Cuba ứng phó với khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong 30 năm

10:11' - 18/07/2025
BNEWS Trong phiên họp thứ 5 Quốc hội khóa X diễn ra trong ngày 16-17/7, Chính phủ Cuba đã công bố hàng loạt biện pháp nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất trong 30 năm qua.

Trình bày báo cáo cập nhật chương trình cải cách kinh tế nhằm khắc phục những bất ổn và thúc đẩy tăng trưởng, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero nhấn mạnh ba trụ cột chính: cải cách hệ thống tiền tệ, thu hút đầu tư nước ngoài và bảo đảm an sinh xã hội.

Thủ tướng Cuba xác nhận việc tiếp tục thực hiện chính sách đô la hóa một phần nền kinh tế như một biện pháp tình thế trong bối cảnh khủng hoảng, đồng thời khẳng định lộ trình dài hạn hướng tới phi đô la hóa. Chính phủ đã phê duyệt kế hoạch cải cách thị trường ngoại hối, bao gồm việc điều chỉnh toàn diện hệ thống tỷ giá ở tất cả các kênh tiền tệ.

 
Ông Marrero xác nhận sẽ triển khai chính sách đa tỷ giá mới trong nửa cuối năm 2025, cho phép tỷ giá thả nổi một phần nhằm thu hút kiều hối. Chính phủ cũng thông qua 29 cơ chế tự chủ tài chính bằng ngoại tệ cho doanh nghiệp xuất khẩu và mở rộng thanh toán bằng thẻ trả trước cho khu vực tư nhân.

Về thu hút đầu tư, Thủ tướng Cuba thừa nhận những tồn tại liên quan đến thủ tục hành chính rườm rà và cam kết đơn giản hóa quy trình phê duyệt dự án.

Chính phủ Cuba công bố tăng gấp đôi mức lương hưu tối thiểu từ 1.528 peso (12,7 USD) lên 3.056 peso (25,4 USD) bắt đầu từ tháng 9/2025, đồng thời nâng trần lương hưu lên 4.000 peso (33,3 USD) cho 1,3 triệu người hay 79% tổng số người hưởng lương hưu. Biện pháp này làm tăng chi tiêu ngân sách khoảng 22 tỷ peso/năm (916,6 triệu USD).

Bộ trưởng Kinh tế Cuba Joaquín Alonso báo cáo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2024 giảm 1,1%, tiếp tục đà suy giảm từ năm 2023 (giảm 1,9%). Các lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bao gồm nông nghiệp (-5,2%), khai khoáng (-8,7%) và sản xuất công nghiệp (-3,4%). Ông Alonso nhấn mạnh tác động của lệnh cấm vận Mỹ, ước tính gây thiệt hại 6 tỷ USD/năm.

Kim ngạch xuất khẩu sáu tháng đầu năm 2025 của Cuba đạt 91% kế hoạch, thấp hơn cùng kỳ năm trước. Mặt hàng dược phẩm sinh học giảm tới 35% do thiếu nguyên liệu đầu vào. Một số mặt hàng như thuốc lá, tôm hùm và hải sản có tăng trưởng nhưng không đủ bù đắp cho sự sụt giảm của nickel, dược phẩm và tôm nuôi.

Trước tình hình này, Quốc hội Cuba đã thông qua tuyên bố lên án mạnh mẽ lệnh cấm vận của Mỹ, cáo buộc Washington gây thiệt hại 6 tỷ USD/năm cho nền kinh tế của đảo quốc Caribe này. Chủ tịch Quốc hội Cuba Esteban Lazo nhấn mạnh: “Những khó khăn về điện, nước sạch, thuốc men và giao thông hiện nay đều bắt nguồn từ chính sách bao vây kinh tế của Mỹ”.

Cuba đang trải qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế-xã hội trầm trọng với lạm phát phi mã tới 77% vào năm 2023), tình trạng mất điện kéo dài 20 giờ/ngày và làn sóng di cư. Dân số già hóa nhanh với 24% người dân trên 60 tuổi cũng đang đặt gánh nặng lên hệ thống an sinh xã hội. Các biện pháp cải cách gần đây bao gồm tự do hóa giá cả, hợp pháp hóa doanh nghiệp tư nhân và thống nhất tỷ giá được kỳ vọng sẽ từng bước đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục