Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN

16:45' - 18/12/2019
BNEWS Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.737,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.

Ông Nguyễn Anh Tuấn-Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Chiều 18/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức họp báo "Công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và kế hoạch cung cấp điện quốc gia năm 2020".

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục điều tiết Điện lực (Bộ Công Thương), tổng chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN là 332.284 tỷ đồng bao gồm chi phí sản xuất kinh doanh điện của các khâu phát điện, truyền tải điện, phân phối - bán lẻ điện và phụ trợ - quản lý ngành. Giá thành sản xuất kinh doanh điện năm 2018 là 1.727,41 đồng/kWh, tăng 3,58% so với năm 2017.

Cùng với đó, sản lượng điện thương phẩm thực hiện năm 2018 là 192,36 tỷ kWh/giờ, tăng 10,14% so với năm 2017.

Doanh thu bán điện năm 2018 là 332.983 tỷ đồng, tăng 14,84% so với năm 2017. Giá bán điện thương phẩm bình quân thực hiện năm 2018 là 1.737,04 đồng/kWh, tăng 4,3% so với năm 2017.

Như vậy, trong năm 2018, EVN lãi 698,7 tỷ đồng, tương ứng mức lợi nhuận sau thuế đạt 0,47% trên vốn chủ sở hữu. Số lãi này đã giảm mạnh so với năm trước đó.

Năm 2017, tổng cộng hoạt động sản xuất kinh doanh điện và các hoạt động liên quan đến hoạt động điện, EVN lãi 2.792,08 tỷ đồng (không tính tới thu nhập từ sản xuất khác).

Ông Nguyễn Anh Tuấn chỉ ra nguyên nhân mức lãi năm 2018 giảm do chi phí phát điện của EVN đã tăng mạnh so với năm 2017. Cụ thể, lượng nước về các hồ thủy điện hụt 12 tỷ m3 khiến huy động từ nguồn khác như: dầu, than, tua bin khí... tăng cao.

Ngoài ra, giá nhập khẩu than, dầu, khí... cũng tăng mạnh. Giá than tăng trên 20%, giá dầu tăng 20-22% (tùy loại). Trong khi đó, tỷ giá USD cũng tăng 1,37% so với năm 2017 ảnh hưởng tới chi phí sản xuất của nhiều nhà máy điện trên cả nước.

Đặc biệt, các dữ liệu về chi phí sản xuất điện 2018 được công bố bởi đoàn kiểm tra của Bộ Công Thương với đại diện nhiều cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội; Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Điện lực, Hội Bảo vệ người tiêu dùng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Toàn cảnh buổi họp báo công bố kết quả kiểm tra chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2018 của EVN. Ảnh: Uyên Hương/BNEWS/TTXVN

Ông Nguyễn Anh Tuấn dự báo, năm 2020 sản lượng điện sản xuất và mua toàn quốc theo phương án cơ sở là 261,456 tỷ kWh, tăng 9,1% so với năm 2019.

Theo đó, dựa vào phương án đã được phê duyệt, việc cung cấp điện cho sản xuất và sinh hoạt năm 2020 cơ bản được đảm bảo.

Dù vậy, năm 2020 là năm xuất hiện nhiều yếu tố bất lợi, gây khó khăn trong cung cấp điện; trong đó nguyên nhân chủ yếu là do tình hình thủy văn không thuận lợi, cực đoan và một số công trình điện chậm tiến độ vào vận hành,…

Hơn nữa, trong điều kiện tình hình hạn hán xuất hiện ở nhiều khu vực từ năm 2019 sang năm 2020, Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về điều tiết các hồ chứa thủy điện, đảm bảo sử dụng hiệu quả, tiết kiệm nhất nguồn nước, tập trung vào các giải pháp cơ bản như chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đầu tư hệ thống bơm tưới hiệu quả và các địa phương cần chủ động thực hiện các giải pháp tích nước để giảm sự phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ thủy điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh: Trong năm tới, các nguồn nhiệt điện than, thủy điện và nguồn nhiệt điện tuabin khí vẫn đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia năm 2020.

Chính vì vậy, tổng công suất các nguồn điện mới dự kiến vào vận hành trong năm 2020 khoảng 4.300MW; trong đó sẽ có gần 2.000MW điện gió và mặt trời mới vào vận hành; các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời, điện sinh khối) cung cấp khoảng 10,868 tỷ kWh, tương đương 4,16% tổng nhu cầu điện.

Ngoài ra, để đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội, dự kiến phải huy động tới 3,397 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu giá thành cao.

Riêng mùa khô năm 2020 (tập trung vào các tháng 3,4,5,6) dự kiến phải huy động khoảng 3,153 tỷ kWh từ nguồn điện chạy dầu do tình hình thủy văn không thuận lợi và việc phải vận hành phát điện các nhà máy thủy điện lớn (Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà) phục vụ đổ ải trong tháng 1-2/2020 sẽ không đảm bảo khả năng huy động cao các nhà máy này trong các tháng cao điểm mùa khô.

Mặt khác, lượng điện huy động từ nguồn điện chạy dầu sẽ tăng thêm nếu xảy ra những tình huống cực đoan như: lượng nước về các hồ thủy điện tiếp tục thấp hơn mức tần suất 65%, phụ tải tăng cao đột biến hoặc có sự cố kéo dài tại các nhà máy nhiệt điện than và tuabin khí.

Vì thế, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ đầu tư, xây dựng và đưa vào vận hành các công trình lưới điện truyền tải trọng điểm, nhất là các công trình truyền tải điện cho miền Nam, giải tỏa công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (gió và mặt trời) và các nguồn thủy điện nhỏ khu vực Tây Bắc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục