COP28: Kêu gọi đồng thuận toàn cầu về việc loại bỏ nhiên liệu hóa thạch

06:30' - 11/12/2023
BNEWS Các nhà đàm phán đại diện gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang cố gắng đạt được một thỏa thuận nhằm duy trì mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Bộ trưởng Biến đổi khí hậu Vanuatu, ông Ralph Regenvanu, đã bày tỏ lo ngại việc một số ít quốc gia đang cản trở nỗ lực đạt được đồng thuận về loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc (LHQ) về biến đổi khí hậu (COP28) diễn ra ở Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Trả lời phỏng vấn của báo giới, Bộ trưởng Regenvanu đánh giá COP28 đang bước vào "giai đoạn quan trọng" khi đa số quốc gia tham dự hội nghị muốn loại bỏ nhiên liệu hóa thạch để hướng đến mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 1,5 độ C.

Tuy nhiên, ông cho rằng một số ít quốc gia đang cản trở tiến trình đồng thuận. Quan chức Vanuatu kêu gọi các quốc gia này thay đổi quan điểm trước khi COP28 kết thúc ngày họp cuối cùng vào ngày 12/12 tới.

Các nhà đàm phán đại diện gần 200 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới đang cố gắng đạt được một thỏa thuận nhằm duy trì mức tăng nhiệt toàn cầu dưới 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp.

Ngày 9/12, Chủ tịch COP28, ông Sultan Al Jaber, hối thúc các nước đẩy nhanh nỗ lực nhằm đạt được thỏa thuận cuối cùng. Ông cho rằng đã đến lúc các nước cần gác lại lợi ích riêng và thúc đẩy lợi ích chung, qua đó thể hiện sự linh hoạt tối đa để đạt được sự đồng thuận.

Các cuộc thảo luận tại COP28 đang "nóng lên" vấn đề tương lai của nhiên liệu hóa thạch. Ít nhất 80 quốc gia đã lên tiếng yêu cầu một thỏa thuận về việc chấm dứt sử dụng nhiên liệu hóa thạch.

Tuy nhiên, một số quốc gia khác phản đối đưa cam kết loại bỏ nhiên liệu hóa thạch vào thỏa thuận tại COP28. Giới quan sát hội nghị cho biết Saudi Arabia và Nga cho rằng trọng tâm của COP28 chỉ tập trung vào việc giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính, mà không đề cập đến nguyên nhân do nhiên liệu hóa thạch gây ra.  

Các đảo quốc ở Thái Bình Dương nằm ở vị trí thấp như Vanuatu đã và đang phải hứng chịu tác động của tình trạng biến đổi khí hậu.

Hồi năm 2015, một nửa dân số Vanuatu bị ảnh hưởng khi bão Pam tàn phá thủ đô Port Vila khiến hơn 10 người thiệt mạng, phá hủy mùa màng và hàng nghìn người mất nhà cửa.

Theo Báo cáo Rủi ro Toàn  cầu thường niên, Vanuatu là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương nhất do thiên tai như động đất, bão, lũ lụt và sóng thần.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục