Credit Suisse sẽ vay Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ 54 tỷ USD

10:34' - 16/03/2023
BNEWS Trong một thông báo đưa ra vào đầu ngày 16/3, Credit Suisse cho biết sẽ thực hiện quyền chọn để vay từ SNB lên đến 50 tỷ franc Thụy Sỹ (khoảng 54 tỷ USD).
Ngân hàng Credit Suisse ngày 16/3 cho biết sẽ thực hiện “biện pháp mang tính quyết định” để tăng cường thanh khoản bằng cách vay thêm lên đến 54 tỷ USD từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ (SNB, tức ngân hàng trung ương) sau khi cổ phiếu của ngân hàng này sụt giá đã làm gia tăng những lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng tiền gửi ngân hàng sâu rộng hơn.

Trong một thông báo đưa ra vào đầu ngày 16/3, Credit Suisse cho biết sẽ thực hiện quyền chọn để vay từ SNB lên đến 50 tỷ franc Thụy Sỹ (khoảng 54 tỷ USD).

 
Trước đó, SNB và Cơ quan quản lý tài chính Thụy Sỹ (FINMA) ngày 15/3 đã nỗ lực trấn an dư luận khi cho biết Credit Suisse vẫn đang có đủ vốn và thanh khoản, nhưng nhấn mạnh ngân hàng trung ương sẵn sàng cung cấp thêm thanh khoản cho Credit Suisse nếu cần thiết.

Credit Suisse sẽ là ngân hàng toàn cầu lớn đầu tiên nhận được cứu trợ như thế kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, dù ngân hàng trung ương các nước đã mở rộng thanh khoản một cách rất hào phóng cho các ngân hàng thương mại trong suốt các thời kỳ thị trường căng thẳng, trong đó có khoảng thời gian xảy ra đại dịch COVID-19.

Những rắc rối của Credit Suisse đã chuyển hướng chú ý của giới đầu tư và các cơ quan quản lý từ Mỹ sang châu Âu, nơi ngân hàng này đã bị bán tháo cổ phiếu sau khi cổ đông lớn nhất là Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia cho biết không thể cung cấp thêm hỗ trợ tài chính bằng cách tăng cổ phần vì nhiều lý do mà một trong số đó là về vấn đề pháp lý.

Ngân hàng Quốc gia Saudi Arabia hiện nắm 9,88% cổ phần của Credit Suisse, nếu tăng lên trên 10% thì điều này sẽ cần được nhà chức trách Saudi Arabia, châu Âu cũng như Thụy Sỹ chấp thuận. Tình trạng bán tháo và giá cổ phiếu Credit Suisse giảm mạnh tới mức có những thời điểm cơ quan điều hành thị trường chứng khoán phải tạm dừng giao dịch mã cổ phiếu này.

Vụ phá sản của ngân hàng Silicon Valley Bank (SVP) hồi tuần trước, hai ngày sau đó là sự sụp đổ của ngân hàng Signature Bank, đã khiến các cổ phiếu ngân hàng trên toàn cầu chao đảo trong tuần này, khi những trấn an từ Tổng thống Mỹ Joe Biden và các biện pháp khẩn cấp được đưa ra để cung cấp thêm vốn cho các ngân hàng không thể xoa diu những lo ngại của giới đầu tư.

Tuy nhiên, FINMA và SNB cho biết không có dấu hiệu nào cho thấy có nguy cơ trực tiếp xảy ra hiệu ứng dây chuyền từ tình hình bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng của Mỹ với các thể chế tài chính của Thụy Sỹ./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục