COVID-19 – “Phép thử” cho lĩnh vực bán lẻ tại Mỹ

14:18' - 18/03/2020
BNEWS Cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 dự kiến làm giảm lợi nhuận của ngành bán lẻ, song cũng có thể thúc đẩy xu hướng mua hàng trực tuyến của người dân khi ngày càng nhiều cửa hàng buộc phải tạm đóng cửa.

Sự bùng phát của dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã trở thành “thuốc thử” cho một loạt các nhà bán lẻ tại Mỹ, khi “thiên đường tiêu dùng” này đã trở nên vắng lặng hơn do người dân tự cách ly hoặc tránh tới những nơi đông người do lo ngại dịch bệnh lây lan.

Nhìn chung, cuộc khủng hoảng do dịch COVID-19 dự kiến sẽ làm giảm lợi nhuận của ngành bán lẻ, song cũng có thể thúc đẩy xu hướng mua hàng trực tuyến của người dân khi ngày càng nhiều cửa hàng buộc phải tạm đóng cửa.

Điều này sẽ càng khiến sự chuyển dịch trong ngành bán lẻ, vốn đã bắt đầu từ trước cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, càng diễn ra nhanh hơn.

Trong một lưu ý gửi tới các nhà đầu tư ngày 17/3, ông Mickey Chadha, một quản lý cấp cao của cơ quan xếp hạng tín nhiệm Moody’s, cho biết những bảng cân đối kế toán yếu hơn cùng áp lực gia tăng về tiền ký quỹ sẽ tiếp tục đẩy các nhà bán lẻ nhỏ hơn xuống dưới cuối bảng xếp hạng tín nhiệm và gần hơn với mức vỡ nợ.

Theo chuyên gia trên, tình hình sẽ càng trở nên trầm trọng hơn với những tác động mạnh do dịch COVID-19 gây ra. Có một sự phân chia rõ rệt giữa những công ty có khả năng vượt qua môi trường kinh doanh đầy thách thức và những công ty không thể.

Hôm 17/3 nhiều nhà bán lẻ lớn tại Mỹ bao gồm Macy’s, Crate & Barrel và cửa hàng cao cấp của Saks Fifth Avenue đã phải thông báo tạm đóng cửa.

Một số nhà phân tích lưu ý rằng trong số những công ty thông báo tạm đóng các cửa hàng có một nhóm bao gồm các thương hiệu lớn như Apple, Nike và Lululemon.

Như trong trường hợp của Apple, “Trái táo khuyết” hồi ngày 1/2 đã đóng cửa tất cả các cửa hàng Trung Quốc để đối phó với sự lây lan của dịch COVID-19.

Nhưng vào cuối tuần trước, hãng đã mở lại tất cả các cửa hàng của hãng ở nước này, trong khi thông báo sẽ đóng cửa hàng ở các nước khác cho đến ngày 27/3.

Theo Apple, quyến định mới nhất này nhằm hạn chế sự lây lan của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 ở châu Âu và khu vực Bắc Mỹ.

Một số chuỗi cửa hàng khác vẫn mở, nhưng họ đang đẩy mạnh việc dọn dẹp các nhà vệ sinh cùng những khu vực nhiều người thường qua lại để đối phó với dịch bệnh.

Như Trung tâm thương mại Westchester, một trung tâm mua sắm cao cấp cách Manhattan khoảng 45 phút, đã cắt giảm giờ hoạt động nhưng vẫn mở cửa tính đến chiều 17/3.

Trong bối cảnh các nhà bán lẻ truyền thống chật vật đối phó với sự bùng phát của dịch COVID-19, giới chuyên gia nhận định dịch bệnh này chắc chắn sẽ thúc đẩy tăng trưởng doanh số bán hàng trực tuyến.

Trong thông báo đưa ra vào ngày 16/3, “đại gia” thương mại điện tử Amazon cho biết họ có kế hoạch thuê 100.000 nhân viên hoạt động tại các kho để đáp ứng nhu cầu tăng cao của khách hàng.

Tuy nhiên, giới phân tích cũng cảnh báo rằng các mạng lưới phân phối và vận chuyển hàng hóa thương mại điện tử sẽ không tránh được hoàn toàn những thách thức từ dịch bệnh.

Ông Neil Saunders, Giám đốc của công ty theo dõi thị trường bán lẻ GlobalData Retail, cho biết tất cả mọi lĩnh  vực của nền kinh tế và chuỗi cung ứng đều dễ bị tổn thương, bao gồm cả các công ty giao và đặt hàng trực tuyến.

Nếu chuỗi cung ứng bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch COVID-19, điều đó có thể đồng nghĩa với hoạt động giao hàng sẽ bị chậm trễ.

Chuyên gia Saunders cũng dự báo nhu cầu chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ sẽ yếu trên gần như mọi lĩnh vực. Ông đã viện dẫn tình trạng bán tháo trên thị trường chứng khoán trong thời gian gần đây và đưa ra nhận định rằng người tiêu dùng không còn nhiều hứng khởi cho việc mua sắm như trước./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục