Công cụ nào hỗ trợ doanh nghiệp liêm chính trong kinh doanh?

18:39' - 09/05/2022
BNEWS Doanh nghiệp cần hành động gì để tự bảo vệ mình trước rủi ro tham nhũng? Doanh nghiệp đối phó với tham nhũng như thế nào? Ai có thể đồng hành cùng doanh nghiệp phòng ngừa tham nhũng?...

Bà Đinh Thị Bích Xuân, Phó Giám đốc Văn phòng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, hiện đã có bộ công cụ hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ phòng ngừa tham nhũng, gìn giữ sự liêm chính trong kinh doanh. Đó là danh sách các câu hỏi giúp cung cấp thông tin để doanh nghiệp trả lời.

 

Cụ thể như: Tại sao doanh nghiệp cần phòng, ngừa tham nhũng? Doanh nghiệp cần tự chuẩn bị những gì khi tham gia thị trường quốc tế? Doanh nghiệp cần hành động gì để tự bảo vệ mình trước rủi ro tham nhũng? Doanh nghiệp đối phó với tham nhũng như thế nào? Ai có thể đồng hành cùng doanh nghiệp phòng ngừa tham nhũng?...

Doanh nghiệp cũng có thể tham khảo cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử để tăng cường quản trị công ty tốt hơn. Qua đó, đề cao các giá trị cốt lõi mà doanh nghiệp đã tuyên bố, như quy định về quà tặng, tiếp khách... Việc lưu giữ và cập nhật sổ sách cũng cần phải rõ ràng, như ghi chép các quyết định về đóng góp từ thiện hoặc việc xử lý các yêu cầu hối lộ hoặc các xung đột lợi ích.

Doanh nghiệp cần phải đảm bảo rằng mọi người trong doanh nghiệp hoặc các đối tác kinh doanh được giới thiệu/truyền thông đầy đủ và rõ ràng về các nguyên tắc/chính sách của doanh nghiệp, như việc tuyên truyền và đào tạo và không chấp nhận việc không biết.

Doanh nghiệp cần thường xuyên rà soát và cập nhật chương trình/chính sách/quy định mới; đồng thời, tuân thủ các nguyên tắc kinh doanh/chính sách/quy định đề ra kể cả khi việc đó trở nên khó khăn, như không chấp nhận các khoản “bôi trơn"/chi phí không chính thức....

Hiện tại VCCI đã có hướng dẫn online áp dụng cơ chế kiểm soát nội bộ và bộ quy tắc ứng xử trong kinh doanh trên website https://kdlc.vn/. Trên đây cũng có nhiều thông tin về Bộ chỉ số kinh doanh liêm chính Việt Nam (VBII) nhằm giúp các doanh nghiệp xác định rõ các vấn đề liên quan đến liêm chính; đo lường và giám sát sự tuân thủ.

Đồng thời, giúp phát triển các chương trình và giải pháp hiệu quả cho doanh nghiệp, thúc đẩy việc công bố thông tin, các thực tiễn kinh doanh tốt. Qua đó, đạt được sự đồng thuận trong tổ chức khi xây dựng văn hóa liêm chính, xây dựng danh tiếng và gia tăng sự tăng trưởng, bà Xuân nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia phân tích, kinh doanh liêm chính là việc kinh doanh một cách công bằng, trung thực và công khai. Không đưa và nhận hối lộ dưới mọi hình thức nhằm đạt lợi thế trong kinh doanh.

Từ chối làm ăn với những đối tác mà không chấp nhận các giá trị kinh doanh cốt lõi của doanh nghiệp và/hoặc những đối tác có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp....

Để tuân thủ những nguyên tắc này không hề dễ dàng, nhất là trong bối cảnh, các doanh nghiệp Việt Nam ngày càng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu và họ thường phải đối mặt với các rủi ro như gian lận, hối lộ trong các giao dịch kinh doanh.

Đại dịch COVID-19 có xu hướng gây rủi ro đáng kể cho các hành vi vi phạm đạo đức, gây tác động tiêu cực, tạo rào cản đối với doanh nghiệp để theo đuổi kinh doanh liêm chính và duy trì sự thành công. Tham nhũng cũng tạo ra những rủi ro lớn cho doanh nghiệp khởi nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục