"Cú hích" thúc đẩy châu Âu đổi mới chiến lược chất bán dẫn

06:30' - 16/09/2021
BNEWS Châu Âu đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt linh kiện bán dẫn trầm trọng, với nhiều nhà máy trên "lục địa Già" phải tạm đóng cửa vì thiếu nguyên vật liệu.

Châu Á, nguồn cung cấp đến 80% linh kiện bán dẫn cho thị trường toàn cầu, bị tê liệt một phần do tác động của biến thể Delta. Hậu quả là châu Âu "bị vạ lây", với nhiều nhà máy trên "lục địa Già" phải tạm đóng cửa vì thiếu linh kiện bán dẫn.

*"Cơn khát" chip có thể kéo dài đến năm 2023

Hàng loạt các nhà máy trên thế giới phải hoạt động chậm lại, công nhân bị cho nghỉ việc vì lý do "kỹ thuật". Chip được coi là "não bộ" của hàng tỷ máy móc điện tử, từ ô tô, đến điện thoại thông minh, máy tính cá nhân, TV, thẻ tín dụng ngân hàng…

Châu Âu phụ thuộc đến 94% vào chip nhập khẩu nên ảnh hưởng nặng hơn cả. Trong chưa đầy một năm, các nhà máy sản xuất ô tô ở Rennes (miền Tây Bắc nước Pháp), tại Sochaux (miền Đông) hay ở Onnaing (miền Bắc), đều phải tạm cho nhân viên nghỉ việc trong nhiều đợt.

Nhìn rộng ra hơn tại châu Âu, các xưởng sản xuất của hãng sản xuất ô tô Toyota (Nhật Bản) chỉ hoạt động 40% so với công suất bình thường. Lý do là nhà máy không còn chip điện tử để lắp ráp xe. Toyota không là trường hợp duy nhất. 

Đối thủ lớn của Toyota là Volkswagen (Đức) cũng cùng chung số phận. Hãng sản xuất xe tải của Thụy Điển, Scania cuối tháng 8/2021 thông báo "ngừng sản xuất trong vòng một tuần" tại tất cả các nhà máy ở Thụy Điển, Pháp và Hà Lan.

Riêng chi nhánh của tập đoàn Peugeot tại Rennes, sau 3 tuần lễ nghỉ Hè trong tháng 8/2021, nhân viên bất ngờ được kéo dài thời gian nghỉ phép ngoài ý muốn. Tổng giám đốc Emil Frey France, doanh nghiệp chuyên phân phối 28 thương hiệu xe khác nhau tại 250 văn phòng đại diện trên toàn quốc khẳng định: "Thời gian giao hàng bị trễ từ 6 đến 9 tháng".

Theo thẩm định của Tập đoàn tư vấn Boston Consulting, hiện tượng khan hiếm linh kiện bán dẫn ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 8 triệu xe bán ra trên thế giới chỉ riêng trong năm nay, tương đương gần 10% của thị trường toàn cầu. Khoản thất thu kèm theo, ước tính lên tới khoảng 110 tỷ USD, theo ước tính của công ty tư vấn Alix Partners có trụ sở tại New York, Mỹ. 

Vấn đề đặt ra là hiện tượng khan hiếm chip điện tử có nguy cơ kéo dài. Trả lời đài phát thanh tư nhân Radio Classique ngày 3/9, Paul Boudre - Tổng giám đốc Soitec, tập đoàn cung cấp nguyên liệu để sản xuất chất bán dẫn của Pháp, dự báo "cơn khát" chip sẽ kéo dài thêm "từ 6 đến 9 quý nữa", có nghĩa là đến cuối 2023. 

Tổng giám đốc Paul Boudre cho biết, sự khan hiếm chất bán dẫn được xác định ở nhiều cấp trước hết từ phía các lò đúc. Khoản đầu tư cần thiết trong ngành được tính hàng tỷ USD. Các dây chuyền sản xuất đã hoạt động hết công suất. Bây giờ cần phải xây dựng những nhà máy máy mới và cần có thời gian để cân bằng mức cung và cầu.

* Lý do khiến thị trường khan hiếm chip

Có hai nguyên nhân dẫn tới hiện tượng khan hiếm nói trên và cả hai cùng xuất phát từ châu Á. Trên đài phát thanh France Info, chuyên gia kinh tế Rémi Bourgeot, cộng tác viên Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS) của Pháp, lưu ý đến chiến thuật của Trung Quốc trong bối cảnh cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung. 

Chuyên gia Bourgeot nhận xét, Trung Quốc đã lo xa, tích trữ linh kiện trong một thời gian dài để tránh bị thiếu hụt. Thay vì dự trù khối lượng đủ để cung cấp cho các nhà máy trong một hay hai tuần hay cùng lắm là một tháng, Trung Quốc dự trù cho khoảng thời gian là từ 1 đến 2 năm, tìm kiếm chip trên thị trường thế giới. Bằng mọi giá, Bắc Kinh muốn tránh để dây chuyền sản xuất bị gián đoạn. Trung Quốc đã đầu tư 180 tỷ USD để phát triển các nhà máy sản xuất linh kiện bán dẫn, không phải lệ thuộc vào Mỹ. Châu Âu chỉ mới bắt đầu nhập cuộc.

Nguyên nhân thứ hai khiến thị trường công nghệ bán dẫn càng lúc càng "căng", do dịch COVID-19 bùng phát trở lại tại châu Á, nơi tập trung đến 80% các nhà máy sản xuất chip điện tử để cung cấp cho toàn cầu. Riêng tập đoàn TSMC của Đài Loan (Trung Quốc) sản xuất đến 28% chip điện tử trên thế giới. Một "người khổng lồ" khác trong ngành là UMC cũng của Đài Loan chiếm 13% thị phần toàn cầu. Nhật Bản bảo đảm 16,5% nhu cầu tiêu thụ cho thế giới, Hàn Quốc là 21%.

Theo ước tính của Công ty tư vấn Mỹ IC Insight, trong lĩnh vực điện tử, châu Âu phụ thuộc vào 94% chip điện tử châu Á. 5 nhà máy sản xuất chip tại Malaysia là nguồn cung cấp chính phục vụ các nhà máy lắp ráp ô tô tại châu Âu. Dịch COVID-19 kéo dài từ đầu năm 2020 và đã bùng phát mạnh trở lại từ mùa Xuân năm nay khiến các nhà máy này đã phải tạm đóng cửa, hoặc hoạt động với công suất thấp hơn nhiều so với bình thường.

Về phía cầu, đại dịch đã đẩy nhu cầu tiêu thụ tăng cao và phát sinh thêm những nhu cầu mới. Tổng giám đốc Tập đoàn Soitec, Paul Boudre, phân tích: "Đại dịch là yếu tố thúc đẩy mọi việc. Có nhiều thay đổi quan trọng, thậm chí là sự đảo lộn trong lối sống, tiêu biểu nhất là trên phương diện y khoa và giáo dục.

Linh kiện bán dẫn từ 40 năm nay đã đem lại nhiều thay đổi trong cuộc sống hàng ngày, thông qua máy điện toán, qua điện thoại thông minh… Ngành công nghệ bán dẫn càng ngày càng chiếm một vị trí quan trọng và cũng đã có nhiều tiến bộ trên thị trường này.

Theo ông Paul Boudre, trước đây, chủ yếu lĩnh vực công nghiệp sử dụng chip điện tử, như công nghệ ô tô… Nhưng từ khi dịch COVID-19 bùng lên, trong giai đoạn phong tỏa, mọi người đã phải mua thêm đến 300 triệu máy tính cá nhân để làm việc và học từ xa. Nhu cầu đối với linh kiện bán dẫn càng lúc càng lớn và ngành công nghiệp sản xuất chip điện tử vừa là một yếu tố làm thay đổi môi trường công nghiệp, vừa đứng trước nhiều thử thách.

* Chiến lược phát triển dành cho châu Âu

Vào lúc Mỹ đã xem "công nghệ bán dẫn" là một ưu tiên chiến lược, Trung Quốc đầu tư 180 tỷ USD để không còn phụ thuộc vào chip điện tử của Mỹ, châu Âu đã có những bước chuẩn bị như thế nào? 

Tổng giám đốc Soitec, Paul Boudre cho hay, châu Âu có những công ty dẫn đầu thị trường trong ngành chip. Những công ty đó cần được hỗ trợ để tiếp tục là những "chú chim đầu đàn", để tiếp tục giữ ưu thế trong tương lai. Trong số những hãng lớn của châu Âu phải kể tới ST MicroElectronics, NSX Semiconductors hay Infineon Technologies…

Các hãng này đã đầu tư rất nhiều và có hẳn những chiến lược phát triển linh kiện bán dẫn để phục vụ các ngành từ công nghệ viễn thông đến trí thông minh nhân tạo hay công nghệ ô tô. Giờ đây, nhu cầu chip của ngành y tế và giáo dục ngày càng lớn hơn. Các trung tâm nghiên cứu về công nghệ nano và công nghệ vi mô lại càng cần được hỗ trợ nhiều hơn và đã đến lúc các tập đoàn của châu Âu cần đẩy mạnh chiến lược phát triển.

Mùa Xuân vừa qua, Paris đã thảo luận với nhiều đối tác Pháp và châu Âu trong ngành công nghiệp bán dẫn để "cùng hoạch định những chiến lược lâu dài". Đầu tư trong lĩnh vực này là những dự án khổng lồ, nhất là châu Âu phải bắt kịp những chậm trễ so với các đối tác châu Á. Liệu Brussels và 27 nước thành viên có sẵn sàng để nhận lấy gánh nặng đó hay không? 

Tổng giám đốc Soitec, ông Paul Boudre, một lần nữa nhấn mạnh đến sự hợp tác giữa các doanh nghiệp với chính phủ. Cần phải bảo đảm cho các doanh nghiệp châu Âu một môi trường phát triển an toàn, để họ có hẳn một chiến lược rõ ràng trong lĩnh vực bán dẫn. Vị thế dẫn đầu về mặt công nghệ là "át chủ bài" bảo đảm cho sự độc lập về bán dẫn của châu Âu. Bước tiếp theo là cần quan sát xem làm thế nào để tiếp cận với những công nghệ càng lúc càng tiên tiến.

18 tháng trước, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, Pháp nói riêng, Liên minh châu Âu (EU) nói chung đặt ra vấn đề "tự chủ về mặt công nghiệp" không chỉ vì thiếu hụt từ khẩu trang đến thiết bị y tế, mà cả trên lĩnh vực công nghệ bán dẫn. Nhưng các nhà máy chip điện tử của châu Á cho đến rất gần đây vẫn hoạt động gần như bình thường, hồ sơ "tự chủ về công nghiệp" có vẻ như đã tạm thời lắng xuống. 

Mặc dù vậy, khi cả ngành công nghiệp ô tô của châu Âu, với hai đầu tàu là các hãng lớn của Đức và Pháp điêu đứng vì thiếu linh kiện bán dẫn của châu Á, thất thu hàng chục tỷ USD, đây có thể là "cú hích" thúc đẩy "lục địa già" đổi mới chiến lược phát triển công nghiệp./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục