Công bố quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

13:40' - 18/02/2024
BNEWS Ngày 18/2, UBND tỉnh Hà Giang tổ chức hội nghị công bố quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo quy hoạch này, mục tiêu đến năm 2030, tỉnh Hà Giang sẽ là tỉnh phát triển khá, toàn diện và bền vững trong vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ.

 

Kinh tế phát triển xanh và năng động, nhanh và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh chuyển đổi số; ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.

Không gian kinh tế - xã hội của tỉnh cũng được tổ chức, phát triển hài hòa, hợp lý gắn với đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; bảo đảm về môi trường, sinh thái.

Tỉnh sẽ hình thành hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, an toàn; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa các dân tộc; phát triển văn hóa, y tế, giáo dục, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho nhân dân...

Hà Giang phấn đấu đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt khoảng 8%/năm. Về cơ cấu kinh tế, nông, lâm nghiệp - thủy sản chiếm khoảng 22 - 23%; công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 29%; dịch vụ chiếm khoảng 43 - 44%.

Tổng sản phẩm bình quân đầu người đạt khoảng 95 triệu đồng. Về văn hóa - xã hội, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn tỉnh đạt trên 75%. Tỷ lệ giảm nghèo đa chiều hàng năm bình quân đạt 4%/năm.

Tầm nhìn phát triển đến năm 2050, Hà Giang phấn đấu là tỉnh phát triển trung bình khá của cả nước, theo hướng xanh, bản sắc, bền vững và toàn diện; giữ vị trí quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ về phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại biên giới, du lịch và bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các đột phá phát triển của tỉnh Hà Giang từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 là phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là hạ tầng giao thông, hạ tầng đô thị, hạ tầng thương mại cửa khẩu, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, hạ tầng số.

Tỉnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển kinh tế nông nghiệp đặc trưng, giá trị gia tăng cao theo chuỗi giá trị; nâng cao hiệu quả hoạt động kinh tế cửa khẩu.

Đồng thời, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường đào tạo nghề cho người lao động phục vụ nhu cầu phát triển các ngành, lĩnh vực chủ lực của tỉnh; thu hút và đào tạo có trọng tâm, trọng điểm nhân lực chất lượng cao.

Cùng với đó, Hà Giang tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số với ba trụ cột: Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh…

Ngành nông nghiệp của Hà Giang sẽ phát triển đặc trưng, theo chuỗi giá trị hàng hóa chất lượng cao; phát triển lâm nghiệp bền vững, phát triển rừng gắn với phát triển du lịch sinh thái tại các khu bảo tồn thiên nhiên, gắn với xây dựng chuỗi giá trị lâm sản, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo vệ môi trường.

Tỉnh cũng xây dựng thương hiệu du lịch Hà Giang là điểm đến an toàn, hấp dẫn, đặc sắc; xây dựng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Cao nguyên đá Đồng Văn trở thành khu du lịch quốc gia. Đặc biệt, xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã cùng các đồng chí lãnh đạo Thường trực Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Hà Giang trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 8 nhà đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư gần 1.000 tỷ đồng, góp phần xây dựng Hà Giang ngày càng giàu mạnh, văn minh.

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Mặc dù, quy hoạch tỉnh Hà Giang đã được phê duyệt nhưng chặng đường trước mắt để triển khai thực hiện quy hoạch còn rất nhiều thách thức.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị, tỉnh Hà Giang cần bám sát các chỉ đạo, điều hành của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm triển khai thực hiện kịp thời, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp của tỉnh về phát triển trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Đồng thời, tăng cường hợp tác, liên kết phát triển kinh tế với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Hồng.

Cùng với đó, tỉnh nghiên cứu, xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách đột phá; ưu tiên đầu tư các dự án động lực, trọng điểm có tác động trực tiếp đến mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, có tính lan tỏa lớn. Bên cạnh đó, khẩn trương xây dựng Kế hoạch thực hiện quy hoạch, xác định nội dung trọng tâm, tiến độ và nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án trong quy hoạch...

Nhân dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Văn Sơn trao tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho 14 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác lập quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục