Cụ thể hóa quy định về chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá

11:40' - 06/01/2021
BNEWS Nghị định 155 đã quy định chi tiết về các hình thức, điều kiện, hồ sơ,… chào bán chứng khoán ra công chúng; trong đó có cả quy định về chào bán chứng khoán dưới mệnh giá.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán (Nghị định 155). Theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Nghị định 155 đã quy định chi tiết về các hình thức, điều kiện, hồ sơ,… chào bán chứng khoán ra công chúng; trong đó có cả quy định về chào bán chứng khoán dưới mệnh giá.

Nghị định 155/2020/NĐ-CP dành Chương II với  90 điều (từ Điều 7 đến Điều 96), được kết cấu thành 7 mục quy định về nguyên tắc, điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký chào bán, phát hành chứng khoán, bao gồm các nội dung: các quy định chung về chào bán, phát hành và chào mua công khai; chào bán chứng khoán ra công chúng; chào bán cổ phiếu riêng lẻ; phát hành cổ phiếu để hoán đổi; chào bán, phát hành khác; chào bán chứng khoán tại nước ngoài của doanh nghiệp Việt Nam; chào mua công khai cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đóng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, các nội dung tại nghị định về cơ bản kế thừa quy định từ Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, Nghị định số 60/2015/NĐ-CP và Thông tư số 162/2015/TT-BTC. Ngoài ra, một số nội dung mới được Nghị định 155 sửa đổi, bổ sung.

Tại các Điều 17, Điều 18 và Điều 44, Điều 45, Nghị định 155 đã quy định điều kiện chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá đối với cả hai hình thức là chào bán ra công chúng và chào bán riêng lẻ.

Các điều kiện chào bán bao gồm các điều kiện chào bán cổ phiếu thông thường, đồng thời bổ sung điều kiện về giá và điều kiện về thặng dư vốn cổ phần để đảm bảo doanh nghiệp có đủ thặng dư vốn để bù đắp phần thặng dư âm do phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá nhằm đảm bảo quyền lợi cho cổ đông hiện hữu, tránh việc lợi dụng phát hành cổ phiếu dưới mệnh giá và để thống nhất với quy định của Luật Doanh nghiệp 2020 về việc cấm “kê khai khống vốn điều lệ, không góp đủ số vốn điều lệ như đã đăng ký…”.

Theo đó, tại Điều 17, Nghị định 155 nêu rõ, điều kiện công ty đại chúng chào bán thêm cổ phiếu ra cồng chúng với giá thấp hơn mệnh giá là giá cổ phiếu của tổ chức phát hành giao dịch trên hệ thống giao dịch chứng khoán thấp hơn mệnh giá, trong đó giá cổ phiếu được tính bằng bình quân giá tham chiếu của 60 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến hoặc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành.

Đồng thời, công ty phải có đủ thặng dư vốn cổ phần căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán đủ bù đắp phần thặng dư âm phát sinh do chào bán cổ phiếu dưới mệnh giá. Ngoài ra, công ty còn phải đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2, Điều 15 Luật Chứng khoán.

Về mặt hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng dưới mệnh giá, theo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ngoài việc doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ tài liệu quy định tại Điều 12, Nghị định 155, còn phải có bảng thống kê giá tham chiếu cổ phiếu của 60 ngày giao dịch liên tiếp liền trước ngày chốt danh sách cổ đông để lấy ý kiến, hoặc họp Đại hội đồng cổ đông thông qua phương án phát hành có xác nhận của tổ chức tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng.

Đối với quy định chào bán cổ phiếu ra công chúng của cổ đông công ty đại chúng, về cơ bản Nghị định 155 giữ nguyên các quy định về chào bán cổ phiếu của “cổ đông lớn” trong công ty đại chúng theo quy định tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP, ngoại trừ thay đổi chủ thể chào bán từ “cổ đông lớn” sang “cổ đông” để phù hợp với khoản 6, Điều 15 Luật Chứng khoán 2019. Quy định này nhằm tạo điều kiện cho các cổ đông trong các công ty quy mô lớn bán cổ phiếu thông qua hình thức chào bán ra công chúng, cho doanh nghiệp có vốn nhà nước khi thực hiện thoái vốn đầu tư tại doanh nghiệp khác.

Tại Điều 13, Nghị định 155 quy định, cổ phiếu được chào bán phải là cổ phiếu của doanh nghiệp đáp ứng điều kiện quy định tại điểm a khoản 1, điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Chứng khoán. Trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là tổ chức, phương án chào bán cổ phiếu phải được cấp có thẩm quyền của tổ chức đăng ký chào bán thông qua theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và điều lệ của cổ đông đăng ký chào bán.

Cổ phiếu được chào bán thuộc sở hữu của cổ đông đăng ký chào bán và là cổ phiếu tự do chuyển nhượng; đồng thời, có công ty chứng khoán tư vấn hồ sơ đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng, trừ trường hợp cổ đông đăng ký chào bán là công ty chứng khoán. Cổ đông đăng ký chào bán phải mở tài khoản phong tỏa nhận tiền mua cổ phiếu của đợt chào bán.

So với Luật Doanh nghiệp 2014, Luật Doanh nghiệp 2020 bổ sung quy định về việc phát hành cổ phần của công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) chuyển đổi thành công ty cổ phần. Do vậy, việc bổ sung các quy định về việc chào bán cổ phiếu để chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần là cần thiết nhằm phù hợp với quy định mới của Luật Doanh nghiệp 2020. Về cơ bản, điều kiện và hồ sơ chào bán cổ phiếu ra công chúng để chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần tương tự hồ sơ chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng được quy định tại khoản 1 Điều 15, khoản 1 Điều 18 Luật Chứng khoán 2019.

Tại Điều 15, Nghị định 155 quy định, điều kiện chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng để chuyển đổi công ty TNHH thành công ty cổ phần là phải có phương án chuyển đổi được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua. Đồng thời, doanh nghiệp phải có phương án phát hành được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua; có phương án sử dụng vốn thu được từ đợt chào bán được Hội đồng thành viên hoặc chủ sở hữu công ty thông qua.

Nghị định 155 cũng nêu rõ, các thành viên góp vốn hoặc chủ sở hữu công ty phải cam kết cùng nhau nắm giữ ít nhất 20% vốn điều lệ của tổ chức phát hành tối thiêu là 01 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Mặt khác, phải có thỏa thuận giữa thành viên có phần vốn được chào bán với tổ chức phát hành về phương án chào bán, giá chào bán trong trường hợp chào bán phần vốn góp của thành viên./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục