Công bố kết quả nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”

11:59' - 28/03/2022
BNEWS Vẫn còn khá nhiều hạn chế, thách thức trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam, từ xác định cụ thể, rõ ràng nội hàm nền kinh tế thị trường phù hợp với bối cảnh mới...

Sáng 28/3, trong khuôn khổ Chương trình Cải cách kinh tế vĩ mô/ Tăng trưởng xanh do Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ – một doanh nghiệp liên bang hoạt động vì cộng đồng, hỗ trợ Chính phủ Đức nhằm đạt được các mục tiêu hợp tác quốc tế vì sự phát triển bền vững, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu về “Hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam”. 

Phát biểu khai mạc, TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho biết, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp, nền kinh tế thị trường đã từng bước được hình thành và phát triển ở Việt Nam.

Đổi mới tư duy, nhận thức về kinh tế thị trường là điểm nhấn quan trọng, tạo nền tảng xây dựng và hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam. Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của nhà nước và mối quan hệ giữa nhà nước, thị trường và xã hội đã được điều chỉnh phù hợp hơn với cơ chế thị trường.

Cùng với đó, các yếu tố nền tảng cho sự vận hành của cơ chế thị trường đã hình thành và ngày càng thể hiện rõ, đặc biệt hệ thống pháp luật kinh tế đã được hình thành và ngày càng hoàn thiện; quyền tự do kinh doanh của người dân, doanh nghiệp được đảm bảo; các loại thị trường, đặc biệt các thị trường nhân tố sản xuất đã hình thành và phát triển.

Mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế là chất xúc tác quan trọng để Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi, phát triển và hoàn thiện nền kinh tế thị trường thời gian qua.

Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam “là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; có thể chế quản lý hiện đại, cạnh tranh, hiệu lực, hiệu quả; kinh tế phát triển năng động, nhanh và bền vững, độc lập, tự chủ trên cơ sở khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo gắn với nâng cao hiệu quả trong hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế… Phấn đấu đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.

“Để đạt được mục tiêu đề ra đòi hỏi Việt Nam phải có những cải cách mạnh mẽ, sâu rộng để chuyển đổi thực chất nền kinh tế sang nền kinh tế thị trường đầy đủ hơn, có trách nhiệm xã hội và môi trường”, TS. Minh nhấn mạnh.

Hơn 35 năm đổi mới nền kinh tế Việt Nam theo hướng thị trường đã mang lại nhiều kết quả quan trọng. Bộ máy quản lý nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Môi trường kinh doanh được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh và làm giàu chính đáng. Quy mô nền kinh tế được mở rộng, chất lượng tăng trưởng được cải thiện.

Việt Nam từ một nước nghèo, kém phát triển đã trở thành nước đang phát triển và tham gia nhóm nước có thu nhập trung bình thấp từ năm 2008; từ nước nhập siêu đã trở thành nước xuất siêu…

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều hạn chế, thách thức trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường Việt Nam, từ xác định cụ thể, rõ ràng nội hàm nền kinh tế thị trường phù hợp với điều kiện, bối cảnh mới đến giải quyết mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường, vấn đề sở hữu và quyền tài sản, phát triển các thị trường nền tảng, nhất là thị trường đất đai, cải cách doanh nghiệp nhà nước và phát triển các khu vực ngoài nhà nước và các vấn đề xã hội, môi trường và sinh thái.

Để tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, TS. Nguyễn Thị Luyến, Phó Trưởng ban, Ban Nghiên cứu cải cách và phát triển doanh nghiệp, CIEM cho biết, báo cáo đã chỉ ra cần tiếp tục đổi mới tư duy và định hình rõ hơn về mô hình nền kinh tế thị trường ở Việt Nam, làm rõ các nội hàm cốt yếu và mối quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường và định hướng xã hội chủ nghĩa.

Bên cạnh đó, tập trung giải quyết tốt mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội, cải cách sở hữu và phát triển các lực lượng sản xuất, đặc biệt kinh tế tư nhân; tập trung phát triển các thị trường nhân tố sản xuất để huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Cùng với đó là đảm bảo cạnh tranh công bằng và có trật tự; đảm bảo các vấn đề về an sinh xã hội, môi trường và sinh thái; đồng thời, xây dựng và hoàn thiện mô hình nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam không phải là tạo ra một mô hình kinh tế thị trường hoàn toàn mới, mà là sử dụng các ưu thế của kinh tế thị trường như một công cụ để phát triển.

“Định hướng xã hội chủ nghĩa thể hiện vai trò của Nhà nước trong định hướng để các chủ thể kinh tế thị trường vận động theo hướng đạt được các mục tiêu phát triển, không chỉ mục tiêu kinh tế mà bao hàm các mục tiêu xã hội, môi trường, sinh thái, không chỉ cho thế hệ hiện tại mà còn hướng đến thế hệ tương lai”, nghiên cứu của CIEM khuyến nghị.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận các nội dung như: những đổi mới nền tảng trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường ở Việt Nam từ Đổi mới đến nay; nhận diện những hạn chế, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm qua hơn 35 năm chuyển đổi nền kinh tế ở Việt Nam; những thách thức chủ yếu trong quá trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam; đồng thời, bàn các nội dung về quan điểm, định hướng nội dung trọng tâm cải cách và lộ trình tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường ở Việt Nam…/.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục