Công nghệ cao mở hướng đi mới cho hợp tác xã

10:00' - 14/02/2021
BNEWS Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo, ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo chuỗi giá trị là con đường tất yếu mà các hợp tác xã đã và đang tiếp tục triển khai.

Tuy nhiên, để thực hiện tốt việc này, các hợp tác xã phải thắt chặt liên kết để cùng phát triển.

Nhằm hỗ trợ cho các hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Bảo cho biết, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục đề xuất các chính sách hỗ trợ về khoa học công nghệ, các chính sách hỗ trợ về cơ sở vật chất như nhà lưới, nhà màng, hệ thống tưới tự động, tuyên truyền vận động các hợp tác xã từng bước thay đổi mẫu mã, chất lượng sản phẩm cũng như bao bì, nhãn mác.

Đồng thời, tích cực làm việc với các doanh nghiệp, siêu thị, các thành viên liên kết nhằm hỗ trợ tốt nhất cho việc tiêu thụ nông sản.

Thời gian qua, nhờ ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, các sản phẩm của các hợp tác xã làm ra có chất lượng tốt, mẫu mã bắt mắt, đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nên bán được nhiều vào hệ thống siêu thị và xuất khẩu ra nước ngoài.

Dù mới trong những tháng đầu năm nhưng nhiều hợp tác xã đã triển khai ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất để nâng cao giá trị nông sản, mở rộng thị trường tiêu thụ, từng bước khắc phục những khó khăn gặp phải do ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19.

Ông Trần Xuân Đăng - Giám đốc Hợp tác xã công nghệ cao Trí Yên (Yên Dũng, Bắc Giang) chia sẻ, nhờ ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc sản xuất và bán hàng nên dù dịch bệnh COVID-19 kéo dài vẫn không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Hơn nữa, việc ứng dụng công nghệ cao cho thấy hiệu quả rõ rệt, sản lượng nông sản cao gấp từ 3 - 5 lần so với sản xuất thông thường. Sản phẩm cũng dễ dàng được các siêu thị và nhất là người tiêu dùng chấp nhận.

Thời gian tới, hợp tác xã sẽ mở rộng, đầu tư và trồng thử nghiệm một số sản phẩm như dưa lê siêu ngọt, dưa lưới ruột xanh, dưa trứng khủng long và dưa trứng sữa Hàn Quốc…qua ứng dụng công nghệ cao để nâng cao hiệu quả.

Theo ông Đỗ Quốc Huy - Giám đốc kinh doanh Saigon Co.op cho biết, thời gian qua, nhiều hợp tác xã đã chú trọng đến việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã hàng hóa, qua đó đã thu hút được sự quan tâm của Saigon Co.op.

Chỉ tính trong năm 2020, Saigon Co.op đã ký thỏa thuận hợp tác mua bán hàng hóa với 36 hợp tác xã trên toàn quốc, doanh số mua hàng đạt khoảng 200 tỷ đồng để đưa vào 850 điểm bán hàng; trong đó riêng siêu thị Co.op Mart là 120 điểm tại 47 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, 200 tỷ đồng là con số còn khá khiêm tốn so với tổng số kinh phí hơn 35 nghìn tỷ đồng mà Saigon Co.op đã mua các mặt hàng để đưa vào chuỗi siêu thị của đơn vị.

Dự kiến trong năm 2021 và những năm tiếp theo, ngoài việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, sản xuất hữu cơ, các  cần kết nối và xây dựng đầu mối thu mua là Liên minh Hợp tác xã địa phương.

Theo số liệu của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, cả nước hiện có 26.040 hợp tác xã; trong đó có 1.292 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất, 3.220 hợp tác xã sản xuất gắn với chuỗi giá trị.

Đáng lưu ý, nhiều loại hình, mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng nông thôn mới, tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

Trước những kết quả đạt được về phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã , nhất là việc các hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm và liên kết bao tiêu nông sản, tại Nghị quyết Đại hội Liên minh Hợp tác xã Việt Nam lần thứ VI mới đây đã đặt mục tiêu phát triển cao trong giai đoạn 2021-2025.

Bởi vậy, trung bình mỗi năm, cả nước xây dựng từ 300-500 mô hình hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao, sản xuất gắn với chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực quốc gia, vùng, địa phương./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục