CPMB hoàn thành nhiều dự án trọng điểm

08:21' - 10/01/2017
BNEWS Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) cho biết, trong năm 2016, đơn vị đã hoàn thành đóng điện 10 dự án theo kế hoạch giao.
Đường dây 220kV Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới. Ảnh: TTXVN

Đó là các công trình trọng điểm: Nâng công suất trạm biến áp (TBA) 500kV Sơn La; đóng điện giai đoạn 1 TBA 500kV Pleiku 2; mở rộng ngăn lộ đường dây tại trạm 500kV Quảng Ninh và trạm 500kV Hiệp Hòa; đóng điện các đường dây 220kV: Vũng Áng-Ba Đồn-Đồng Hới,  Xêkaman 1 (Hatxan)-Pleiku 2; Phan Thiết-Phú Mỹ 2 (giai đoạn 1); TBA 220kV Bảo Lâm....

Riêng lưới điện 220kV đấu nối Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông do vướng cắt điện đấu nối và tiến độ hoàn thành dự án nhà máy này chậm đến năm 2018 tiến độ đóng điện dự án sẽ lùi thời gian đóng điện vào Quý I/2017.

Cũng trong năm 2016, CPMB đã hoàn thành khởi công 10 dự án theo kế hoạch, còn 5 dự án chưa khởi công được như đường dây 220kV Bắc Giang-Lạng Sơn và TBA 220kV Lạng Sơn do chuyển đổi nguồn vốn nên các thủ tục phải hoàn chỉnh lại theo quy định nên dự kiến sẽ khởi công trong Quý I này.

Còn 3 dự án đường dây 220kV Bình Long-Tây Ninh, đường dây 220kV Nha Trang-Tháp Chàm và TBA 220kV Quang Châu hiện nay chưa phê duyệt thiết kế khả thi. Dự án lại vay vốn ODA nên thủ tục chuẩn bị đầu tư và đấu thầu bị kéo dài. Vì vậy, Ban đang tập trung hoàn chỉnh thủ tục để khởi công trong Quý II/2017.

Theo CPMB, hết thúc năm 2016, tổng nguồn vốn đầu tư thực hiện là 2.435,1 tỷ đồng, đạt 100,28% so với kế hoạch giao; Giải ngân 2.393,7 tỷ đồng, đạt 98,58% so với kế hoạch.

Giá trị còn lại giải ngân không đạt chủ yếu liên quan đến tạm ứng 5 dự án vay vốn ODA do chưa hoàn chỉnh thủ tục để khởi công theo kế hoạch.

Đáng chú ý trong công tác đấu thầu, xét thầu các dự án đầu tư xây dựng, CPMB đã tuân thủ chặt chẽ các nội dung quy định trong Luật Đấu thầu của Chính phủ và các quy định của ngành, đã mang lại hiệu quả thiết thực, lựa chọn được các Nhà thầu xây lắp và cung cấp vật tư thiết bị có năng lực với giá cả hợp lý, tính cạnh tranh cao, tiết kiệm được khoảng 368,64 tỷ đồng.

Mở rộng ngăn lộ đường dây tại trạm 500kV Quảng Ninh. Ảnh: TTXVN

Cụ thể, CPMB đã tổ chức thành công 172 gói thầu thuộc các dự án TBA 500kV Pleiku 2, Lắp máy biến áp 500/220kV trong trạm 500kV Pleiku 2, nâng công suất TBA 500kV Sơn La, TBA 500kV Lai Châu, mở rộng các ngăn lộ trong trạm 500kV Quảng Ninh và trạm 500kV Hiệp Hòa, Lưới điện 220kV đấu nối Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông, TBA 220kV Bảo Lâm, đường dây 220kV Quảng Ngãi-Quy Nhơn.

Đồng thời thực hiện đúng kế hoạch để khởi công các công trình Lưới điện 220kV đấu nối Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông, Mạch 2 đường dây 220kV Đồng Hới-Đông Hà, Đông Hà-Huế, TBA 500kV Việt Trì, Trạm cắt 220kV Phước An, các TBA 220kV Đăk Nông, Phù Mỹ, Phong Điền, Nông Cống, Lưu Xá….

