COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số

19:41' - 20/05/2020
BNEWS Chiều 20/5, Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với UPGen Vietnam tổ chức tọa đàm “Kinh tế nền tảng trong chiến lược chuyển đổi số của Việt Nam”.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đánh giá, dịch COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong khu vực và trên thế giới. Với Việt Nam, đây được coi là cơ hội để các công ty, doanh nghiệp nhận ra tính ưu việt của kinh tế số và yêu cầu cấp bách hơn nữa của quá trình chuyển đổi số.

Thực tế, trong thời gian giãn cách xã hội, các mô hình kinh doanh trên nền tảng số đang dần chiếm lĩnh và lấn át các mô hình truyền thống.

Báo cáo về nền kinh tế số tại Đông Nam Á của Google, Tamesek và Bain & Company năm 2019 chỉ ra rằng, kinh tế số của Việt Nam và Indonesia đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á với khoảng 38% và dự kiến có thể đạt mục tiêu 43 tỷ USD vào năm 2025.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ái Việt, nguyên Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội, chuyển đổi số là chuyển đổi phương thức sản xuất mới, dựa trên nền tảng khoa học, kỹ thuật. Theo đó, kinh tế nền tảng số là lõi của chuyển đổi số, có vai trò quan trọng trong chiến lược chuyển đổi số.

Trong kinh tế nền tảng số, các dữ liệu sẽ được số hóa thông qua hạ tầng số gồm: hạ tầng mềm (con người), hạ tầng cứng (tầng kết nối, hạ tầng thiết bị, hạ tầng dữ liệu, hạ tầng ứng dụng), từ đó tạo ra giá trị kinh tế mới.

Đơn cử trên thị trường, nhiều công ty, doanh nghiệp có xu hướng chuyển sang hình thức kỹ thuật số thông qua các nền tảng. Các mô hình như kinh doanh thông qua nền tàng số như: Ahamove (logistic), Momo (dịch vụ ví điện tử), Tiki (bán lẻ)… đang ngày càng phổ biến tại Việt Nam.

Nói về Momo, ông Trường Bomi – Cựu Giám đốc dịch vụ ví điện tử Momo cho biết, việc này là do công ty đã xử lý tốt nguồn dữ liệu khách hàng thông qua hệ thống mã hóa, phân loại nhu cầu của khách hàng. Từ đó, đưa tối ưu hóa lợi ích của khách hàng cũng như nâng cao giá trị của các chương trình.

Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế nền tảng số trong chiến lược chuyển đổi số hiện còn hạn chế. Ông Nguyễn Ái Việt cho rằng, việc này phụ thuộc vào các yếu tố pháp lý, tâm lý cũng như văn hóa. Hiện, Việt Nam chưa có đủ cơ sở pháp lý cho các mô hình kinh doanh trên nền tảng số, cũng như các công ty, doanh nghiệp còn yếu về năng lực công nghệ, tư duy kinh doanh cũng như vận hành trên nền tảng số.

Với ý kiến, bảo mật thông tin là rào cản trong chuyển đổi số nói chung và phát triển kinh tế nền tảng số nói riêng. Về phía VEPR, Cố vấn trưởng Nguyễn Đức Thành cho rằng, bảo mật thông tin không phải là rào cản mà ngược lại đó chính là cốt lõi trong việc thúc đẩy phát triển.

Việc Việt Nam bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để thúc đẩy sự sáng tạo hay nói cách khác, bảo mật thông tin là đảm bảo thông tin được bảo vệ, quyền lợi của người dùng được bảo đảm trên nền tảng số.

Để phát triển kinh tế nền tảng số, các chuyên gia cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm xậy dựng hệ thống khung pháp luật, tạo ra quyền thực thi nền tảng kinh tế số. Ngoài ra, trong công cuộc phát triển kinh tế theo nền tảng số, cơ sở dữ liệu số là cốt lõi quan trọng mà ở đó, Nhà nước phải là chủ thể trong việc tạo cơ sở để chia sẻ dữ liệu thông tin.

Ông Nguyễn Ái Việt đề xuất, Nhà nước nên xem xét  có cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty, doanh nghiệp trong nước để phát triển hạ tầng số, tạo nền tảng cho việc phát triển kinh tế nền tảng số, song cũng phải lưu ý có sự cạnh tranh lành mạnh, tuân thủ pháp luật để việc chuyển đổi số hiệu quả, bền vững”./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục