Cuba quyết tâm vực dậy nền kinh tế

05:30' - 22/07/2024
BNEWS Chính phủ Cuba bắt đầu thiết lập một “nền kinh tế thời chiến” trước tình hình ngày một khó khăn, với việc thực hiện ngày càng nhiều biện pháp kiểm soát ở khu vực nhà nước và tư nhân.

Để làm được điều này, Cuba sẽ áp dụng chính sách giá chung với các điều khoản bình đẳng cho mọi người dân. Thuật ngữ “Kinh tế thời chiến” thường được sử dụng cho các tình huống cực đoan và ở Cuba, nó có hiệu lực vào thời điểm lạm phát vượt quá 30%, nền kinh tế suy thoái 2% và đồng nội tệ peso mất giá mạnh so với đồng USD và đồng euro (giảm tới 50% trên thị trường chợ đen).

Trang mạng cadenaser.com phân tích rằng Cuba đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các sản phẩm thiết yếu và không phải tháng nào cũng có thịt, sữa hoặc bột mỳ trong thẻ khẩu phần cung cấp cho người dân. Ngoài ra là việc liên tục cắt giảm nguồn cung cấp điện và nhiên liệu.

Theo báo Granma, cơ quan ngôn luận chính thức của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Cuba, các chính sách mới sẽ giúp hình thành các chuỗi tiêu thụ sản phẩm và nâng cao năng lực sản xuất. Quá trình chuẩn bị Kế hoạch Kinh tế và Ngân sách Nhà nước đến năm 2025 sẽ bắt đầu và các chỉ thị của chính phủ được xây dựng cho quá trình này.

Các nhà chức trách cũng thông báo rằng họ sẽ tập trung vào ngân sách quốc gia, cũng như kiểm soát chặt chẽ hơn để ngăn chặn hành vi trốn thuế.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Cuba, Manuel Marrero, cho biết quốc gia Caribe này đang tìm kiếm các giải pháp thay thế để đảm bảo cung cấp giỏ hàng gia đình theo quy định, trong đó nhấn mạnh cần gia tăng sản xuất để có thể cung cấp sản phẩm với giá cả phải chăng hơn cho người dân.

Các giải pháp trên được đưa ra trong bối cảnh Cuba đang trong tình trạng khủng hoảng kinh tế lớn nhất kể từ cuộc cách mạng năm 1959.

Quốc hội Cuba khóa X bước vào kỳ họp thứ 3 vào ngày 17/7 với hàng loạt nội dung quan trong tập trung chủ yếu vào tháo gỡ tình hình khó khăn hiện nay. Các đại biểu quốc hội sẽ phân tích, thảo luận về phân cấp quyền lực cho các thành phố trực thuộc  trung ương, thành phần tự doanh, các biện pháp tăng cường kiểm toán và kế hoạch phát triển kinh tế.

Phát biểu trước phiên họp Quốc hội ngày 17/7, Chủ tịch Cuba Miguel Díaz-Canel cho biết tham nhũng và trốn thuế đang trở thành vấn nạn tại đảo quốc Caribe này. Chủ tịch Cuba đã nêu ra một loạt “vấn đề và xu hướng tiêu cực” đang ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế, gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách, thất thoát thuế cao, giá cả bị thao túng, kéo theo đó là lạm phát, tham nhũng và tội phạm gia tăng.

Ông Díaz-Canel cam kết hành động để “đưa đất nước vào khuôn khổ”, trước mắt là quyết liệt chống tham nhũng và phối hợp với khối tư nhân để cung cấp nhiều hàng hóa và dịch vụ với mức giá phù hợp hơn cho người dân; khẳng định cả khối quốc doanh và tư nhân đều phải có trách nhiệm xã hội.

Trước đó, Chính phủ Cuba công bố số liệu cho thấy Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này giảm 1,9% trong năm 2023.

Cùng ngày 17/7, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero thông báo đã phê chuẩn việc thực hiện cơ chế mới để phân bổ và quản lý ngoại tệ, nhằm ổn định tỷ giá hối đoái.

Tất cả các giao dịch trong nước sẽ được thực hiện bằng đồng nội tệ peso, ngoại trừ Đặc khu phát triển Mariel, các tổ chức thương mại bán buôn và bán lẻ được ủy quyền, các tổ chức nước ngoài và các tổ chức khác đã được phê duyệt. Thủ tướng Manuel Marrero cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải xử lý dứt điểm thị trường ngoại tệ bất hợp pháp.

Theo ông Manuel Marrero, mặc dù quốc gia này chưa có thị trường hối đoái cho phép mua ngoại hối ổn định, nhưng một thiết kế đã được tạo ra bao gồm các bước cần tuân theo để thiết lập một tỷ giá hối đoái mới. Việc điều chỉnh cần phải được thực hiện dần dần và hết sức thận trọng để giảm chênh lệch tỷ giá trong nền kinh tế, tránh sự mất cân đối.

Thủ tướng Manuel Marrero lưu ý việc chuyển thẳng sang một tỷ giá hối đoái mới sẽ khiến đồng peso mất giá và tác động không mong muốn đến lạm phát và giá cả.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục