COVAX thừa nhận những bất cập trong việc điều phối vaccine ngừa COVID-19

21:59' - 08/09/2021
BNEWS Ngày 8/9, giới chức điều hành COVAX - cơ chế tếp cận toàn cầu với vaccine ngừa COVID-19 thừa nhận chỉ có thể cung cấp vaccine cho tối đa 20% số người dân sống tại các nước nghèo trong năm nay.

Theo COVAX, cơ chế này hiện đã hạ đáng kể số lượng vaccine có thể tiếp cận được trong năm nay – chỉ khoảng 1,425 tỷ liều vaccine, trong khi mục tiêu đặt ra là cung cấp cho các nước nghèo 2 tỷ liều vaccine ngừa COVID-19 vào cuối năm 2021.

Cơ chế COVAX - do Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Liên minh vaccine Gavi và Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) đồng chỉ đạo – cho biết 1,2 tỷ liều vaccine trong năm nay sẽ được sử dụng cho chương trình mang tên Cam kết Thị trường tiên tiến (AMC) của COVAX nhằm cung cấp vaccine miễn phí cho 92 quốc gia nghèo nhất thế giới. 

Tuyên bố của COVAX nêu rõ: “Con số này đủ để bảo vệ 20% dân số, hoặc 40% tổng số người trưởng thành, ở tất cả 92 nền kinh tế AMC, ngoại trừ Ấn Độ”.

Các đối tác của COVAX thường xuyên phản đối sự mất cân bằng nghiêm trọng trong khả năng tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 giữa các nước giàu và nghèo. COVAX nhấn mạnh: “Bức tranh toàn cầu về việc tiếp cận vaccine ngừa COVID-19 là không thể chấp nhận được”. Theo COVAX, mới chỉ có 20% số người dân ở các nước thu nhập thấp và trung bình đã nhận được mũi tiêm đầu tiên, trong khi tỷ lệ này ở các nước giàu có là 80%.

Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) – đơn vị chịu trách nhiệm hậu cần của COVAX, cho biết cho đến nay cơ chế này mới chỉ phân phối được khoảng 243 triệu liều vaccine cho 139 quốc gia nghèo trên thế giới. Tuy nhiên, phạm vi tiếp cận này đang được mở rộng.

Phát biểu với báo giới, Giám đốc điều hành GAVI – ông Seth Berkley nhấn mạnh: "Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã nhận được vaccine theo cơ chế COVAX. Đây mới chỉ là bước khởi đầu. Chúng tôi dự kiến sẽ có thêm 1,1 tỷ liều vaccine để có thể phân phối từ nay đến cuối năm".

Ban đầu, Viện Huyết thanh của Ấn Độ - nơi sản xuất vaccine của hãng AstraZeneca – được cho là “xương sống” của chuỗi cung ứng theo cơ chế COVAX. Tuy nhiên, sau đó Ấn Độ đã buộc phải hạn chế xuất khẩu vaccine để ứng phó với làn sóng dịch bệnh trong nước. 

Sau những trục trặc trong vấn đề giao vận này, COVAX ngày càng  phụ thuộc vào lượng vaccine mà các quốc gia giàu có tặng lại sau khi đã có thừa vaccine để sử dụng trong nước.

Tuyên bố của COVAX cho biết: "Hiện khả năng của COVAX bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trên thế giới tiếp tục bị ảnh hưởng do các lệnh cấm xuất khẩu, ưu tiên các thỏa thuận song phương của các nhà sản xuất và quốc gia, những thách thức liên tục phát sinh trong việc mở rộng sản xuất của một số nhà sản xuất chính và sự chậm trễ trong việc nộp đơn xin phê duyệt theo quy định”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục