COP28: Các ngân hàng lớn chưa đề cập đến dừng cấp vốn cho nhiên liệu hóa thạch

08:03' - 04/12/2023
BNEWS Cho đến nay, Ngân hàng Đầu tư châu Âu là ngân hàng duy nhất trong nhóm này ký “Tuyên bố Glasgow” và cam kết dừng cấp vốn vay cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.
Theo một tài liệu mà hãng tin Reuters có được, mười trong số các ngân hàng phát triển hàng đầu thế giới đã cam kết sẽ đẩy nhanh những nỗ lực khí hậu của mình tại Hội nghị lần thứ 28 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28), nhưng lại không nói gì về việc ngừng cấp vốn cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.

Trong thông báo dự kiến sẽ được đưa ra tạo Hội nghị COP28 ở Dubai, nhóm ngân hàng nói trên, trong đó có Ngân hàng Thế giới (WB) và các ngân hàng phát triển khu vực, cho rằng cánh cửa cơ hội đảm bảo một hành tinh đáng sống đáng “khép lại một cách nhanh chóng”.

 
Những lời kêu gọi thay đổi cách mà các ngân hàng đang vận hành để ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu đã gia tăng trước những sự kiện thời tiết cực đoan. Dù nhóm ngân hàng này đã giải ngân lượng vốn cao kỷ lục là 61 tỷ USD trong năm 2022, nhưng đây là chỉ là một phần nhỏ trong số vốn cần thiết.

Trong bối cảnh lượng khí thải toàn cầu đang gia tăng và dù Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres mới đây đã nói với các nhà lãnh đạo thế giới rằng chấm dứt nhiên liệu hóa thạch là cách duy nhất để cứu hành tinh, nhưng thông báo của nhóm ngân hàng nói trên lại không đề cập trực tiếp đến vấn đề này. Cho đến nay, Ngân hàng Đầu tư châu Âu là ngân hàng duy nhất trong nhóm này ký “Tuyên bố Glasgow” và cam kết dừng cấp vốn vay cho các dự án nhiên liệu hóa thạch.

Về kế hoạch sắp tới, nhóm ngân hàng này cho biết dự định sẽ nhất trí một phương pháp theo dõi và báo cáo chung về tác động khí hậu, và sẽ nhân rộng việc sử dụng các công cụ phân tích để giúp các nước xác định các ưu tiên và cơ hội đầu tư.

Nhóm này cũng cam kết sẽ giúp các nước lập ra các nền tảng để khuyến khích sự phối hợp các biện pháp hỗ trợ, trong đó có những hỗ trợ về cải cách chính sách, tài chính và hỗ trợ kỹ thuật.

Để thu hút nhiều vốn tư nhân hơn, nhóm trên cho biết sẽ xem xét các hoạt động như loại bỏ các khoản trợ cấp quá mức và phát triển hệ thống các dự án xanh.

Các ngân hàng trên dự định sẽ gia tăng nguồn vốn để giúp các nước ứng phó với những tác động của biến đổi khí hậu, thông qua những biện pháp như tăng cường hỗ trợ quản lý nguy cơ thảm họa, chuẩn bị ứng phó với thảm họa và xây dựng năng lực./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục