Công nghệ - “cửa thoát hiểm” của doanh nghiệp trong thời COVID-19

11:09' - 16/04/2020
BNEWS Các doanh nghiệp trên toàn cầu hiện đang phải đối mặt với những thách thức chưa từng có trong lịch sử do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gây ra.

Đứng trước lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại ở nhiều nước trên thế giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19, giới doanh nghiệp đang nỗ lực chuyển đổi cách thức hoạt động với sự hỗ trợ của những công nghệ tiên tiến để có thể tồn tại và phát triển.

*Từ hội nghị truyền hình

Mặc dù thư điện tử vẫn đang được sử dụng phổ biến như một trong những phương tiện thông tin liên lạc cơ bản trong thế giới hiện đại ngày nay, song các doanh nghiệp hiện đang dựa vào công nghệ hội nghị truyền hình để trao đổi thông tin và phối hợp công việc một cách hiệu quả trước sự bùng phát của dịch COVID-19.

Hội nghị truyền hình đã nhanh chóng trở thành một phương thức thông tin liên lạc tiêu chuẩn với chất lượng âm thanh và hình ảnh được cải thiện mạnh mẽ, tốc độ kết nối cao hơn trong khi chi phí công nghệ tiếp tục giảm.

Công nghệ truyền hình được sử dụng ở khắp nơi - từ việc thay thế các hội nghị, hội thảo có sự tham gia trực tiếp của con người như trước đây đến kết nối các lao động làm việc ở những địa điểm khác nhau như văn phòng, tại nhà… - đang mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp. Công nghệ cung cấp một giải pháp thay thế cho việc đi lại khá tốn kém và cải thiện năng suất lao động và kinh nghiệm phối hợp trong công việc.

Một cuộc khảo sát ý kiến của các lãnh đạo doanh nghiệp công bố mới đây cho thấy hơn 75% số nhà quản lý doanh nghiệp đang sử dụng công nghệ hội nghị truyền hình trong công việc và 56% trong số đó cho biết họ tham gia hội nghị truyền hình ít nhất 1 lần/tuần.

Hội nghị truyền hình tiếp tục trở nên phổ biến hơn khi công nghệ phát triển với màn hình lớn hơn và phần mềm hợp tác trực tuyến giúp sự hợp tác trên thực tế trở nên hiệu quả hơn.

Một “dòng thác” các công nghệ khác nhau như trí tuệ nhân tạo (AI), Vạn vật kết nối Internet (IoT)… đã có một ảnh hưởng mang tính đột phá đối với sự chấp nhận các giải pháp hội nghị truyền hình. Các công ty công nghệ như Apple, Google và Microsoft đang sử dụng rộng rãi công nghệ truyền hình để đạt được những bước tiến trong nghiên cứu và xây dựng công thức sản phẩm.

Những lợi thế của hội nghị truyền hình cùng với sự tích hợp của AI trong các giải pháp này đang nhận được sự quan tâm và công nhận của hầu hết doanh nghiệp. Xu hướng này đã trở nên rõ nét hơn với nhu cầu gia tăng của thị trường truyền thông hợp nhất và cộng tác (UCC), dự kiến sẽ vượt 60 tỷ USD vào năm 2025.

Những ví dụ khác cho thấy sự hợp nhất của những tiến bộ công nghệ liên quan tới lĩnh vực này là việc các công ty công nghệ hàng đầu thế giới như Google, Apple và Microsoft giới thiệu các phần mềm nhắn tin và đàm thoại trực tuyến như Hangout, FaceTime và Skype – đều được tích hợp những tính năng nhận dạng cử chỉ của con người.

Nhận thấy sự phát triển của thị trường hội nghị truyền hình và hội thảo trực tuyến, các công ty công nghệ lớn đã đầu tư mạnh mẽ để thu nhỏ các thiết bị được tích hợp và sử dụng cho lĩnh vực này nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều khiển và di chuyển. Máy tính bảng, điện thoại thông minh, máy tính xách tay hiện đã được kết hợp với phần mềm hội thảo trực tuyến chính thức.

Sự phổ biến của công nghệ máy tính đám mây cũng mang lại nhiều thay đổi đối với xu hướng phát triển của công nghệ hội nghị truyền hình.

Chẳng hạn, một trong những nhà cung cấp dịch vụ hội nghị truyền hình Videxio (Na Uy) thực hiện thỏa thuận sáp nhập với nền tảng công nghệ hội thảo Pexip để đáp ứng nhu cầu gia tăng đối với dịch vụ hội nghị truyền hình dựa trên công nghệ máy tính đám mây.

Sự phổ dụng ngày một tăng của máy tính đám mây là một trong những yếu tố quan trọng nhất khuyến khích các doanh nghiệp chấp nhận hợp tác để cung cấp các dịch vụ hội nghị truyền hình có chất lượng cao.

*Đến các cửa hàng trực tuyến

Theo ông Esther Ho, Giám đốc của trường quản lý kinh doanh Nanyang Polytechnic, doanh số của các cửa hàng truyền thống đang chịu ảnh hưởng bất lợi lớn nhất của dịch COVID-19 khiến các nhà bán lẻ phải nghiên cứu kế hoạch chuyển sang kinh doanh trực tuyến.

Iuiga và Awfully Chocolate là hai trong số những doanh nghiệp thành công khi chuyển hướng kinh doanh trực tuyến với doanh số tăng mạnh, bù đắp cho kết quả hoạt động yếu kém của các cửa hàng truyền thống do dịch COVID-19.

Hầu hết nhà bán lẻ nổi tiếng đã bắt đầu tham gia lĩnh vực thương mại điện tử trong khoảng một thập niên qua như một phần chiến lược kinh doanh với hình thức hoạt động như một cửa hàng trực tuyến có thương hiệu riêng hay là một phần của thị trường trực tuyến hiện có của họ như eBay, Amazon, Lazada và Qoo10.

Tuy vậy, ngày càng có nhiều doanh nghiệp tận dụng việc người tiêu dùng chuyển hướng sang mua sắm trực tuyến để tránh mắc COVID-19 để triển khai mô hình kinh doanh trực tuyến, giúp duy trì việc tiếp cận các khách hàng ngay cả trong giai đoạn lệnh phong tỏa và hạn chế đi lại được áp dụng do dịch bệnh bùng phát hiện nay.

Các nhà bán lẻ đã cho thấy cách thức giảm thiểu thiệt hại doanh số tại các cửa hàng truyền thống bằng cách chuyển sang hoạt động kinh doanh trực tuyến. Các trung tâm mua sắm cũng có thể áp dụng giải pháp này để tiếp tục cung cấp hàng hóa và dịch vụ tới tay người tiêu dùng.

Việc thay đổi chiến lược “từ ngoại tuyến sang trực tuyến” (O2O) không chỉ giúp bổ sung kênh phân phối hàng hóa mà còn giúp các nhà bán lẻ cũng như trung tâm thương mại bù đắp doanh số sụt giảm tại các cửa hàng, trung tâm mua sắm truyền thống.

Thương mại điện tử đã tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây và dự kiến sẽ còn phát triển hơn nữa trong thời gian tới. Cùng với đó, hệ sinh thái thương mại điện tử cũng tăng trưởng nhanh nhờ những công nghệ hiện đại trong hoạt động thanh toán điện tử cũng như sự chấp nhận rộng rãi việc sử dụng thẻ tín dụng trong thương mại điện tử của các nhà kinh doanh.

Business Insider Intelligence dự đoán doanh thu thương mại toàn cầu sẽ tăng từ mức 3.100 tỷ USD năm 2018 lên 5.800 tỷ USD năm 2024. Cùng với sự gia tăng của hoạt động thương mại điện tử, Business Insider Intelligence ước tính doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến sẽ tăng từ mức 82 tỷ USD năm 2018 lên 138 tỷ USD năm 2024./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục