Cùng người "yếu thế" khôi phục sản xuất

09:40' - 18/06/2020
BNEWS Các chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp tỉnh, huyện đã nhanh chóng vào cuộc và thực hiện rốt ráo các chính sách hỗ trợ người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh
Anh Nguyễn Quang Bình ở xã Lộc Hoà, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước vay Ngân hàng Chính sách Xã hội 18 triệu đồng để đầu tư nuôi bò vào cuối năm 2018. Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 thời điểm này anh Bình chưa bán được bò để trả nợ cho ngân hàng. Vừa đúng thời điểm này Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện giãn nợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Anh Bình cho biết, dịch COVID-19 khiến giá bò rẻ, khó tiêu thụ. Nếu bán trong dịp này gia đình anh sẽ thiệt hại một khoản. "Nay được Ngân hàng giãn nợ tôi rất mừng. Tôi sẽ cố gắng trả nợ đúng hạn", anh Bình nói.

Là đơn vị đi đầu trong tín dụng chính sách cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, Ngân hàng Chính sách xã hội đã triển khai nhiều biện pháp chung tay tháo gỡ khó khăn cho người yếu thế và lao động vay vốn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Các chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội cấp tỉnh, huyện đã nhanh chóng vào cuộc và thực hiện rốt ráo các chính sách hỗ trợ người yếu thế bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Đến nay, Ngân hàng Chính sách xã hội đã thực hiện gia hạn nợ cho gần 103 nghìn khách hàng với dư nợ trên 2.800 tỷ đồng, cho vay mới đối với gần 517 nghìn khách hàng với dư nợ gần 19 nghìn tỷ đồng.

Tại Hà Nội, nhằm phục hồi sản xuất, khắc phục thiệt hại do dịch bệnh, thành phố đã uỷ thác 650 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách cho chi nhánh Ngân hàng Chính sách Xã hội Hà Nội. Số tiền này nhằm đáp ứng khoảng 65% nhu cầu vốn cần thiết bổ sung để cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố.

Ông Phạm Văn Quyết Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Hà Nội cho biết, với sự vào cuộc khẩn trương, việc giải ngân vốn vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác để phục hồi sản xuất sau dịch COVID -19 đang được thực hiện nhanh chóng. Dự kiến, Hà Nội sẽ hoàn thành giải ngân gói hỗ trợ 650 tỷ đồng trong đầu tháng 6/2020. Tính đến ngày 16/5, Ngân hàng Chính sách Xã hội thành phố Hà Nội đã giải ngân cho 2.003 khách hàng với số tiền hơn 96 tỷ đồng.

Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ. Ngay sau đó, Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội đã ban hành văn bản hướng dẫn nghiệp vụ cho vay đối với người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc cho người lao động.

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành quy định về tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc theo Quyết định số 15/2020/QĐ/TTg. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 16.000 tỷ đồng với lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm. Lãi suất tái cấp vốn quá hạn là 0%/năm.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, ngày 13/5 Ngân hàng Nhà nước đã trích chuyển đủ 16.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách Xã hội theo Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 và Quyết định số 15/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn không có tài sản bảo đảm đối với Ngân hàng Chính sách xã hội. Khi khoản vay tái cấp vốn đến hạn, Ngân hàng Chính sách xã hội phải trả hết nợ gốc vay tái cấp vốn đã được giải ngân cho Ngân hàng Nhà nước từ tiền trả nợ của người sử dụng lao động vay vốn theo Quyết định số 15.

Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Quảng Ngãi Trần Duy Cường cho biết, đối với những khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện vay sẽ được ngân hàng giải ngân kịp thời. Số tiền khách hàng vay được Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay chi trả hằng tháng đến người lao động bị ngừng việc trên cơ sở danh sách người lao động bị ngừng việc đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt hàng tháng và theo đề nghị của khách hàng.

"Tuy nhiên, để đồng vốn ưu đãi đến đúng đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách, Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay sẽ thực hiện giải ngân trực tiếp đến người lao động bằng hình thức chuyển khoản vào tài khoản của người lao động hoặc chi trả bằng tiền mặt tại trụ sở Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay. Việc giải ngân của Ngân hàng Chính sách Xã hội được thực hiện đến hết ngày 31/7/2020", ông Trần Duy Cường nói.

Theo quy định, mức cho vay không quá 50% mức lương tối thiểu vùng/người/tháng, tối đa trong thời gian 3 tháng (từ tháng 4/2020 đến hết tháng 6/2020). Lãi suất cho vay là 0%/năm; lãi suất nợ quá hạn là 12%/năm. Khách hàng vay vốn không phải thực hiện bảo đảm tiền vay. Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách Xã hội nơi cho vay và khách hàng vay vốn thỏa thuận nhưng không quá 12 tháng.

Trong nhiệm vụ quý II/2020 của Ngân hàng Chính sách Xã hội, Tổng Giám đốc Dương Quyết Thắng đã yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống triển khai hiệu quả các kế hoạch, nhiệm vụ đã đề ra ngay từ đầu năm. Cùng với đó, tập trung hoàn thành tăng trưởng tín dụng theo kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội cũng yêu cầu các đơn vị trong toàn hệ thống chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương chuyển nguồn vốn từ ngân sách địa phương qua Ngân hàng Chính sách Xã hội để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Các đơn vị tổ chức giải ngân kịp thời cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

"Song song đó là phải chú trọng đến việc củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, tăng cường kiểm tra, giám sát, phát động các phong trào thi đua nhằm động viên khuyến khích cán bộ, viên chức, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao", Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội khẳng định./.

Tin liên quan


Tin cùng chuyên mục