Ngoài ra trong năm 2016, CPMB đã tổ chức thành công 8 gói thầu đấu thầu qua mạng, đảm bảo chỉ tiêu Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) giao đối với lộ trình áp dụng đấu thầu điện tử.

Trong công tác đấu thầu, CPMB đã chủ động nâng cao chất lượng hồ sơ mời thầu, đưa ra lịch trình và nội dung cho từng giai đoạn cụ thể, từ đó có đề xuất các giải pháp để đảm bảo chất lượng và tiến độ các dự án.

Mặc dù vậy, theo đánh giá của CPMB, công tác phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, Thiết kế kỹ thuật –Tổng dự toán một số dự án vẫn chưa đáp ứng các mốc tiến độ với kế hoạch. Nguyên nhân do theo Luật Xây dựng số 50/2014 QH13 thì các dự án phải được hiệu chỉnh tên và điều chỉnh nội dung theo quy định mới của luật, đồng thời phải thực hiện công tác thẩm định thiết kế cơ sở trước khi phê duyệt dự án.

Việc hiệu chỉnh lại chi phí nhân công trong tổng mức đầu tư các dự án theo hướng dẫn tại Thông tư 01/2015/TT-BXD ngày 15/03/2015 của BXD về hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý đầu tư xây dựng cũng ảnh hưởng hầu hết đến tiến độ hoàn thành dự án dẫn đến chậm thời gian phê duyệt theo kế hoạch giao.

Đối với các dự án đã trình duyệt dùng vốn vay ODA nhưng thủ tục chưa được phê duyệt chính thức nên không thể tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư theo hướng dẫn của EVNNPT. Trong khi đó, năng lực của đơn vị Tư vấn chưa cao, đặc biệt là khâu khảo sát, lựa chọn hướng tuyến đường dây và địa điểm xây dựng trạm biến áp. Do vậy, trong quá trình thẩm tra thực địa yêu cầu phải hiệu chỉnh làm kéo dài thời gian hoàn thành đề án.  

Bên cạnh đó, một số Nhà thầu do năng lực hạn chế, trong một số thời điểm lực lượng, phương tiện thi công thiếu dẫn đến tiến độ thi công chậm, không đảm bảo theo kế hoạch, ảnh hưởng đến chất lượng và tiến độ công trình như TBA 220kV Sơn Hà, đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2…

Ngoài những dự án đảm bảo tiến độ đề ra, một số dự án còn chậm tiến độ do những nguyên nhân khách quan do thay đổi Luật Đất đai, các chính sách liên quan đến bồi thường giải phóng măt bằng, đặc biệt là kế hoạch sử dụng đất hàng năm và xây dựng đơn giá đất cụ thể để tính toán bồi thường khi thu hồi đất, mức hỗ trợ đất trong hành lang tuyến, chính sách pháp luật liên quan đến cưỡng chế thu hồi đất đã làm chậm tiến độ dự án như: đường dây 220kV Phan Thiết-Phú Mỹ 2, Lưới điện 220kV đấu nối Nhà máy điện phân nhôm Đăk Nông.

Mặt khác, khi thực hiện giải phóng măt bằng các dự án lưới điện, một trong những thắc mắc điển hình của các hộ dân bị ảnh hưởng là đơn giá bồi thường đất và mức hỗ trợ đất, nhà bị ảnh hưởng bởi hành lang; trong đó xuất phát từ đơn giá bồi thường không sát theo giá thị trường, đơn giá tại các vùng giáp ranh giữa các tỉnh chênh lệch, mức hỗ trợ của các địa phương khác nhau.

Ngoài ra, theo đánh giá của CPMB, mức hỗ trợ hạn chế khả năng sử dụng đất trong hành lang với mức 30% (trước đây là 50-80%) đã gây không ít khó khăn cho công tác giải phóng măt bằng. Hầu hết các địa phương và hộ dân đều không đồng tình với mức này trong khi cây trong hành lang phải giải tỏa, không được trồng mới. Nội dung này đã gây bức xúc trong chính quyền địa phương, hộ dân và sẽ có nguy cơ tạo điểm nóng về bồi thường giải phóng măt bằng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục