Vực dậy công nghiệp đóng tàu Dung Quất

11:47' - 08/05/2022
BNEWS Những ngày đầu khi Vinashine bàn giao sang PVN, DQS hoạt động không có hiệu quả. Nhiều thời điểm dứt việc, buộc phải cho người lao động nghỉ không lương một thời gian.

Kể từ khi Vinashine bàn giao Công ty Công nghiệp Tàu thuỷ Dung Quất (gọi tắt là DQS) - đơn vị chủ quản của nhà máy đóng tàu Dung Quất sang Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) vào tháng 7/2010 để thực hiện chủ trương tái cơ cấu, DQS đã phải tìm hướng bứt phá để tự mình vực dậy hoạt động sản xuất, kinh doanh và dần có chỗ đứng.

Dẫn chúng tôi đi dạo một vòng quanh nhà máy đóng tàu Dung Quất, ông Nguyễn Anh Minh, Tổng giám đốc DQS hồ hởi khoe, nơi đây đã sôi động, nhộn nhịp trở lại. Công nhân làm việc không ngớt tay, ai nấy đều rất phấn khởi.

 

Ông kể thêm, những ngày đầu khi Vinashine bàn giao sang PVN, DQS hoạt động không có hiệu quả. Nhiều thời điểm dứt việc, buộc phải cho người lao động nghỉ không lương một thời gian; số khác không chịu nổi cũng bỏ đi nơi khác tìm việc. Cụ thể, từ con số từ 1.600 - 1.700 công nhân, đến nay chỉ còn khoảng 700 cán bộ, công nhân viên.

Chỉ đến năm 2016, DQS mới dần đi vào ổn định, cơ bản thu xếp đủ lượng công việc cho đội ngũ này và đây được xem là thời khắc quan trọng đối với DQS.

Từ chỗ chỉ sửa chữa, đóng mới các phương tiện cho PVN và các đơn vị thành viên, DQS đã bứt phá, giảm bớt sự phụ thuộc, mở rộng mạng lưới khách hàng. Chính vì thế, các chủ tàu trong nước (bên ngoài PVN) và các chủ tàu ngoài nước như Hàn Quốc, Hi Lạp, Đức, Hà Lan, Hàn Quốc… đều tin tưởng, ngỏ ý hợp tác và có đơn đặt hàng liên tục.

Theo thống kê, từ năm 2016 đến nay, DQS đã đóng mới được 3 tàu, hoán cải được 1 tàu và sửa chữa bình quân từ 40 - 50 tàu mỗi năm. Tổng doanh thu đạt từ 2.000 - 2.500 tỷ đồng. Mức lương bình quân mà DQS chi trả cho người lao động cải thiện lên tới 9,8 triệu đồng/người/tháng.

So với mặt bằng chung thu nhập tại địa bàn Khu kinh tế Dung Quất, huyện Bình Sơn thì thuộc vào mức tương đối khá. "Phải nói rằng, những con số trên thật quá ấn tượng, như "quả ngọt" đền đáp cho nỗ lực không ngừng nghỉ của DQS"- ông Minh chia sẻ.

Cũng theo ông Minh, qua nghiên cứu dựa trên tình hình thực tế ở Việt Nam, trong suốt 10 năm qua, không có con tàu nào trên 100.000 tấn được đóng mới. Đó là tín hiệu không mấy khởi sắc cho ngành công nghiệp đóng tàu.

Vì vậy, DQS đã xoay trục từ đóng mới qua chuyên sửa chữa để hướng tới hoạt động lâu dài, bền vững. Đồng thời, chú trọng hợp tác với một số đối tác uy tín, vị thế hàng đầu khu vực để đầu tư hạng mục cầu tàu trang trí số 2 với tổng số tiền 1.200 tỷ đồng phục vụ cho việc sửa chữa và làm bến cảng thương mại; đầu tư hoàn thiện ụ nổi số 2 thành nơi phá dỡ tàu biển với tổng vốn 140 tỷ đồng.

Ngoài ra, DQS còn kiểm soát chặt các loại chi phí, cắt giảm các loại chi phí phân bổ gián tiếp và các loại chi phí sản xuất trực tiếp… nhằm giảm giá thành thi công, giá thành sản phẩm dịch vụ, tăng tính cạnh tranh. Chỉ tính riêng 3 tháng đầu năm 2022, DQS đã tiết giảm được 2,4 tỷ đồng.

Đối với nợ 7.000 tỷ đồng mà DQS đang "gánh" của Vinashine, ông Nguyễn Anh Minh cho biết, hiện giờ phía ngân hàng vẫn đang tính các khoản lãi cho DQS và DQS mong muốn ngân hàng khoanh, giãn nợ hoặc có phương án xóa công nợ này./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục