Cử tri đánh giá phiên chất vấn cởi mở, thẳng thắn và dân chủ

16:14' - 06/11/2020
BNEWS Tiếp tục chương trình kỳ họp, ngày 6/11, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn các thành viên Chính phủ.

Phiên chất vấn dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày để xem xét, chất vấn việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ khóa XIV và một số nghị quyết quan trọng trong nhiệm kỳ Chính phủ khóa XIII.

Theo dõi phiên làm việc qua phát thanh, truyền hình trực tiếp, nhiều cử tri ở Hà Nội, Bắc Giang và Vĩnh Long đánh giá phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu quốc hội đã phản ánh được những vấn đề "nóng" liên quan đến tình hình kinh tế, xã hội, an ninh trật tự của đất nước.

* Thẳng thắn, dân chủ

Cử tri Nguyễn Hữu Cường (Bộ Khoa học và Công nghệ) đặc biệt ấn tượng với cách điều hành phiên họp của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân rất khoa học, rõ ràng, thẳng thắn và dân chủ, tạo không khí mới trong phiên chất vấn, vừa sôi nổi, quyết liệt, đi thẳng vào vấn đề, giúp cử tri hiểu và nắm rõ vấn đề. Đây là lần đầu tiên Quốc hội tổ chức phiên chất vấn theo vấn đề chứ không theo kịch bản như trước đây, điều này rất hay và tiết kiệm thời gian.

"Chỉ trong 90 phút mà có hơn 15 bộ trưởng được các đại biểu nêu tên để chất vấn, với nhiều vấn đề nóng được cử tri rất quan tâm. Đây là điều chưa từng có ở một kỳ chất vấn nào" - Tiến sĩ Nguyễn Hữu Cường nhấn mạnh.

Để thực hiện được điều đó buộc người hỏi cũng phải nắm rõ vấn đề định hỏi, cụ thể, rõ ràng và ngắn gọn, không còn việc lý giải dài dòng, rườm rà khiến người bị hỏi không hiểu hoặc trả lời né tránh, không đi vào trọng tâm câu hỏi, gây mất thời gian và cử tri cũng khó nắm bắt được vấn đề.

Cụ thể như vấn đề phá hoại môi trường trong nhiều năm nay, mặc dù đã có luật định nhưng chưa thấy vụ vi phạm môi trường nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nguyên nhân tại sao? Hay diện tích rừng giảm, nguyên nhân là do quản lý yếu kém hay vì lý do nào khác? Nguyên nhân gây ra lũ lụt ở miền Trung trong những ngày qua là do thiên tai hay là do nhân tai, cách xử lý và bảo vệ rừng của ngành như thế nào?... Đối với các vụ án oan sai, các đại biểu cho rằng cần nâng cao chất lượng thẩm phán và loại bỏ những thẩm phán yếu kém không đủ phẩm chất.

Cử tri Nguyễn Hữu Cường cho biết, ông rất ấn tượng với cách trả lời của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình sản xuất vaccine ở Việt Nam như thế nào. Phó Thủ tướng trả lời rất rõ ràng, cụ thể về tình hình dịch bệnh ở trong nước, cũng như trên toàn thế giới, vẫn còn diễn biến phức tạp, phải đến cuối năm 2021 mới cơ bản kiểm soát.

Trước khi có vaccine, chúng ta cần xác định chung sống hòa bình với dịch bệnh, đặc biệt các địa phương cần chủ động phòng, chống, không thể chủ quan với dịch bệnh. Đối với câu hỏi đại biểu Hoàng Thanh Vân về việc cách chức Hiệu trưởng Tôn Đức là đúng hay sai (vấn đề đang được dư luận rất quan tâm) Phó Thủ tướng trả lời cũng rất thẳng thắn và rõ ràng.

Đồng quan điểm này, bà Phạm Tâm Hiếu, đảng viên 40 năm tuổi Đảng ở phố Giảng Võ, quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, rất ấn tượng với cách điều hành phiên chất vấn của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, khoa học và dân chủ khi yêu cầu các đại biểu đặt câu hỏi rõ ràng, đi thẳng vào vấn đề. Đối với các Bộ trưởng, khi trả lời câu hỏi của đại biểu nếu giải thích lòng vòng, dài dòng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã yêu cầu trả lời thẳng thắn, có hay không và tại sao để đại biểu, Quốc hội cũng như cử tri nắm rõ. Vì vậy, bầu không khí của phiên chất vấn rất cởi mở, thẳng thắn và dân chủ.

Trước những câu hỏi cụ thể và rõ ràng như vậy, các Bộ trưởng cũng trả lời thẳng vào vấn đề, bên cạnh những nguyên nhân khách quan cũng nêu rõ trách nhiệm của bộ, ngành quản lý chưa hiệu quả nên dẫn đến hậu quả như vậy.

* Cử tri quan tâm đến nhiều vấn đề "nóng"

Cử tri Thái Văn Tào, Tổng thư ký Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Vĩnh Long cho rằng, cử tri cả nước ngày càng quan tâm, theo dõi các hoạt động của Quốc hội, nhất là nội dung chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu ngay tại Kỳ họp. Qua theo dõi phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 6/11, cử tri Thái Văn Tào nhận thấy nội dung các báo cáo do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chánh án Tòa án Tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao cũng như báo cáo thẩm tra nội dung các báo cáo do Tổng Thư ký Quốc hội trình bày rất ngắn gọn, bao quát, đầy đủ.

Nội dung trình bày không chỉ nêu lên kết quả, hạn chế, mà còn có những biện pháp giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn, nhất là giữa việc quy hoạch phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, vấn đề tài chính, đầu tư các dự án lớn, vấn đề thị trường và công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch còn bất cập…

Theo cử tri Thái Văn Tào, ý kiến chất vấn của nhiều đại biểu khá ngắn gọn, rõ ràng. Nội dung chất vấn tập trung vào những vấn đề nóng, bức xúc của cuộc sống, đang thu hút sự quan tâm của nhân dân như: Công tác phòng, chống và giải pháp khắc phục sau thiên tai, biến đổi khí hậu; vấn đề phòng, chống dịch bệnh và các giải pháp cung cấp vaccine phòng ngừa dịch COVID - 19; vấn đề nhà ở, công tác trồng và bảo vệ rừng, đổi mới giáo dục phổ thông và biên soạn sách giáo khoa...

Cử tri Thái Văn Tào đánh giá nội dung trả lời chất vấn của các Bộ trưởng khá thỏa đáng, nhất là Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, của Thường trực Chính phủ… Ngoài ra, cách điều hành của Chủ tọa kỳ họp khá linh hoạt. Cụ thể, khi các đại biểu nêu câu hỏi nhanh, dài hay trả lời của Bộ trưởng mà chưa rõ, chưa hết ý thì Chủ tọa gợi ý thêm, làm cho phiên chất diễn ra nghiêm túc nhưng không quá căng thẳng.

“Việc nêu câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn đã có chiều sâu, đi vào thực chất và hiệu quả. Tuy nhiên, để nhân dân và cử tri cả nước ngày càng quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng hơn vào hoạt động giám sát của Quốc hội, cũng như đặt niềm tin vào vai trò của đại biểu Quốc hội, tôi nghĩ rằng các phiên chất vấn cần tiếp tục phát huy dân chủ; các đại biểu chất vấn cần thẳng thắn đề xuất, kiến nghị giải pháp phát huy mặt tốt và khắc phục mặt chưa tốt; đồng thời người được chất vấn cũng cần thẳng thắn nhìn nhận hạn chế, nhận lấy trách nhiệm và nỗ lực trong khắc phục yếu kém về quản lý, xây dựng phát triển”- cử tri Thái Văn Tào đề nghị.

Cử tri Đỗ Văn Phùng, sinh năm 1955, nguyên cán bộ Ban Tổ chức Tỉnh ủy Bắc Giang cũng đánh giá, phiên thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu diễn ra sôi nổi, các câu hỏi và câu trả lời cơ bản đi vào trọng tâm, dễ hiểu, có sự tranh luận đến cùng để làm sáng tỏ vấn đề. Tuy nhiên, cũng có đại biểu trình bày dài dòng dẫn đến hết thời gian vẫn chưa đặt được câu hỏi, một số câu trả lời của đại biểu mới chỉ dừng lại ở việc nêu lên những con số, chưa đưa ra được nguyên nhân, giải pháp cụ thể; một số câu hỏi chất vấn của đại biểu chưa được trả lời ngay tại hội trường.

Một trong những vấn đề cử tri Đỗ Văn Phùng quan tâm là tình trạng tội phạm gia tăng, nhất là tội phạm xâm hại phụ nữ và trẻ em, các vụ giết người thân trong gia đình cho thấy sự xuống cấp về văn hóa, đạo đức. Tình hình lũ lụt, sạt lở ngày càng gia tăng.

Cử tri Phùng mong muốn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy và nâng cao hơn nữa vai trò, trách nhiệm, nắm bắt kỹ tài liệu và tình hình thực tế để nâng cao chất lượng nội dung phát biểu. Các câu trả lời cần tập trung nêu bật được nguyên nhân, giải pháp cụ thể, thiết thực để cử tri cả nước tin tưởng.

Đồng quan điểm, cử tri Nguyễn Văn Thắng, sinh năm 1983, thành phố Bắc Giang, quan tâm đến tình trạng thanh niên trẻ lợi dụng mạng xã hội có những video phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục của người Việt để kiếm tiền, gây ảnh hưởng xấu đến xã hội; việc phát triển mạng xã hội của người Việt.

Cử tri Nguyễn Văn Thắng mong muốn Quốc hội, Chính phủ có những giải pháp mạnh mẽ để hạn chế vấn đề này và thúc đẩy mạng xã hội của người Việt phát triển.

* Cần xử lý nghiêm hành vi chặt phá rừng

Cử tri Ngô Thanh Tiết, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ hưu trí thành phố Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long đồng tình với nội dung chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng) khi cho rằng, Việt Nam đã làm tốt công tác bảo vệ rừng với độ che phủ khoảng 42%, tuy nhiên khi quan sát bằng hình ảnh Google Maps, chất lượng và độ che phủ rừng của nước ta thấp hơn rất nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt là các nước có chung đường biên giới như Lào, Campuchia.

Cử tri Ngô Thanh Tiết cho rằng, tình trạng phá rừng tràn lan trong cả nước hiện nay đã tác động xấu đến môi trường, sinh thái, là nguyên nhân dẫn đến lũ lụt, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt cũng như sản xuất của nhân dân. Vấn đề bức xúc này đã được nhiều cử tri gửi đến đại biểu Quốc hội thông qua các buổi tiếp xúc cử tri trước đây, tuy nhiên đến nay tình trạng vẫn chưa có chuyển biến tích cực.

Trong thời gian tới, để ngăn chặn nạn phá rừng, cử tri đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan cần xử lý nghiêm đối với hành vi phá hoại, chặt phá rừng cũng như hành vi tiếp tay của các cá nhân, cơ quan quản lý và bảo vệ. Bên cạnh đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần có giải pháp cụ thể, thiết thực để bảo vệ rừng, cũng như xây dựng kế hoạch trồng rừng mới hiệu quả để tăng độ che phủ và nâng cao chất lượng bền vững rừng./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục