Công khai dự án bất động sản thế chấp để bảo vệ khách hàng

21:14' - 29/07/2016
BNEWS Ngày 29/7, tại Tp. Hồ Chí Minh đã diễn cuộc họp thông tin về danh sách 77 dự án bất động sản thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai.

Ngày 29/7, tại cuộc họp thông tin về danh sách 77 dự án bất động sản thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai mà Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh công bố vừa qua, ông Phạm Ngọc Liên, Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai thành phố cho biết, đây là lần đầu tiên Sở Tài nguyên và Môi trường công bố và thực hiện theo chỉ đạo của UBND Tp. Hồ Chí Minh nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do thiếu thông tin của người tham gia giao dịch bất động sản.

Đây là chủ trương đúng, căn cứ vào quy định hiện hành; trong đó có Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở và cần thiết để minh bạch hóa thị trường bất động sản.

Ngoài ra, việc công bố danh sách nhằm cảnh báo chủ đầu tư và cả khách hàng thế chấp phải rút bớt tài sản thế chấp khi bán căn hộ nhất là phải rút giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tải sản gắn liền với đất chung của cả dự án để làm thủ tục cấp chủ quyền cho những khách hàng mua căn hộ thành phần, tránh tình trạng bán căn hộ đã thế chấp 2 lần như từng xảy ra tại Tp. Hồ Chí Minh.

Mặt khác, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng khuyến khích chủ đầu tư giải chấp dự án thế chấp trong quá trình giao dịch (giải chấp hết, xóa thế chấp từng phần hoặc đổi tài sản thế chấp).

Ông Phạm Ngọc Liên cho biết thêm, UBND Tp. Hồ Chí Minh đã giao Sở Xây dựng thành lập Tổ công tác do Sở Xây dựng làm Tổ trưởng để chủ trì, phối hợp với các thành viên rà soát tổng thể các dự án đầu tư xây dựng nhà ở trên địa bàn (cơ sở pháp lý, thế chấp dự án, tiến độ…).

Ngoài ra, Tổ công tác sẽ làm việc trực tiếp với chủ đầu tư về tình hình thực hiện dự án, những vi phạm trong quá trình xây dựng như vi phạm quy hoạch (xây vượt tầng, chuyển tầng kỹ thuật thành căn hộ để bán…), đề nghị chủ đầu tư, ngân hàng và cả khách hàng đối thoại tìm tiếng nói chung, tránh các tranh chấp phát sinh về sau.

Sắp tới, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ xin chủ trương UBND thành phố việc định kỳ công bố danh sách thế chấp dự án (có thể 2 - 3 tháng/lần), kể cả dự án nhà ở vướng mắc làm thủ tục cấp chủ quyền cho người mua.

Sở cũng đang đề nghị Cục thi hành án dân sự thành phố không được kê biên toàn bộ dự án mà chỉ kê biên những phần tranh chấp để cơ quan chức năng tiến hành thủ tục cấp chủ quyền cho những căn hộ đủ điều kiện, không có tranh chấp.

Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Tp. Hồ Chí Minh công bố danh sách 77 dự án thế chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai; trong đó có nhiều doanh nghiệp được xem là đại gia ngành bất động sản.

Ngoài ra, đáng lưu ý còn có nhiều doanh nghiệp kinh doanh ngành may, du lịch, xây dựng giao thông… cũng đầu tư kinh doanh nhà đất.

Thời gian qua, mặc dù thị trường bất động sản phục hồi, phát triển nhưng thiếu bền vững, thiếu minh bạch, đa số chủ đầu tư vay ngân hàng làm dự án nên đẩy giá thành về phía người mua (bù lãi suất vay).

Nhiều tranh chấp phát sinh giữa khách hàng và chủ đầu tư về thủ tục làm chủ quyền, thời hạn giao nhà, bán căn hộ thế chấp… đã ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục