Công nghiệp 4.0 - cơ hội mới cho ngành dệt may Việt Nam

20:32' - 23/05/2017
BNEWS Công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức lớn với ngành dệt may Việt Nam bởi đây là ngành sử dụng nhiều lao động ở mức độ đào tạo đơn giản.
Công nghiệp 4.0 sẽ là thách thức lớn với ngành dệt may Việt Nam. Ảnh: TTXVN

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 hay còn gọi là cách mạng công nghiệp lần thứ tư là trào lưu mới đang xuất hiện trên thế giới, đặc biệt đây là cuộc cách mạng công nghiệp áp dụng các ứng dụng tự động hóa, công nghệ thông tin với 3 trụ cột: Internet cho vạn vật (IoT), big data (dữ liệu lớn) và trí tuệ nhân tạo.

Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường cho biết, với ngành dệt may Việt Nam ( DMVN ) -ngành sử dụng nhiều lao động ở mức độ đào tạo đơn giản, đương nhiên áp lực mà cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ trở thành thách thức tương đối lớn.

Tuy nhiên , cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 cũng tạo ra những cơ hội mới cho ngành. Từ trước đến nay, các quốc gia đang phát triển, các quốc gia có đông lực lượng lao động đều coi các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, thủy sản… là những ngành để tạo việc làm nhưng cũng luôn luôn cho rằng đây là những ngành tạo ra giá trị thấp, thu nhập thấp.

Với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nếu được áp dụng một cách sâu rộng, nhanh chóng thì năng suất lao động trên đầu người sẽ có sự cải thiện rất nhanh. Việc này khác với việc tăng năng suất thông thường qua sự chuyển đổi đời máy, nâng tốc độ như đã diễn ra trong suốt hơn 2 thập niên qua.

Lần này với việc áp dụng tự động hóa, robot và sử dụng các dữ liệu lớn thì khả năng tăng năng suất sẽ trở thành cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng như bình thường.

Vì thế những ngành vẫn bị đánh giá là thu nhập thấp sẽ có khả năng cải thiện rất nhanh thu nhập, giúp thu nhập của người lao động tiệm cận, tương đương với các ngành khác. Đây cũng chính là cơ hội lớn để ngành tiếp tục thu hút được lượng lớn các lao động, phát triển bền vững hơn, tránh được tình trạng biến động lao động.

Từ góc độ của doanh nghiệp, ông Lê Tiến Trường cho rằng, Chính phủ cần quan tâm đến những ngành sử dụng nhiều lao động và đang phải đứng trước những thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, để từ đó có những khuyến khích về chính sách cho doanh nghiệp để đầu tư công nghệ hiện đại.

Ví dụ như miễn giảm thuế thu nhập doanh nghiệp của giai đoạn trước nếu doanh nghiệp đem lợi nhuận này để tái đầu tư vào khu vực có trình độ công nghệ cao trong ngành, xét hoàn lại thuế thu nhập doanh nghiệp đã nộp những năm trước để doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ cao, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. /. 

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục