Đề xuất các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh, minh bạch

11:47' - 28/10/2019
BNEWS Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, CIEM đề xuất, cải cách trước hết phải từ tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương.

Đề xuất các giải pháp nhằm tạo môi trường kinh doanh, minh bạch. Ảnh: Thúy Hiền/BNEWS/TTXVN

Sáng 28/10, tại Hà Nội, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM ) tổ chức hội thảo "Môi trường kinh doanh Việt Nam 2016-2019 qua xếp hạng Doing Bussiness: Kết quả và một số gợi ý cải cách".

Hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về những vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp trong thực hiện các quy định, thủ tục liên quan tới hoạt động sản xuất, kinh doanh như: khởi sự kinh doanh, cấp phép xây dựng, đăng ký tài sản, tiếp cận điện năng, thuế và bảo hiểm xã hội…

Phát biểu tại hội thảo, T.S Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã rất nỗ lực trong cải cách môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, chúng ta vẫn chưa có những nội dung chưa nhất quán và định hướng rõ ràng trong cải thiện môi trường kinh doanh.

Do đó, thông qua hội thảo này, chúng ta cần có những đề xuất, kiến nghị các giải pháp tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhằm tạo môi trường kinh doanh, minh bạch, giảm chi phí, giảm rủi ro và tạo niềm tin cho doanh nghiệp; qua đó cải thiện chất lượng và thứ hạng về môi trường kinh doanh của Việt Nam trên các bảng xếp hạng thế giới.

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh, CIEM cho biết, trong 2 năm gần đây, điểm số tiếp tục được cải thiện, nhưng chậm; thứ hạng mỗi năm giảm 1 bậc. Cải cách được ghi nhận tích cực nhất vào năm 2017.

Cụ thể, theo báo cáo của CIEM, kết quả cải thiện điểm số và thứ hạng năng lực cạnh tranh thể hiện sự nỗ lực liên tục trong những năm gần đây của Chính phủ.

Theo đó, cắt giảm ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cắt giảm và đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, thay đổi phương thức quản lý công nghệ trong một số lĩnh vực, áp dụng giao dịch điện tử trong thực hiện các thủ tục hành chính và thanh toán không dùng tiền mặt và cải cách thanh tra, kiểm tra đã được cải thiện đáng kể…

Sau 4 năm, tiếp cận điện năng tăng 69 bậc; nộp thuế và bảo hiểm xã hội tăng 58 bậc; tiếp cận tín dụng tăng 7 bậc, khởi sự kinh doanh tăng 6 bậc…

Mặc dù, cải thiện môi trường kinh doanh đã đạt được những kết quả nhất định, nhưng bà Thảo cũng cho biết, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều rào cản. Điều kiện kinh doanh vẫn là trở ngại lớn nhất; có xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý Nhà nước, gây khó khăn hơn cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, quản lý, kiểm tra chuyên ngành chậm cải cách; thậm chí, có những văn bản mới được ban hành đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ, hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.

Có tình trạng một số bộ, ngành “khai thác” yêu cầu về mặt quản lý mặt hàng theo mã HS để mở rộng thêm đối tượng quản lý; thanh tra, kiểm tra vẫn là nỗi lo đối với doanh nghiệp; chi phí không chính thức còn phổ biến ở hầu hết các lĩnh vực.

Ngoài ra, cùng một quy định chính sách, nhưng cách thức thực thi khác nhau. Có tình trạng tùy tiện trong áp dụng pháp luật và phần thu luôn thuộc về doanh nghiệp.

Để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, CIEM đề xuất, cải cách trước hết phải từ tư duy quản lý của các bộ, ngành, địa phương. Do đó, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, mạnh mẽ và thực chất.

“Rút ngắn thời gian, giảm chi phí cho doanh nghiệp thông qua thực thi dịch vụ công trực tuyến một cách thực chất, tránh hô hào, hình thức”, bà Thảo nhấn mạnh.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng cho rằng, thủ tục hải quan đã cải thiện nhưng ngành hải quan cần làm tốt hơn kiểm tra chuyên ngành; đồng thời, cần nâng cao hiệu quả cổng thông tin một cửa quốc gia và cần đặt niềm tin của doanh nghiệp vào hệ thống tư pháp…

“Cần cải cách về thể chế, chính sách, thủ tục hành chính; thực hiện công khai minh bạch các thủ tục hành chính thuế, hỗ trợ người nộp thuế; tăng cường chấn chỉnh và giám sát việc thực thi công vụ của cán bộ thuế; đồng thời, phối hợp với các đơn vị có liên quan để thực hiện cải cách thủ tục hành chính thuế”, bà Hoàng Thị Lan Anh, Phó Vụ trưởng, Phó Trưởng ban cải cách và hiện đại hóa, Tổng cục thuế cho biết./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục