Công nghệ giúp vải lai Phù Cừ tăng giá trị gấp nhiều lần

16:44' - 30/06/2017
BNEWS Vụ vải năm nay, do khắc phục được tình trạng sâu đục quả, người dân Phù Cừ bội thu lớn với sản lượng và giá bán tăng gấp hơn 2 lần nên giá trị thu được tăng gấp 4 lần.

Đây là kết quả từ đề tài "Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp khoa học công nghệ quản lý tổng hợp sâu đục quả vải lai chín sớm" do Viện bảo vệ thực vật (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ Hưng Yên triển khai tại huyện Phù Cừ.

Ban Chủ nhiệm đề tài đã xây dựng mô hình quản lý tổng hợp (IPM) sâu đục quả vải lai chín sớm tại các xã Minh Tiến và Tam Đa. Đến nay đã thu thập được 600 mẫu sâu đục quả và xác định được bệnh gây hại chính là Conopomorpha sinensis và ruồi đục quả Bactrocera dorsalis.

Các loại sâu bệnh này thường gây hại từ khi quả non mới đậu đến lúc quả chín. Đồng thời, nghiên cứu đặc điểm sinh học, sinh thái, quy luật phát sinh gây hại và tập tính hoạt động của loài sâu đục quả.

Quá trình nghiên cứu cũng đã xác định được các loại thuốc phòng trừ sâu đục quả đạt hiệu quả cao là, thuốc thảo mộc Bitadin WP, thuốc hóa học Secsaigon 25EC kết hợp thuốc Vitarko và tiến hành phun thử nghiệm chế phẩm sinh học Anisaf SH01.

Cùng với đó, đề tài cũng đã xác định thời điểm phun sau khi trưởng thành vũ hóa rộ và phun toàn bộ cây trong vườn cho hiệu lực trừ sâu đục quả vải đạt hiệu quả cao nhất.

Trên cơ sở nghiên cứu, đề tài đã xây dựng mô hình quản lý tổng hợp (IPM) sâu đục quả vải lai chín sớm và chuyển giao quy trình cho các hộ nông dân. Nếu những năm trước tỷ lệ sâu đục quả từ 30 - 50%, không những làm giảm chất lượng quả vải mà còn giảm cả năng suất nên hiệu quả không cao thì năm nay tỷ lệ chỉ còn 15%.

Theo ông Nguyễn Đình Quyết, thôn Phù Oanh xã Minh Tiến là hộ được chọn tham gia nghiên cứu mô hình trên cho hay: Trước đây do không xác định rõ loại sâu bệnh gây hại nên vừa tốn thuốc bảo vệ thực vật, vừa tốn công sức mà sâu bệnh vẫn phát triển, quả chưa chín đã héo.

Đáng lo hơn là có tới 50% số quả bị sâu đầu. Năm nay, sau khi được áp dụng các quy trình kỹ thuật từ đề tài trên, lượng quả bị sâu đục chỉ còn dưới 10%.

Nhờ vậy, người trồng vải thu lợi kép vì không bị sâu hại nên sản lượng quả tươi tăng gấp 2 lần, kéo theo giá bán cũng cao gấp gần 2 lần năm trước nên mỗi sào trồng vải cho lãi trên 10 triệu đồng, tăng gấp hơn 3 lần các năm trước.

Tiến sỹ Nguyễn Thị Thủy, Viện Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay đề tài đã thực hiện được 60% khối lượng công việc.

Các bước tiếp theo sẽ tiếp tục nghiên cứu biện pháp canh tác phòng trừ sâu đục quả, thu thập và xác định thành phần, đánh giá tác hại và diễn biến mật độ của sâu bệnh, nghiên cứu đặc điểm sinh học ở các điều kiện khác nhau.

Mặt khác, tiến hành nghiên cứu thí nghiệm phòng trừ bằng phương pháp thủ công gồm 3 công thức. Các thí nghiệm được bố trí theo khối ngẫu nhiên đầy đủ, mỗi công thức 3 cây với 3 lần nhắc lại và trên cùng một khu vườn có điều kiện đất đai tương đối đồng nhất, cùng một điều kiện chăm sóc./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục