hành sửa đổi, bổ sung. Các cơ quan có vai trò "gác cửa" phải thể hiện được vai trò của mình trong quá trình kiểm soát về tính hệ thồng của văn bản trong quy trình xây dựng văn bản pháp luật ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục